Bỏ thuốc lá vì sức khỏe

Cập nhật, 09:46, Thứ Ba, 30/05/2017 (GMT+7)

 

Mọi người- nhất là phụ nữ đừng vì cả nể, ngại ngùng để cứ chấp nhận “sống chung với khói độc”.
Mọi người- nhất là phụ nữ đừng vì cả nể, ngại ngùng để cứ chấp nhận “sống chung với khói độc”.

Hút thuốc lá (TL) có hại cho sức khỏe là điều chắc ai ai cũng biết. Song lỡ hút, lỡ ghiền rồi thì làm sao bỏ, tránh xa “hung thần của sức khỏe” này?

Hãy nói không với TL!

Có một nghịch lý là dù biết tác hại của TL nhưng rất nhiều người vẫn phì phèo. Nhiều người dù không muốn bỗng nhiên cũng trở thành người hút thuốc, nhất là phụ nữ mang thai. Đã có nhiều khuyến cáo về tác hại của khói thuốc cũng như tác hại của việc hút TL thụ động này.

Có thể thấy, người hút TL có ở mọi nơi: trong khuôn viên bệnh viện, công viên, khu vui chơi trẻ em, nhà hàng, quán cà phê, trước cổng trường, công sở… dù ở những nơi này có biển cảnh báo cấm hút thuốc.

Được biết, khói TL có thể lan tỏa trong bán kính ở phạm vi 10m, có nghĩa là 1 người hút trực tiếp nhưng có thể 10 người bị hút thuốc thụ động.

Chị Trịnh Tuyết Ngân (Phường 1- TP Vĩnh Long) bức xúc: “Cuối tuần cả nhà tôi hay đi ăn sáng, trầm quán cà phê sân vườn thả lỏng thì lúc nào cũng ngó xung quanh bàn bên cạnh có ai hút thuốc không để… né. Nếu hết bàn ngồi, vợ chồng tôi đành trả tiền về sớm mà ấm ức vì buổi thư giãn bị gián đoạn, để tránh xa khói thuốc”.

Nhiều người đều biết hút thuốc là không tốt nhưng mấy ai dám đứng lên để có ý kiến, phê bình những người hút TL vô ý thức xung quanh.

Cùng 1 điếu TL, vì sao độ độc của khói đối với người hút thuốc thụ động gấp 10 lần người đang hút? Vì khói TL thụ động là khói xuất phát ngay từ đầu điếu TL tỏa ra trực tiếp còn khói hút vào cơ thể là đã được hòa loãng với không khí xung quanh.

Chị Phạm Mai Anh cho biết: “Hôm cuối tuần, gia đình tôi đi ăn tiệc. Ngồi bàn, anh rể bật lửa hút thuốc, biết ý tôi, chị chồng cười phân bua, không gian rộng gió thổi khói bay hết hà, không sao đâu em. Tôi khéo léo ẵm con né chỗ khác, không cho đứa con bé bỏng của mình phải gánh chịu chất độc hại đến với cơ thể mỏng manh này”.

Khi dừng đèn đỏ, nhiều người cũng khổ sở vì vô cớ bị hít thuốc thụ động.
Khi dừng đèn đỏ, nhiều người cũng khổ sở vì vô cớ bị hít thuốc thụ động.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong phân tích toàn diện về bệnh ung thư liên quan tới TL, các nhà nghiên cứu cho biết có nhiều đột biến trong ADN của người hút thuốc.

Ngoài việc gây đột biến 10 gien trong tế bào phổi, TL còn gây đột biến 97 gien trong thanh quản, 39 gien ở vòm miệng, 23 gien trong khoang miệng, 18 gien tại bàng quang và 6 gien ở gan.

Trong khói thuốc có chứa 7.000 hóa chất, trong đó có ít nhất 70 tác nhân gây ung thư. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu người chết vì 17 loại ung thư được cho là có liên quan đến khói thuốc.

 Không chỉ gây đột biến gien trong phổi, các bộ phận khác của cơ thể cũng chịu tác động không hề nhỏ của TL, bởi chất gây ung thư trong TL được nhìn thấy hầu hết ở các cơ quan tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với khói thuốc.

Có quyết tâm sẽ bỏ được TL

Hầu hết những người hút thuốc đều biết tác hại của nó ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, tốn kém tiền bạc, lệ thuộc vào thuốc... nhưng chưa bỏ thuốc được.

Việt Nam có khoảng 15 triệu người hút thuốc và nằm trong số 15 quốc gia có số lượng người hút TL nhiều nhất thế giới.

Trung bình 2 nam giới có 1 người hút TL. 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên lãnh đủ hậu quả dù chẳng hút một hơi nào.

Với những tác hại to lớn trên, mỗi người chúng ta hãy thực thi nghiêm Luật Phòng, chống tác hại TL, vừa là một tuyên truyền viên để vận động mọi người không hút TL để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và những người thân; xây dựng môi trường sống trong lành, không khói TL.

Rất nhiều người quyết tâm vì sức khỏe của mình, người thân và cộng đồng mà bỏ được khói thuốc. Họ biết rằng, bao năm qua, những điếu thuốc họ vô tư nhả khói kia đã làm cho vợ con và biết bao người xung quanh phải ảnh hưởng sức khỏe vì hít phải khói TL của mình.

Chú Nguyễn Văn Hậu (xã Trung Thành- Vũng Liêm) có thâm niên hơn 20 năm hút thuốc nên việc cai thuốc của chú có “lộ trình” dài hơi, nhưng bằng quyết tâm chú đã bỏ được TL.

Chú chia sẻ: “Chú hút ít lại. Lúc ghiền chú hút ngày gần 2 gói thì sau 20 ngày giảm 1 gói; sau đó giảm nửa gói trong vòng 1 tháng. Tiếp tục kiên trì, luôn hứa với lòng, mình vì bệnh cao huyết áp, vì cháu nội phải bỏ TL, chú giảm được 3 điếu/ngày và 1 điếu rồi dứt hẳn luôn. Bỏ thuốc cũng bức rức, khó chịu lắm.

Nếu thấy lạt miệng thì ăn trái cây, ăn kẹo riết rồi hết thèm thuốc luôn hà”. Anh Trần Quốc Hậu (Phường 8- TP Vĩnh Long) cho biết:

“Tôi không thể sống ích kỷ chỉ vì mình mà quên tác hại dành cho người thân của mình. Tôi hiểu những người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc cũng rất có hại cho sức khỏe. Trong suốt 1 tháng, tôi không đi cà phê, từ chối các cuộc nhậu để bỏ thuốc. Tôi kiên quyết từ chối khi bạn bè mời thuốc”.

Nếu thực sự muốn và có quyết tâm, những người nghiện thuốc hoàn toàn bỏ được thói quen xấu này.

Hãy nghĩ đến những phụ nữ, trẻ em, những người xung quanh mắc bệnh do phải hút TL thụ động. Có thể nói, việc hút TL giống như đang hại người khác vậy! Nếu mỗi người đều nói không với TL, chính là góp sức để môi trường trong lành, cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo Bộ Y tế, trung bình những năm gần đây, người Việt Nam chi 31.000 tỷ đồng/năm để mua TL. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm ở 5 nhóm bệnh liên quan đến TL là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa- hô hấp trên, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và phổi tắc nghẽn mãn tính là 23.000 tỷ đồng/năm. Tại Bệnh viện K, gần 97% bệnh nhân ung thư phổi có hút TL.

 

 

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN