Trên quê hương Nam kỳ Khởi nghĩa

Cập nhật, 06:50, Thứ Bảy, 18/11/2017 (GMT+7)
Giao thông nông thôn xã Trung Hiệp được đầu tư thông suốt, đáp ứng niềm mong đợi của người dân.
Giao thông nông thôn xã Trung Hiệp được đầu tư thông suốt, đáp ứng niềm mong đợi của người dân.

Chúng tôi về thăm xã anh hùng Trung Hiệp- vùng đất đầu tiên nổ ra cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long. Sau ngày giải phóng, từ một địa phương có hạ tầng yếu kém; kinh tế, văn hóa- xã hội chưa phát triển;

nhưng với sự đồng lòng chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Trung Hiệp (Vũng Liêm) đã vươn mình đổi mới từng ngày.

Về thăm nơi đây, chúng tôi thêm tự hào về vùng đất và con người trên quê hương cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt- quê hương Nam kỳ Khởi nghĩa.

Cuộc sống mới

Trong căn nhà còn thơm vôi vữa, tiếng cười đùa của 2 anh em Nguyễn Sơn Khánh và Nguyễn Sơn Kiệt- con chị Sơn Thị Ngọc Bích (ấp Ruột Ngựa) rộn vang.

Phía sau nhà, chị Bích đều tay xe lõi lác và cười tươi: “Được Nhà nước quan tâm cất nhà và hỗ trợ cho con bò để làm kế sinh nhai, vợ chồng tui mừng dữ lắm. Tụi nhỏ được ở nhà tường, nền xây cao ráo, lót gạch bông sạch sẽ nên khoái lắm. Sau giờ học thì tha hồ chơi đùa, chạy nhảy trong nhà”.

Hiện chồng chị Bích đi làm hồ, còn chị ở nhà vừa chăm sóc con vừa xe lõi lác cũng kiếm thêm khoảng 1,7 triệu đồng/tháng, cuộc sống đã ổn. “Thấy Nhà nước lo cho mình nhiều quá, nên năm rồi tui đăng ký thoát nghèo, năm nay thì đăng ký thoát cận nghèo luôn để Nhà nước còn lo cho hộ khó hơn mình”- chị Bích bộc bạch.

Chúng tôi đến chợ Trung Hiệp nhân lúc chị Trần Thị Ngọc Phụng đang ngồi bán rau củ, chị cười xởi lởi: “Mình bán nhiều loại, mỗi thứ một chút vậy mà khách dễ mua”.

Nói về chuyện học hành của các con, mắt chị Phụng ánh lên niềm vui: “Con gái tui khi còn đi học luôn được xã lo cho học bổng, hỗ trợ tập sách... nên tui cũng nhẹ gánh phần nào. Lúc lên học CĐ thì được hỗ trợ vay ưu đãi học sinh- sinh viên.

Là sinh viên ưu tú của trường nên vinh dự được kết nạp Đảng. Giờ con đã vào làm việc ở Đồng Nai. Cũng nhờ được địa phương quan tâm mà tụi nhỏ được học hành đến nơi đến chốn, cuộc sống gia đình ổn định hơn.

Có nhà cặp tuyến đường Rạch Ngay, mỗi sáng ông Nguyễn Văn Tư (67 tuổi) đi bộ tập thể dục rồi về cho cá ăn và chăm sóc vườn tược.

Nhìn tuyến đường dài hơn 2,7km (từ lộ Rạch Ngay đến ấp Nhơn Ngãi, xã Hiếu Phụng) được trải nhựa thông thoáng, ông phấn khởi: “Lộ này hoàn thành hơn nửa năm rồi, chính là niềm mong mỏi của người dân nơi đây. Trước kia đường trũng như lòng chảo, mỗi khi trời mưa thì chỉ có người quen đường mới dám chạy. Giờ bà con mình phấn khởi lắm.

Hớp ngụm trà, ông Tư nói thời chiến mình phá đường không cho giặc đi. Sau ngày giải phóng thì đi đường cũng phải… lội sông, cực khổ trăm bề.

“Mỗi đầu tuần tôi lên huyện dạy học phải trầm mình lội 3 con sông (Mướp Sát, Ruột Ngựa, Rạch Nưng) đến cuối tuần thì lội về, nhưng giờ đường sá thông thương rồi, chỉ đi hơn 10 phút là đến nơi.

Còn trường lớp ngày xưa thì toàn bằng tre lá, phải cưa cây trâm bầu làm bàn, đóng vỉ tre làm ghế, mỗi phòng dạy 2- 3 lớp, nhưng học cao lắm cũng không tới lớp 5.

Sáng 9 giờ thì gom học sinh vô dạy, đến 11- 12 giờ thì tan, nhưng học có yên lành đâu, lâu lâu giặc đi càn đốt sạch sẽ, nhưng tinh thần chiến đấu của mình ngoan cường lắm, nó đốt thì mình cất lại và đắp thêm “trảng sê”- để khi có động tĩnh gì thì cho học sinh chạy vô đó.

Giờ trường học được xây kiên cố, đạt chuẩn quốc gia. Trẻ em nghèo còn được Nhà nước hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để đến trường.

Điều làm ông Tư tâm đắc nữa là từ năm 1997 đến nay điện cao thế được kéo về đây. Nhà nhà đều đèn điện sáng trưng, không còn cảnh đèn dầu leo lét như trước nữa. Theo ông Tư, giờ kinh tế- xã hội phát triển hơn so trước ngày giải phóng rất nhiều, đúng như lời Bác Hồ từng nói: “Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Tháng 10/2017, xã Trung Hiệp đã vinh dự đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã có 7/19 tiêu chí đạt vượt so quy định, trong đó nhà ở đạt chuẩn vượt trên 18%, tỷ lệ dân sử dụng nước sạch vượt 19,26%, tỷ lệ lao động qua đào tạo vượt 24,78%. Hiện, xã và tiếp tục hướng đến mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhớ lời chú Chín Hòa xây quê hương đổi mới

Tuyến Đường tỉnh 907- đường về quê chú Chín Hòa (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) được trải nhựa phẳng lỳ. Dọc hai bên đường, những ngôi nhà tường khang trang dần mọc lên, quanh đó là hàng dừa xanh tỏa bóng mát, vườn bưởi trĩu quả...

Ngang qua Trường Tiểu học Trung Hiệp A, nhìn các em nhỏ chơi đùa với nụ cười rạng rỡ, chúng tôi càng hiểu thêm cuộc sống mới là đây.

Dù được gặp chú Chín Hòa cách nay cả chục năm nay nhưng đến giờ đồng chí Hồ Văn Nữa- Bí thư Đảng ủy xã- vẫn nhớ như in những lời căn dặn của chú lúc sinh thời. Đó là cần phải khai thác hết tiềm năng đất đai, tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm nấm rơm, chăn nuôi bò.

Đặc biệt là phải có giải pháp giúp hộ nghèo giảm nghèo bền vững, quan tâm giúp đỡ học trò nghèo, hạn chế thấp nhất học sinh bỏ học vì đây là thế hệ tương lai của đất nước.

Được Nhà nước hỗ trợ cất nhà, chị Bích an tâm làm ăn, nuôi con ăn học và đăng ký thoát cận nghèo trong năm nay.
Được Nhà nước hỗ trợ cất nhà, chị Bích an tâm làm ăn, nuôi con ăn học và đăng ký thoát cận nghèo trong năm nay.

Theo Bí thư Đảng ủy xã- Hồ Văn Nữa, những lời chỉ dạy sâu sắc của chú Chín Hòa đã được Đảng bộ xã cụ thể hóa vào Nghị quyết nhiệm kỳ 2010- 2015 của xã.

Đó là tập trung chuyển dịch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát động nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Đồng thời, phát triển mô hình trồng nấm rơm và nhân rộng đàn bò lớn nhất cả huyện. Đến nhiệm kỳ 2015- 2020, xã tiếp tục lấy chủ đề “Giữ vững và phát triển đột phá đàn bò”.

Qua sơ kết 9 tháng năm 2017, tổng đàn bò của xã đạt 2.000 con. Ngoài ra, xã còn phát triển mô hình nuôi gà thả vườn, được duy trì ổn định 60.000 con, giúp người dân cải thiện thu nhập đáng kể.

Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã là 10,5 triệu đồng/người/năm, đến giữa năm nay đạt 35,37 triệu đồng/người/năm.

Với sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền xã mà số hộ nghèo cũng giảm đáng kể, từ 98 hộ nghèo (năm 2016), đến nay chỉ còn 61 hộ (2,38%). Về giáo dục, xã được công nhận phổ cập THCS, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học đạt 92,45%.

Nhớ lời dặn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người dân xã Trung Hiệp tăng gia sản xuất để nâng cao thu nhập.
Nhớ lời dặn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người dân xã Trung Hiệp tăng gia sản xuất để nâng cao thu nhập.

Nhớ lời chú Chín Hòa căn dặn trong việc tăng gia sản xuất mà chú Hồ Văn Tế (ấp Bình Phụng) cũng đã vươn lên khấm khá, từ 7 công đất đến nay đã có trong tay 27 công đất và phát triển kinh tế với mô hình tổng hợp VACR, đặc biệt là “tui nuôi bò suốt hà, lúc nào trong chuồng cũng có cả chục con, nhờ vậy mà tui có điều kiện lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn”- chú Tế hào hứng kể.

Gần đó, chú Phan Văn Thương cũng đã cải thiện đời sống với mô hình VACR và làm dịch vụ chạy máy gặt đập liên hợp, nhờ vậy mà mỗi thành viên trong gia đình cũng “bỏ túi” khoảng 40 triệu đồng/người/năm.

Theo chú Thương, đời sống người dân đi lên cũng là nhờ chú Chín Hòa luôn hết lòng lo cho dân, từ đường sá, điện thắp sáng, trường học, trạm y tế rồi còn hướng dẫn bà con mình cách làm ăn... mà quê hương nay đã nhiều thay đổi.

Rồi chú Thương nói về vị Thủ tướng bằng niềm tự hào: “Tuy không được gặp chú Chín Hòa nhưng qua đọc báo, xem đài mà càng thương, càng kính trọng vị Thủ tướng của lòng dân.

Tui còn được nghe các cụ cao niên ở đây kể, năm 1940, chú Chín Hòa đã vận động hàng chục thanh niên trong ấp tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ và tập họp tại đình Bình Phụng.

Năm 1945, đình này là trụ sở hành chính kháng chiến của xã”- chú nói tiếp- “Sau ngày giải phóng, mỗi khi chú Chín Hòa về thăm quê, dân mình mừng dữ lắm vì chú luôn hòa mình với xóm giềng, hiền hậu, nhân từ...

Chú là nông dân bần cố nông đi làm cách mạng mà không thương sao được, tui vinh dự được ở ngay nơi “chôn nhau cắt rốn” của chú nên tự hào lắm!"

Tại huyện Vũng Liêm, đêm 22 rạng sáng 23/11/1940, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Thị Hồng- Bí thư Huyện ủy và đồng chí Phan Văn Hòa (tên gọi khác của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) cùng nhiều đồng chí khác đã lãnh đạo nhân dân các xã đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay thực dân, phong kiến, làm tan rã bộ máy thống trị, giải tán bọn tề xã ở địa phương, phá rã toàn bộ hệ thống kềm kẹp của địch ở các xã, đốt dinh quận và làm chủ huyện lỵ trong 8 giờ.

 

 


Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THÚY QUYÊN