Theo những bước chân thiện nguyện

Cập nhật, 06:11, Thứ Sáu, 09/03/2018 (GMT+7)

Đó là những bước chân thiện nguyện không mỏi, hơn 20 năm nay gắn bó với chương trình “Địa chỉ nhân đạo” do Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long (THVL) thực hiện.

Cứ ngày thứ tư mỗi tuần, nhóm thiện nguyện lại cùng những người thực hiện chương trình đến với những hoàn cảnh khó khăn để mang lại niềm vui, hy vọng vào cuộc sống cho bao mảnh đời bất hạnh.

Không chỉ tự ủng hộ, các cô chú còn vận động nhiều người tham gia đóng góp cho chương trình “Địa chỉ nhân đạo”
Không chỉ tự ủng hộ, các cô chú còn vận động nhiều người tham gia đóng góp cho chương trình “Địa chỉ nhân đạo”

“Ghiền” làm từ thiện

Không phân biệt tuổi tác hay nghề nghiệp, cứ đúng 7 giờ rưỡi sáng thứ tư hàng tuần, mọi người lại tập trung thành một nhóm đợi sẵn ở cổng THVL để cùng nhóm thực hiện chương trình đến thăm hỏi, ủng hộ trực tiếp cho nhân vật mà “Địa chỉ nhân đạo” giúp đỡ.

Không ít người trong số họ vẫn còn lắm bộn bề, lo toan trong cuộc sống nhưng chẳng thành viên nào chịu vắng mặt.

Người này đi được, rủ thêm người khác cùng đi, cứ như thế từ 5- 7 người lúc đầu, đến nay nhóm từ thiện thường xuyên đóng góp trực tiếp cho “Địa chỉ nhân đạo” đã lên tới vài chục thành viên.

17 năm qua, hành trình này chưa bao giờ đứt quãng, chẳng câu nệ địa điểm xa hay gần, nắng hay mưa, vì tất cả đều có chung một tấm lòng.

Nhắc tới “Địa chỉ nhân đạo”, khán giả THVL và bà con trong tỉnh không còn xa lạ với thầy giáo về hưu Nguyễn Thành Hổ (77 tuổi, xã Tân An Luông- Vũng Liêm)- người đã gắn bó, đồng hành không mệt mỏi với chương trình từ những năm đầu đến nay.

Thầy trích lương hưu ủng hộ đều đặn mỗi kỳ cho các nhân vật của chương trình. Thấy được việc làm ý nghĩa của thầy, nhiều nhà hảo tâm tự nguyện đóng góp gửi thầy đem đi giúp đỡ.

Nhiều người còn đứng ra làm trưởng nhóm, vận động ở địa phương nơi mình làm việc hay sinh sống, rồi tập hợp gửi thầy cùng đóng góp.

Đối với những hoàn cảnh khó khăn, khi biết được thông tin, thầy Hổ còn tận tình đến tận nhà viết hồ sơ gửi về “Địa chỉ nhân đạo”.

Cô Lý Cẩm Dung (cô Ba) tuy đã 70 tuổi nhưng có nước da hồng hào và luôn tự chạy xe máy, đã có 7 năm gắn bó với chương trình và rất nhiều lần “lên bờ xuống ruộng” bởi nhà cô ở TP Vĩnh Long nên cô ít khi phải đi đường nhỏ, bờ đê.

Nói về “chuyến đi đáng nhớ nhất”, cô Ba cười ha hả: “Nhiều lắm, nhất là hồi mới đi theo chương trình này, đường sá lúc đó không được như bây giờ mà hộ nghèo thì không có ai ở mặt tiền lộ lớn đâu”.

Cô Ba nhớ cái lần đi xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn), xe cô chạy vô đường “bờ mẫu nhỏ xíu” vì “sợ quá nên tôi chạy thiệt nhanh. Khi đến nơi, nhìn lại chưa thấy ai tới nên lên võng nằm chờ. Không ngờ dây võng mục nên đứt võng, té muốn gãy xương luôn”.

Hạnh phúc của cô Ba không chỉ là được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà còn quen thêm những người cùng tấm lòng thiện nguyện.

Cùng đi, cùng nghe và chứng kiến những khó khăn, bệnh tật của các hoàn cảnh rồi “riết ghiền luôn á, nên lúc nào cũng cố gắng vui khỏe, con cái mới dám cho tôi tự chạy xe đi xa”- cô Ba cười.

Nhân “n lần” hạnh phúc

Đầu tháng 3, chúng tôi cùng theo chân những tấm lòng thiện nguyện đến nhà anh Lâm Minh Thảo ở xứ rẫy ấp Hòa Bình (xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân).

Hơn 3 năm qua, anh Thảo bị bệnh hoại tử chỏm xương đùi hai bên, không thể đi lại được nhưng cần chi phí hơn 70 triệu đồng phẫu thuật nên anh đành gác lại vì gia cảnh quá khó khăn.

Trừ những ngày có người mướn làm thuê, lúc ở nhà chị Sáu- vợ anh- kiếm việc để làm như cắt lục bình để bán kiếm tiền. Những ngày giáp tết, chị phải làm gấp đôi, gấp ba để gom góp mua thuốc, giúp chồng vơi đi phần nào đau nhức.

Sau khi hoàn cảnh của anh Thảo được “Địa chỉ nhân đạo” tìm đến và phát sóng, các nhà hảo tâm đã chung tay giúp sức hơn 59 triệu đồng, giúp anh có điều kiện chữa khỏi bệnh tình, hy vọng cuộc sống bước sang trang mới.

Ngồi ghi danh sách những người mà mình vận động, thầy Nguyễn Phước Hiền- nguyên là Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Hưng (huyện Cái Bè- Tiền Giang) thoăn thoắt ghi các mục theo số thứ tự, họ tên, địa chỉ, số tiền ủng hộ.

Thầy Hiền về hưu 4 năm nhưng đã gắn bó với chương trình hơn 10 năm. Thầy cười hiền hậu: “Cái duyên xem đài, rồi qua đó ủng hộ, rồi thấy mọi người đi cùng chương trình, tôi đi theo luôn tới giờ”.

Có nhiều người hỏi thầy Hiền sao cứ đi làm từ thiện ở Vĩnh Long cho xa, ở Tiền Giang cũng có hộ khó khăn!

Tôi nói đó là cái duyên, gắn bó và đã giúp đỡ người trong cơn khốn khó thì không phân biệt tỉnh nào. Vậy là cứ 6 giờ sáng, ngày thứ tư hàng tuần thầy lại chạy xe máy đến THVL, có khi một ngày phải rong ruổi trên trăm cây số.

Vừa nói, thầy Hiền không quên nắn nót ghi danh sách người thứ 43 ủng hộ trong chương trình. Vậy là đợt này, nhóm của thầy vận động và ủng hộ gần 8 triệu đồng.

Những cô chú trong nhóm thiện nguyện không chỉ đi cùng, lắng nghe và “bỏ tiền túi” cho những hoàn cảnh khó mà còn là cầu nối để vận động những người khác cùng tham gia.

Cô Võ Thị Bùi (60 tuổi, ở xã An Bình- Long Hồ) đang chuyển số tiền của cô và những người thân quen đóng góp trên 2,2 triệu đồng cho chương trình.

Cô Bùi nói: “Thấy tôi trên ti vi, bạn bè người thân tin hơn vì hoàn cảnh có thật, nhờ đó bà con cũng tin tưởng”.

Mỗi tuần đi trao tiền và khảo sát địa chỉ nhân đạo 1 ngày, về nhà là cô lại đi vận động mấy chỗ quen rồi lập thành một danh sách chỉn chu để gửi lại cho những người thực hiện chương trình.

Cô Bùi nói thêm: “Tôi còn tham gia bếp ăn từ thiện bệnh viện, rồi vận động trao quà các dịp rằm, tết”.

Sự ủng hộ, đồng hành của các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, đã cùng tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, khẳng định vị trí của chương trình trong lòng khán giả.

Là nhà báo phụ trách chương trình Địa chỉ nhân đạo, nhà báo Bích Chi chia sẻ: “Có những niềm vui, niềm hạnh phúc khi được thầm lặng kết nối yêu thương, chia sẻ.

Những hành trình từ thiện lại tiếp tục viết thêm nhiều câu chuyện mới về tình nhân ái của những người có chung tấm lòng”.

Thông qua chương trình “Địa chỉ nhân đạo”, sau 17 năm, đã có hơn 640 trường hợp được cộng đồng kịp thời chung tay giúp đỡ. Đến thời điểm này, có hơn 210.000 lượt tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ trên 23 tỷ đồng cho người bệnh nghèo. Số tiền bình quân đến với mỗi địa chỉ theo thời gian tăng dần, hiện tại là trên 60 triệu đồng cho một trường hợp, cá biệt lên đến hơn 80 triệu đồng.

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN