Kết nối phố

Khi đàn ông... đi chợ

Cập nhật, 07:35, Thứ Tư, 17/08/2016 (GMT+7)

Ở các đô thị, thành phố lớn, hình ảnh phái mày râu đi chợ, nấu cơm ngày càng nhiều. Mọi người nói gì về điều này?

Chú tổ trưởng dân phố “tự bạch”: Tôi đi chợ mỗi ngày vì vợ tôi là giáo viên mẫu giáo, sáng nào cũng phải đến trường nhận trẻ từ rất sớm và chiều muộn mới về. Công việc của tôi giờ giấc linh động, thoải mái hơn, nên việc “đi chợ nấu cơm” là tất nhiên. Chú cười khe khe “phụ vợ mình chớ… vợ ai mà còn phải đắn đo”.

Thầy giáo cấp ba đầu ngõ thì không “mỗi ngày” nhưng nói “hôm nào vợ đi trực đêm ở bệnh viện thì tôi đi chợ”. Vợ về có sẵn thức ăn để nấu nướng, phụ được việc nào hay việc đó mà.

Anh bạn làm nghề quay phim thì “thú thiệt”: Tôi bắt đầu lãnh phần đi chợ từ hồi… có siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Vì trước đó đi chợ chen lấn, trả giá nên khi chọn hàng tôi hơi ngại. Giờ đi “chợ hiện đại”, tôi thấy rất thuận tiện cho phái nam vốn “yếu thế” về việc này. Bạn bè tôi nhiều người trước không bao giờ theo vợ đi chợ, giờ cũng “mạnh dạn” lãnh phần đi siêu thị mua rau, mua cá.

Ở một góc nhìn thực tế, cho thấy: Khi tiến bộ xã hội và cơ sở vật chất tốt hơn (ví dụ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bếp gas, lò điện…) sẽ giúp kéo gần lại khoảng cách về mặt bình đẳng giới. Vì vậy, đô thị chính là một trong những nơi góp phần “quảng bá, tuyên truyền và thực hiện” cho bình đẳng giới ngày càng thiết thực và lan rộng hơn.

NGUYÊN CHƯƠNG