Sắc hoa đồng bằng

Kỳ 2: Kiên cường như chị Sa Mươne

Cập nhật, 07:53, Chủ Nhật, 25/10/2015 (GMT+7)

Là phụ nữ (PN) dân tộc ở vùng nông thôn, quanh năm chỉ biết có ruộng đồng, nhưng chị Kiên Thị Sa Mươne (ấp Kinh Xáng, xã Hòa Lợi- Châu Thành- Trà Vinh) đã không “an phận”, không trông chờ, mà tự học hỏi, tìm tòi để nâng cao kiến thức và làm mới bản thân.

Chị là bông hoa điển hình của PN dân tộc Khmer đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình, tham gia tốt công tác xã hội, giúp đỡ cho nhiều chị em vươn lên làm giàu.

Mở rộng chăn nuôi bò giúp gia đình chị Sa Mươne có thêm nguồn thu.
Mở rộng chăn nuôi bò giúp gia đình chị Sa Mươne có thêm nguồn thu.

Nghị lực kiên cường từ cái khó

Từ UBND xã Hòa Lợi, chúng tôi băng qua con đường đồng dài hun hút mới tìm đến được nhà của chị Sa Mươne. Ngôi nhà kiên cố rộng lớn, khang trang- chị cho biết- ngôi nhà này là thành quả cả chục năm phấn đấu của vợ chồng chị để thay thế căn nhà lá ọp ẹp ngày nào.

Chị kể, năm 1999, vợ chồng ra riêng được cha mẹ cho hơn chục công đất ruộng. Tuy nhiên, nếu trồng lúa quanh năm thì cũng không đủ trang trải cho gia đình, nhất là khi 2 đứa con lần lượt ra đời. Sau nhiều đêm bàn bạc, vợ chồng chị đã quyết định lên 3 công rẫy trồng màu.

Mỗi ngày, chị túc trực suốt ngoài đồng, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để chăm sóc rau màu. Tới đợt thu hoạch, chị tự mang ra chợ bán để có thêm đồng lời.

Nhờ ham học hỏi, đọc sách báo và “nhẵn mặt” ở các lớp tập huấn do Hội LHPN xã phối hợp tổ chức, cộng với biết tham khảo kinh nghiệm từ những người đi trước và biết chọn thời điểm trồng cây gì thích hợp với điều kiện thời tiết và nhu cầu của thị trường, mà anh chị “làm đâu thắng đó” nên kinh tế ngày càng ổn định.

Hôm chúng tôi đến, anh chị đang xuống giống bí đao và cải xà lách để bán vào dịp Tết Sene Dolta. Chị nói: “Vào các dịp tết của người dân tộc Khmer, ai cũng gói gỏi cuốn để cúng ông bà nên bán xà lách rất chạy. Bí đao thì không cần phải tốn nhiều công chăm sóc và cũng ít khi dội chợ”.

“Mua thổ thì lời” nên có của ăn, của để là chị nghĩ đến việc mua thêm ruộng đất để phát triển kinh tế. Chị nói: “Có đất để làm ăn, nên có ai bán đất gần nhà thì mua”. Hiện, anh chị có trong tay 20 công ruộng, 1 công rẫy và 3 công đất trồng cỏ cho đàn bò ăn, đem đến cho anh chị nguồn thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Khá rồi thì giúp bà con vươn lên

Chị Sa Mươne nói, đối với những người già yếu, không còn sức lao động thì trông chờ giúp đỡ có thể chấp nhận được, nhưng mình vẫn còn trẻ thì phải tự vươn lên. Lúc đầu, mình làm ít, về sau sẽ làm được nhiều hơn.

Để có được thành quả như hôm nay là vợ chồng chị đã biết đồng lòng vượt khó, chí thú làm ăn. Chị luôn biết tiết kiệm để vun vén, chăm lo chu toàn cho gia đình, chú trọng dạy con biết vâng lời ông bà, cha mẹ, lấy đó làm nền tảng để giữ gìn êm ấm trong gia đình.

Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội PN ấp, chị duy trì đều đặn họp tổ, xây dựng tốt các phong trào góp vốn xoay vòng, “5 không, 3 sạch”, biến rác thải thành tiền và xây dựng nông thôn mới... Gần đây, chị còn tiên phong hiến 60m2 đất để làm đường giao thông nông thôn và vận động các hộ gia đình hội viên hiến đất, góp công cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện mô hình “Dân vận khéo” gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát huy tinh thần tương thân tương ái, chị đã xây dựng mô hình vận động chị em tham gia tổ trồng màu. Hiện tổ có 20 thành viên, tham gia với 4ha trồng màu, sản xuất theo hợp đồng với nhà máy sơ chế rau củ quả tại địa phương. Mỗi vụ, tổ họp lại tính toán xem loại màu nào có lãi thì chia ra trồng, hoặc thấy thời tiết không thuận lợi thì sẽ chuyển đổi cho phù hợp, nếu gặp khó khăn về kỹ thuật sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm.

Chị cũng thường xuyên vận động chị em tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, đem lại hiệu quả trong trồng trọt. Thấy chị em thiếu vốn, chị cũng sẵn sàng cho mượn để chuyển đổi mô hình trồng màu và tận tình hướng dẫn kỹ thuật, đến có thu hoạch mới hoàn vốn lại. Chị Sa Mươne phấn khởi: “Thông qua các hình thức giúp nhau làm kinh tế mà đời sống chị em PN trong chi hội ngày càng cải thiện”.

Chị Trần Thị Thu Thảo- Phó Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, Hòa Lợi là xã đặc biệt khó khăn của Trung ương với gần 80% dân số là người dân tộc Khmer được hưởng chính sách ưu đãi theo chương trình 135 của Chính phủ. Hiện, toàn xã còn 601 hộ nghèo và 165 hộ cận nghèo. Nhờ những chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào dân tộc Khmer của Đảng, Nhà nước, đã biến Kinh Xáng trở thành vùng đất trù phú, được mệnh danh là “vành đai xanh” của TP Trà Vinh hôm nay. Cùng với đó là ý thức tự vươn lên của chị em; trong đó chị Sa Mươne là một điển hình PN dân tộc vượt khó nổi trội, vươn lên làm giàu và giúp chị em nâng cao thu nhập thông qua các mô hình giúp nhau làm kinh tế.

Chị Thi Thị Thanh Trúc- Chủ tịch Hội LHPN huyện vui vẻ tiếp lời: Chị Sa Mươne là gương mặt đại diện PN dân tộc được tuyên dương điển hình tiên tiến cấp huyện. Điểm nổi bật của chị là ý chí kiên cường, sự cần cù, chịu khó và rất ham học hỏi.

Mời xem tiếp kỳ cuối trên VLCN kỳ tới

Bài, ảnh: CAO XUÂN HẢI

TIN LIÊN QUAN