Vĩnh Long- 5 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số

Cập nhật, 05:18, Thứ Sáu, 22/06/2018 (GMT+7)

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được nỗ lực kiểm soát và chất lượng dân số từng bước nâng lên; tuy nhiên tỷ suất sinh thô giảm và tổng tỷ suất sinh ở mức thấp... là những kết quả tích cực lẫn vấn đề thách thức trong công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) các năm qua tại tỉnh Vĩnh Long.

Theo ngành y tế, những năm qua mức sinh ở tỉnh đã dần tiến đến mức sinh thay thế.
Theo ngành y tế, những năm qua mức sinh ở tỉnh đã dần tiến đến mức sinh thay thế.

Tỷ suất sinh vẫn còn thấp

Theo báo cáo của Sở Y tế về tình hình thi hành Pháp lệnh Dân số (1/1/2013- 15/6/2018), mức sinh trong 5 năm qua liên tục giảm.

Cụ thể, tỷ suất sinh thô giảm từ 15,3‰ năm 2013 xuống còn 13,1‰ năm 2017 và tổng tỷ suất sinh ở mức thấp với 1,9 con/phụ nữ ở năm 2017.

Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh giảm dần khoảng cách chênh lệch và ở mức bình thường trong những năm gần đây: từ 110 bé trai/100 bé gái năm 2013 xuống còn 108,9 bé trai/100 bé gái năm 2017 và thống kê đến giữa năm 2018, tỷ số này là 105,3 bé trai/100 bé gái.

Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tháng 11/2011) với mục tiêu chung nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt các vấn đề về cơ cấu dân số và phân bố dân số...

Đi cùng là 11 nhóm mục tiêu cụ thể để thực hiện chiến lược.

Tại mục tiêu 4 trong chiến lược có nêu giảm mạnh tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, đặc biệt tập trung vào các tỉnh thành có tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số này trở lại mức 105-106 bé trai/100 bé gái khoảng năm 2025.

Trong đó, chỉ tiêu cụ thể mục tiêu này đưa ra tỷ số giới tính khi sinh dưới mức 113 bé trai/100 bé gái vào năm 2015 và dưới mức 115 bé trai/100 bé gái vào năm 2020.

Như vậy tới năm 2015 và tới giữa năm nay, tỷ số giới tính khi sinh ở tỉnh duy trì dưới mức giới hạn chiến lược đã nêu.

Theo bà Phạm Thị Thuận- Trưởng Phòng Tổ chức hành chính- Kế hoạch tài vụ thuộc Chi cục DS-KHHGĐ Vĩnh Long, số này có thể biến động theo thời điểm nhưng kết quả đã thể hiện nỗ lực kiểm soát tình trạng giới tính khi sinh của tỉnh trong các năm qua.

Hiện nay hướng tuyên truyền, vận động công tác dân số là phấn đấu mức sinh thay thế “mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con”. Vì thế, với mức 1,9 con/mỗi cặp vợ chồng tại tỉnh- theo bác sĩ Nguyễn Văn Huỳnh- Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ- tỷ suất sinh vẫn còn thấp.

Cũng cần nói thêm, vấn đề này không chỉ với tỉnh, mà thời gian qua báo chí phản ánh đó là câu chuyện thời sự ở nhiều tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh.

Hướng tới nâng cao chất lượng dân số

Tuy còn thấp nhưng trong 5 năm qua, mức sinh ở tỉnh đã dần tiến đến mức sinh thay thế (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 1,81- 2,02 con/phụ nữ).

Quy mô gia đình nhỏ ngày càng được chấp nhận rộng rãi, số nhân khẩu trong hộ gia đình giảm đáng kể từ 4,15 người xuống còn 3,43 người/hộ.

Thực hiện quyết định UBND tỉnh, Sở Y tế sẽ triển khai chiến dịch tăng cường truyền thông, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản- KHHGĐ tại 16 xã có mức sinh không ổn định trên địa bàn tỉnh năm 2018.

Đây là các xã thuộc vùng khó khăn, địa bàn có mức sinh cao, địa bàn trọng điểm.

Bác sĩ Văn Công Minh- Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh- cho biết: Chiến dịch với yêu cầu quan trọng là truyền thông, lồng ghép để đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản- KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số...

Theo đó, ngoài 16 xã điểm chiến dịch, các địa bàn còn lại tùy điều kiện có thể đồng thời hưởng ứng.

Triển khai trong 1 tháng (1- 31/7), chiến dịch năm nay đảm bảo cung cấp 4 gói dịch vụ sức khỏe sinh sản- KHHGĐ gồm: dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, khám phụ khoa, khám và phát hiện khiếm khuyết thai nhi, truyền thông vận động tại địa bàn chiến dịch.

Bác sĩ Nguyễn Văn Huỳnh cho biết, trong 4 gói dịch vụ của chiến dịch có 2 gói được mở mới: khám và phát hiện khiếm khuyết thai nhi, truyền thông vận động tại địa bàn chiến dịch.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Huỳnh, đây là điều kiện tốt để truyền thông rộng rãi về cải thiện mức sinh của mỗi cặp vợ chồng và tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng tỷ lệ được sàng lọc trước sinh... thúc đẩy nâng cao chất lượng dân số.

Mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ hiện nay được mở rộng từ tỉnh đến cơ sở. Hiện 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã và 100% trạm có bác sĩ, nữ hộ sinh, 100% khóm- ấp có nhân viên y tế và hơn 1.600 cộng tác viên dân số. Đây là điều kiện căn bản để góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng dân số tại tỉnh.

Bài, ảnh: MINH THÁI

TIN LIÊN QUAN