Bệnh tiểu đường ở người cao tuổi

Cập nhật, 13:33, Thứ Sáu, 23/10/2015 (GMT+7)

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, bệnh tiểu đường là căn bệnh ngày càng phổ biến ở người cao tuổi. Và các biến chứng của bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân rút ngắn tuổi thọ của người cao tuổi, nhất là các biến chứng tim mạch.

Người cao tuổi nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh tiểu đường nếu có. Ảnh: HỒNG DIỄM
Người cao tuổi nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh tiểu đường nếu có. Ảnh: HỒNG DIỄM

Một số đặc điểm của bệnh tiểu đường ở người cao tuổi

Có đến hơn 95% người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường là bệnh tiểu đường tuýp 2. Việc chẩn đoán được các bệnh này là tương đối khó khăn do các triệu chứng của bệnh thường không có hoặc không điển hình “ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhanh”, nếu có triệu chứng thì cũng rất nhẹ.

Vì vậy, người bệnh không có nghi ngờ và thầy thuốc cũng dễ chẩn đoán sai. Khá nhiều bệnh nhân cao tuổi chỉ biểu hiện ra một số biến chứng mạn tính hoặc một số biểu hiện lâm sàng.

Có rất nhiều bệnh nhân phát hiện mình mắc bệnh tiểu đường khi kiểm tra hóa nghiệm đối với các biểu hiện về sức khỏe như: nhồi máu cơ tim, xơ cứng động mạch vành, huyết áp cao. Hoặc khi bị biến chứng thần kinh, biến chứng thận và biến chứng mắt do tiểu đường.

Ở một số ít bệnh nhân, đến khi xảy ra chảy máu não, tắc mạch máu não… mới biết là bị bệnh tiểu đường. Ở một số bệnh nhân khác, khi xảy ra tắc nghẽn cơ tim, tim đập loạn nhịp, suy tim… mới ngẫu nhiên phát hiện ra bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, nhiều người già mắc bệnh tiểu đường dạng không phụ thuộc insulin, dáng vẻ bên ngoài bệnh nhân hồng hào khỏe mạnh, tinh thần phấn chấn, ăn uống ngon miệng, nên rất dễ ngộ nhận hoặc coi thường.

Có khá nhiều người mắc bệnh đã lâu, động mạch nhỏ ở thận đã bị xơ cứng, ngưỡng đường thận đã lên cao, chỉ kiểm tra nước tiểu thì chẩn đoán không chính xác, phải kiểm tra thêm đường huyết mới kết luận đúng được.

Một nguyên nhân khó chẩn đoán bệnh tiểu đường nữa là người cao tuổi thường bị giảm sút trí nhớ, hoặc bệnh trầm cảm, bệnh alzheimer… Chính vì vậy, Hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) đã đưa ra khuyến cáo: tất cả những người trên 45 tuổi nên được kiểm tra phát hiện bệnh tiểu đường ít nhất 3 năm/lần, còn với những người có thêm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường khác như bị bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc gia đình có người bị bệnh tiểu đường… thì cần phải kiểm tra thường xuyên hơn, có thể 2 lần mỗi năm.

Một số lưu ý khi điều trị bệnh tiểu đường cho người cao tuổi

Khi người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường sẽ gặp nhiều khó khăn và phức tạp hơn trong điều trị. Ngoài những nguyên tắc điều trị bệnh tiểu đường nói chung, khi điều trị cho người cao tuổi cần lưu ý thêm những  điểm sau:

Mục tiêu điều trị bệnh tiểu đường ở người cao tuổi là nhằm làm giảm các triệu chứng của đường máu cao (như mệt, khát nước nhiều, đái nhiều…), phòng ngừa nguy cơ bị nhiễm trùng và các biến chứng cấp tính như hôn mê do đường máu quá cao.

Chính vì vậy, các biện pháp điều trị không dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường như thay đổi chế độ ăn, tập thể dục đều đặn, phấn đấu giảm cân… cần phải được áp dụng đầu tiên và liên tục. Mức đường máu cần đạt được ở những người cao tuổi có thể cao hơn những người trẻ tuổi, cụ thể là đường máu trước bữa ăn sáng là 6-8 mmol/l và đường máu sau ăn 2 giờ là 7-11 mmol/l.

Việc hạ đường huyết xuống quá thấp là điều cần tránh ở người cao tuổi. Vì hậu quả của biến chứng hạ đường máu ở các bệnh nhân cao tuổi là cực kỳ nghiêm trọng và thường để lại nhiều di chứng thần kinh nặng nề, thậm chí có thể tử vong.

Trong nhiều trường hợp, việc kiểm soát đường máu ở người cao tuổi có thể rất khó khăn, phức tạp do người bệnh thường phải điều trị đồng thời một số thuốc khác như lợi tiểu thiazide như hypothiazide (do có tăng huyết áp hoặc suy tim), nội tiết tố tuyến giáp như levothyroxin (do có suy giáp), corticosteroid như prednisolone (do bị bệnh viêm khớp, bệnh phổi mạn tính)… là những thuốc có khả năng làm tăng đường máu.

Tóm lại, ở những người cao tuổi do những thay đổi về chuyển hóa glucose, do rối loạn tiết insulin và kháng insulin tăng lên. Hoặc do người cao tuổi thường phải dùng nhiều loại thuốc có ảnh hưởng đến đường máu, do lối sống tĩnh tại ít hoạt động và do họ thường có béo phì hoặc thừa cân nên thường dễ mắc bệnh tiểu đường.

Với nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc phát hiện bệnh tiểu đường ở giai đoạn sớm chính là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ làm giảm mức độ hoặc ngăn chặn các biến chứng của bệnh.

Những  biến chứng đó thường là giảm thị lực, thậm chí mù lòa, cắt cụt chi dưới do bệnh mạch máu ngoại vi, bệnh thần kinh và bệnh nhiễm trùng, bệnh thiếu máu cơ tim, tai biến mạch máu não và suy thận mạn… Tất cả đều làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường.

Theo http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE1853CB/Benh_tieu_duong_o_nguoi_cao_tuoi.aspx