Xã anh hùng Trung An phấn đấu về đích nông thôn mới

Cập nhật, 15:46, Thứ Tư, 19/07/2017 (GMT+7)

 

Ông Nguyễn Văn Thắng (trái) đã hiến 80m2 đất để xây NTM.
Ông Nguyễn Văn Thắng (trái) đã hiến 80m2 đất để xây NTM.

Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trung An (Vũng Liêm) tiếp tục phát huy truyền thống, phấn đấu về đích nông thôn mới (NTM) vào cuối năm nay.

 “Nhà nước cần là hiến đất ngay”

Theo chân ông Nguyễn Minh Khánh- cán bộ lao động- thương binh và xã hội xã Trung An đến thăm một số gia đình chính sách, người có công mới thấy được quyết tâm của những người con ưu tú vùng đất anh hùng. Mỗi người với mỗi phần việc khác nhau nhưng đều đồng lòng, chung sức cùng Nhà nước xây NTM.

Bên tách trà, ông Nguyễn Văn Thắng (ấp Trung Hòa 1) kể: “Xưa đây là vùng kháng chiến, đồn bót của địch đóng rất gần nhà. Không cam chịu trước cảnh nước mất nhà tan nên cả 5 anh em tôi đều đi bộ đội.

Năm 1967, tôi nhập ngũ ở địa phương quân, làm y tá rồi trực tiếp chiến đấu. Năm 1971, trong một trận đánh xuất kích ở đồn Lo Co (xã Hiếu Thành- Vũng Liêm) đã làm địch bị thiệt hại 2 tiểu đoàn, tôi thì bị thương nặng”.

Bị ảnh hưởng chất độc hóa học và bị đứt 16 khúc ruột qua các trận chiến, ông Thắng trở thành thương binh 4/4. Hiện, ông đang điều trị khối u đại tràng.

Tuy sức khỏe kém nhưng ông vẫn tích cực hưởng ứng các phong trào địa phương. Nhất là khi Nhà nước đầu tư tuyến đường Kinh Nổi, ông đã hiến 80m2 đất ruộng và vận động các hộ lân cận cùng hiến đất.

Ông Thắng tâm sự: “Phần đất tôi hiến tuy không nhiều, nhưng cũng làm gương cho bà con noi theo, vận động cũng thuyết phục hơn.

Vui nhất là có đường sá ngon lành, bà con ai cũng được hưởng lợi, bán lúa được giá hơn vì xe chạy tới ruộng thu mua, đi ruộng cũng khỏe re. Chứ trước đó mùa nắng còn lội men đi đỡ đỡ, chứ mùa mưa thì... vô phương, toàn đẩy xuồng tam bản đi không hà”.

“Sống ở vùng cách mạng nên mình cũng làm cách mạng, góp chút công sức bảo vệ và xây dựng quê hương mình”- ông Nguyễn Văn Tựu (ấp An Phước)- người chiến sĩ du kích năm xưa đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Hiện dù đã bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng hàng ngày ông vẫn cắt cỏ nuôi chục con bò.

“Nhờ tham gia lớp học đào tạo nghề chăn nuôi bò do địa phương tổ chức mà tui rành kỹ thuật hơn, nhất là biết cách tiêm ngừa hợp lý, cách xổ lãi, chăm sóc chuồng trại, vệ sinh bò sạch sẽ. Nuôi bò chủ yếu là lấy công làm lời, biết cách chăm sóc bò cũng khỏe mạnh và bán được giá hơn. Mỗi năm cũng bỏ túi được vài chục triệu đồng”- ông Tựu khoe.

Gần đây, khi địa phương đi khảo sát định đầu tư mở rộng và nhựa hóa tuyến lộ gần nhà thì ông Tựu đã ăn mừng vì “sống tới từng tuổi này, được thấy quê hương mình đổi thay từng ngày thì còn gì bằng; do nhà tui không ngay lộ, chứ nếu ngay lộ cần bao nhiêu đất tui cũng hiến”- ông Tựu nói.

Nêu cao tinh thần gương mẫu

Còn ông Nguyễn Văn Dũ- thương binh 3/4 (ấp An Lạc 1) hiện đang “sống khỏe” với nghề đan dớn gia công. Ông tâm sự: “Sau khi xuất ngũ về địa phương, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, gia đình lại không đất sản xuất nên phải làm thuê đủ thứ nghề từ xịt thuốc mướn, dọn đất… để mưu sinh”.

Nhờ các chính sách chăm lo của Đảng và Nhà nước, cộng với tính cần cù, chí thú làm ăn nên cuộc sống gia đình ông Dũ dần ổn định và cất được ngôi nhà tường khang trang. Hiện tuổi đã cao, không làm được nhiều việc nặng nên vợ chồng ông nhận đan dớn gia công cho cơ sở gần nhà để kiếm thêm thu nhập (gần 2 triệu đồng/người/tháng).

Ông Dũ quan niệm: “Thời trẻ xông pha chiến trường được thì nay thanh bình phải phấn đấu nhiều hơn. Có vậy mới xứng đáng những gì Đảng và Nhà nước đã chăm lo cho mình lâu nay”.

Ông Nguyễn Minh Khánh cho biết: Toàn xã có 285 gia đình chính sách, trong đó có 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách “đền ơn đáp nghĩa” đối với gia đình chính sách, người có công. Qua đó, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần để mọi người an tâm vui sống và tiếp tục nêu gương trong thực hiện các phong trào cách mạng địa phương; nhiều hộ đã đi đầu trong hiến kế, hiến công, đóng góp tiền của để xây dựng các công trình phúc lợi NTM.

Còn những hộ như ông Tựu, ông Dũ, tuy lớn tuổi nhưng vẫn chí thú làm ăn để có cuộc sống khấm khá hơn. Qua đó cũng góp phần cùng Nhà nước xây dựng tiêu chí NTM “khó ăn” hiện nay là thu nhập.

Theo ông Nguyễn Văn Truyền- Chủ tịch UBND xã, Trưởng BCĐ Xây dựng NTM xã: Ngay từ đầu năm, xã đã tập trung kiện toàn BCĐ thành lập 3 tổ chuyên sâu để nâng chất lượng các tiêu chí đã đạt và tập trung những tiêu chí chưa đạt.

Thuận lợi của xã là 8 công trình liên quan đến các tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa đã được thi công ngay từ đầu năm. Riêng các tiêu chí còn gặp khó là thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2016 mới đạt 31,4 triệu đồng/người/năm (chuẩn mới là 37 triệu đồng/người/năm);

tỷ lệ hộ nghèo 5,4% (chuẩn mới từ 4% trở xuống) nên xã đang tập trung quyết liệt các giải pháp liên quan đến cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động.

Nhờ tham gia các lớp dạy nghề, ông Nguyễn Văn Tựu (trái) có thêm kinh nghiệm làm ăn, góp phần xây NTM đạt tiêu chí thu nhập.
Nhờ tham gia các lớp dạy nghề, ông Nguyễn Văn Tựu (trái) có thêm kinh nghiệm làm ăn, góp phần xây NTM đạt tiêu chí thu nhập.

Bên cạnh, từ nguồn khen thưởng thi đua về nhất cụm, xã đang tập trung cho tiêu chí môi trường.

Theo đó, vận động bà con không xịt thuốc diệt cỏ mà dùng máy phát cỏ đồng thời trồng cây và hoa dọc các tuyến đường nhằm tạo cảnh quan xanh- sạch- đẹp. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, xã sẽ phấn đấu về đích vào cuối năm nay.

 

Được tách ra từ xã Trung Hiếu, tháng 2/2016, xã Trung An vinh dự được công nhận xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những năm chiến tranh, Trung An bị địch bình định, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Vũng Liêm, Đảng ủy xã, nhân dân xã Trung An luôn phát huy tinh thần cách mạng, giương biểu ngữ kéo đi biểu tình. Đặc biệt trong trận Đìa Dứa (ấp An Phước), ta đã diệt được số lượng lớn địch và phải dùng tới 3 chiếc máy cày để chở xác.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- XUÂN TƯƠI