Phạt vượt đèn vàng như vượt đèn đỏ- có hợp lý?

Cập nhật, 10:49, Thứ Ba, 16/08/2016 (GMT+7)

Theo thói quen, ở các giao lộ ngã tư, ngã năm có cột đèn tín hiệu, khi đèn xanh đã chuyển sang vàng, phần lớn người điều khiển phương tiện thường tăng tốc để vượt qua vì cứ nghĩ chỉ đèn đỏ mới phải dừng lại.

Theo quy định hiện nay, hành vi vượt đèn vàng lẫn vượt đèn đỏ đều bị xử phạt như nhau. Có những ý kiến trái chiều xung quanh quy định xử phạt này. Câu hỏi đặt ra là: vì sao?

Người điều khiển xe gắn máy vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt từ 300.000- 400.000đ, đồng thời có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1- 3 tháng.
Người điều khiển xe gắn máy vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt từ 300.000- 400.000đ, đồng thời có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1- 3 tháng.

Vượt đèn vàng, phạt như vượt đèn đỏ

Thật ra, quy định cấm vượt đèn vàng không mới. Tại khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định tín hiệu giao thông có 3 màu: tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Hiện nay, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nếu người điều khiển phương tiện không tuân thủ các quy định trên thì sẽ bị xử phạt cùng một hành vi là “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.

Qua ghi nhận tại các nút giao thông trong nội ô TP Vĩnh Long, vẫn còn nhiều người và phương tiện không chấp hành hiệu lệnh dừng khi đèn tín hiệu chuyển màu vàng, thậm chí còn tăng tốc để vượt qua.

Điều này xuất phát từ tâm lý chung của nhiều người, chị Nguyễn Thị Thu (xã Tân Hạnh- Long Hồ) cho biết: “Trước giờ, tôi cứ nghĩ chỉ dừng khi đèn đỏ, đèn vàng được đi tiếp vì có người cũng vượt đèn vàng như mình”.

Ý kiến khác cho rằng xử phạt vượt đèn vàng là hợp lý, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. “Khi đèn vàng cũng là lúc ở hướng đường cắt ngang sắp chuyển sang đèn xanh.

Lúc này người vượt đèn vàng và người đang chạy ở hướng đường cắt ngang đều di chuyển với tốc độ cao, nếu va chạm thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”- anh Lưu Thành Lâm (Phường 9) cho biết.

Tuy nhiên, đối với mức xử phạt hành vi “không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông” được quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, nhiều người cho rằng mức phạt vượt đèn vàng như vượt đèn đỏ là chưa hợp lý.

“Lỗi vượt đèn vàng có thể không cố ý nhưng nếu vượt đèn đỏ thì vi phạm đã quá rõ ràng. Tính chất vi phạm của 2 hành vi này khác nhau mà xử phạt như nhau không hợp lý”- anh Lê Anh Tuấn (Phường 2) chia sẻ.

Một số ít ý kiến lại cho rằng vượt đèn vàng gây hậu quả nghiêm trọng không kém vượt đèn đỏ, vì thế phải xử lý mạnh tay để răn đe. “Tôi thấy một số xe thường tăng tốc để vượt đèn vàng mà không chú ý quan sát, dẫn đến tai nạn nghiêm trọng”- chú Võ Văn Bảy (Phường 4) nói.

Ý kiến này là hợp lý, bởi thực tế, tại các cột đèn tín hiệu giao thông trong nội ô TP Vĩnh Long, đèn vàng chỉ hiển thị có vài giây ngắn ngủi. Vì thế, người điều khiển phương tiện không nên tranh thủ vượt đèn vàng mà cần chủ động giảm tốc độ và chú ý quan sát, chấp hành theo hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông.

Chủ động dừng đèn vàng để đảm bảo an toàn

Liên quan đến hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”- quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, Thiếu tá Nguyễn Thành Tuấn lưu ý: Không chỉ có hành vi vượt đèn vàng hoặc đèn đỏ, trường hợp dừng đèn xanh vẫn xem là vi phạm.

Làm công việc chở hàng mỗi ngày, anh Nguyễn Thế Phúc (Phường 1) cho biết: “Tôi biết vượt đèn vàng là sai nhưng thỉnh thoảng cũng lỡ vượt một vài lần vì nếu dừng lại đột ngột, sợ xe phía sau tông trúng, hư xe thì không biết… bắt ai đền”.

Qua khảo sát, nội ô TP Vĩnh Long có hơn chục điểm giao cắt được bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông, trong đó một số nơi lắp đặt ngay dưới chân cầu.

Chẳng hạn như nút giao cắt tại cầu Thiềng Đức với cầu Lầu, ngã tư cầu Phạm Thái Bường, ngã tư đường Hưng Đạo Vương. Tại những nơi này, có rất nhiều phương tiện lưu thông vào giờ cao điểm, nếu phương tiện dừng đèn vàng đột ngột thì rất dễ bị xe phía sau tông trúng, còn đi tiếp thì sẽ vi phạm.

Nhìn nhận về vấn đề trên, Thiếu tá Nguyễn Thành Tuấn- Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông TP Vĩnh Long cho biết: Căn cứ Điều 5 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT- quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của các loại xe tham gia giao thông thì người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) trong trường hợp qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức, qua cầu hoặc khi xuống dốc.

Đối với việc xác định lỗi vi phạm “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”, cụ thể là hành vi vượt đèn vàng để xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, chúng tôi sẽ căn cứ theo điểm c khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Tức trường hợp đã chuyển sang đèn vàng, người tham gia giao thông chưa đi qua vạch dừng thì phải cho xe dừng lại, trường hợp xe đã chạy quá vạch dừng mà đèn xanh mới chuyển sang vàng thì được phép đi tiếp.

Thiết nghĩ, việc quy định gộp chung một hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” là hợp lý, nhằm mục đích răn đe, ngăn ngừa vi phạm, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, do Nghị định 46/2016/NĐ-CP vừa mới được thi hành, lực lượng chức năng cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, bên cạnh đó, việc xem xét xử phạt cần phù hợp với thực tế giao thông mỗi nơi.

Riêng người tham gia giao thông cần chấp hành, tuân thủ theo hiệu lệnh đèn tín hiệu mỗi khi lưu thông trên đường. Bởi dù phải dừng xe lúc đèn vàng hay đèn đỏ, tất cả cũng đều nhằm để bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” (vượt đèn vàng, đèn đỏ) như sau: phạt từ 1,2- 2 triệu đồng đối với ôtô và các loại xe tương tự ôtô; từ 300.000- 400.000đ đối với môtô, xe gắn máy, xe máy điện, các loại xe tương tự môtô và xe gắn máy; từ 400.000- 600.000đ đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng; từ 60.000- 80.000đ đối với xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 1- 3 tháng.

Bài, ảnh: PHẠM PHONG