Khổ sở vì "sống chung" cùng tro với bụi…

Cập nhật, 18:29, Thứ Sáu, 20/04/2018 (GMT+7)

Gần 20 hộ dân ở ấp 6, xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình kêu cứu với Báo Vĩnh Long và địa phương về tình trạng nhiều năm qua họ đã phải “chung sống” với bụi bẩn do một nhà máy sấy lúa gây ra.

Bụi bao trùm nhiều năm qua không chỉ làm thiệt hại vườn cây trái là nguồn thu nhập chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của bà con.

Video: NHÓM PHÓNG VIÊN (Thực hiện)

Bụi, tro bay khắp nơi…

Theo đơn phản ánh của người dân, chúng tôi đến và cảm nhận một không khí ngột ngạt bao trùm không gian sống. Nhà nhà yên ắng “cửa đóng then cài”, rèm, lưới giăng nhiều lớp phủ hết căn nhà, lối đi,…

Bà con cho biết, cuộc sống hàng chục người dân nơi đây bị đảo lộn là do bụi lúa kèm theo tro từ nhà máy sấy lúa và xay xát lúa Thành Tiền (thuộc ấp Hồi Thạnh, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn) “từ bên kia sông bay qua”.

Chú L.T (ngụ ấp 6, xã Hòa Hiệp- Tam Bình) bức xúc: “Bụi từ các nhà máy và lò sấy này bay khắp nơi, bám đầy giường chiếu, mâm cơm dọn lên cũng bị bụi, nó xuất hiện khắp nơi”. Anh D.P gần đó tiếp lời: “Bụi vầy sao sống nổi. Nhà tôi che hai lớp vải, cửa đóng suốt ngày mà mới quét chừng 1 tiếng là lại có bụi đen thui. Đất ông bà xưa nay, tôi ở để giữ gìn chứ không chắc cũng bỏ xứ đi luôn”.

Tương tự, chú L.K ở cạnh bên cũng buồn bã kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống khi bị bụi “bao vây”. Chú nói: “Vợ tôi bị bệnh nên phải “chịu trận” ở nhà, còn  tôi thì phải chạy tuốt ra phía sau vườn hoặc ra quán ngồi.

Còn khi ăn cơm toàn ăn bằng tô, rồi kiếm chỗ kín ngồi ăn, vừa ngồi ăn vừa che cái tô lại thôi tro trấu rớt vô”. Rồi chú lại đưa mắt nhìn về phía sau nhà, nơi có hai chiếc giường ngủ, chú bảo: “Nói chung ngủ là để mùng vậy luôn rồi che chắn lại cho bụi đỡ bám vào mềm gối. Tối ngủ là lấy vải trùm luôn lên mùng, vậy mà sáng thì mình mẩy vẫn có bụi li ti”.

Nhà nào cũng làm màn, vải che phủ kín mít, cửa đóng chặt nhưng không ngăn được bụi, tro.

Nhà nào cũng làm màn, vải che phủ kín mít, cửa đóng chặt nhưng không ngăn được bụi, tro.

 

Bà G.K năm nay đã 80 tuổi, cho biết: “Ở xóm người già, trẻ nhỏ nhiều mà bụi quá phải che kính hết, ngột ngạt dữ lắm mà bụi vẫn vô. Trời nắng nóng ra mồi hôi người ngứa ngáy rất khó chịu. Tôi chỉ mong sao nhà máy xử lý lại để không khí trong lành, xóm tôi tháo màn che cho nó thông thoáng vậy mới sống vui, sống khỏe mà mần ăn”.

 

Toàn bộ vật dụng đều có bụi bám như…căn nhà nhiều năm chưa dọn dẹp.
Toàn bộ vật dụng đều có bụi bám như…căn nhà nhiều năm chưa dọn dẹp.

“Cháu tui bệnh về hô hấp liền liền. Lên bệnh viện vài về là bị lại. Từ già lớn, bé không bệnh này bệnh kia thì cũng ngứa ngáy gãy đỏ cả người”- ngồi gần đó bà N.S ngán ngẫm nói.

Không chỉ vậy, hiện nhiều mảnh vườn trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao đang vào độ cho trái cũng chịu thiệt hại nặng. Chú K rơm rớm nước mắt, chia sẻ: “Mùa vụ qua, vườn cây trái nào sầu riêng, măng cụt, chôm chôm Java,… dường như thất thu hết. Cây vừa ra bông, ra trái non gặp phải bụi tro là rụng hết. Mình chỉ biết nhìn chứ đâu có cách nào cứu chữa được”.

“Tui làm vườn kỹ lắm, 4 công vườn trồng toàn cây có múi có giá trị kinh tế cao, đa phần là bưởi. Bởi vậy tui tưới nước suốt cho bụi đỡ bám vào, mà bưởi vẫn bị nám da bán rất khó bán, giá cũng rất thấp”- anh P buồn bã nói.

Nhờ chính quyền can thiệp

Theo lời của nhiều người dân, tình trạng sống chung với bụi đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng từ 2 năm trở lại đây thì ngày càng trầm trọng hơn khi nhà máy triển khai đưa lò sấy dạng tháp với công suất lớn hơn đi vào hoạt động.

Vì lẽ đó, năm 2017 khi xuất hiện bụi khá nhiều, bà con mới cử người đại diện gặp chủ nhà máy. Nhiều người dân tâm sự, ban đầu mình sợ mếch lòng vì là hàng xóm láng giềng, nhưng “thấy bụi quá trời, chịu không nổi nữa nên mới nhờ chính quyền địa phương can thiệp”.

Một người dân cũng cho biết: “Mình nói mà chủ nhà máy không tin, họ nói cách sông 180 mét thì làm gì mà có. Rồi kêu bà con nếu có bụi thì tự mua màn che”.

Liên hệ với xã Xuân Hiệp chúng tôi được ông Nguyễn Văn Nam- Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Sau vài ngày hòa giải, chúng tôi đã giám sát việc khắc phục của chủ nhà máy. Chủ nhà máy cũng đã có khắc phục, cho tiến hành dừng thêm phần mái che bằng tôn, tuy nhiên tình trạng bụi vẫn chưa được khắc phục như mong muốn của bà con”.

Theo biên bản hòa giải giữa 2 bên, vào ngày 28/3/2018 chính quyền xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn cũng đã có buổi đối thoại trực tiếp giữa các hộ dân (tại ấp 6, xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình) và chủ nhà máy sấy lúa và xay xát lúa Thành Tiền là bà Đặng Thị Diện. Tại đây, bà Diện cam kết trong thời gian 10 ngày (kể từ ngày đối thoại) sẽ khắc phục tình trạng gây ô nhiễm, đảm bảo đời sống cho người dân.

Chủ nhà máy đã tiến hành khắc phục nhưng vẫn còn ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực.
Chủ nhà máy đã tiến hành khắc phục nhưng vẫn còn ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực.

Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp cho biết thêm, cũng trong thời gian này, bất ngờ có đoàn của tỉnh đến kiểm tra tại nhà máy, yêu cầu chủ cơ sở khắc phục tình trạng trên. Và ngày 20/4, phía Sở Tài nguyên và Môi trường có mời lãnh đạo xã Xuân Hiệp và Hòa Hiệp làm việc về tình trạng trên”.

Thiết nghĩ, trước khi tình trạng ô nhiễm khói bụi được giải quyết, ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương cần hơn nữa sự hợp tác của chủ nhà máy sấy lúa và xay xát lúa Thành Tiền trong việc xây dựng hệ thống xử lý bụi. Và người dân cũng nên “dĩ hòa vi quý” để không làm tổn thương tình làng nghĩa xóm.

Báo Vĩnh Long sẽ theo dõi và tiếp tục thông tin đến quý độc giả

Bài, ảnh: THẾ QUÂN- TRẦN NGỌC