Câu chuyện nông thôn

Khi người nghèo bệnh

Cập nhật, 16:26, Thứ Tư, 21/12/2016 (GMT+7)

Ở nông thôn mình có 2 chuyện quan trọng, đó là làm giàu và giảm nghèo. Trong đó, câu chuyện giảm nghèo là vô cùng bức thiết, nhất là ở vùng nông thôn sâu, vùng khó khăn. Hai Lúa tui thấy người nghèo họ lo cho cái ăn hàng ngày đã là thấy mệt rồi, do đó, cái chuyện BHYT thường thì bị xem nhẹ, thậm chí là không quan tâm.

Đến khi đụng chuyện mới thấy khó, thấy khổ, bởi đã nghèo mà gặp bệnh hoặc bệnh nặng thì coi như bó tay. Không ít trường hợp phải chạy vạy, vay mượn, khi túng cùng phải buộc lòng bán đi phần đất vốn đã ít ỏi của mình, coi như bán... cái nồi cơm luôn vậy. Những lúc đó mới thấy cái thẻ BHYT là phao cứu sinh.

Từ nhiều năm nay, vấn đề tuyên truyền về BHYT được đẩy mạnh, chính quyền địa phương rất quan tâm, có cả hệ thống chính trị, đoàn thể cùng tham gia. Nhưng thực tế, con số tham gia vẫn còn khá ít, có thể do nhiều nguyên nhân nhưng Hai Lúa tui thấy có một phần là do người dân không thể hiểu được hàng đống các văn bản, các quy định của ngành này.

Thực tế thì bà con cũng có bao giờ tiếp xúc trực tiếp với các văn bản đâu mà hiểu, bản thân họ khi chưa hiểu nhiều thì cũng không thực sự quan tâm. Cũng không ít những người trực tiếp thực hiện hoặc có liên quan nắm vấn đề chưa rõ, nên khó tuyên truyền, thuyết phục người dân tham gia.

Công tác thu chi, khám chữa bệnh BHYT luôn cần thật sự minh bạch, thật sự công tâm, công bằng, đúng với ý nghĩa của một nhiệm vụ an sinh xã hội, mang tính nhân văn, nhân đạo cao cả.

Còn vấn đề tuyên truyền vận động nên đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu đối với người dân, bớt nhiêu khê hơn trong các quy định, nhất là ở khâu khám chữa bệnh. Bao giờ người dân cảm thấy thật thoải mái, nhẹ nhàng, thật sự được phục vụ xứng đáng thì không việc gì mà người dân không tham gia một cách vui vẻ, tự nguyện.

BHYT chính là một phần quan trọng giải quyết gánh nặng đói nghèo của xã hội, kể cả với người nghèo thành thị lẫn nông thôn.

Hailua@.com