Xóa bỏ kỳ thị, giúp người có “H” hòa nhập cộng đồng

Cập nhật, 10:18, Thứ Sáu, 31/10/2014 (GMT+7)

Không phải ngẫu nhiên lâu nay khái niệm người có “H” hay người sống chung với HIV được thay thế cho cách gọi của người bị nhiễm HIV/AIDS. Đây là cách thể hiện quan điểm chống sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người không may rơi vào hoàn cảnh bị lây nhiễm HIV/AIDS.

Tuy nhiên, thể hiện quan điểm và thái độ chưa đủ mà quan trọng hơn là phải có hành động cụ thể nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người có “H” để họ thực sự được hưởng đầy đủ mọi quyền mà luật pháp đã quy định.

Tạo điều kiện tốt nhất để người có “H”, nhất là trẻ em được hòa nhập cộng đồng là cách hữu hiệu để kéo giảm căn bệnh này. Ảnh minh họa: THÚY QUYÊN

Nhận thức sai lầm về “H”

Theo nghiên cứu, nguyên nhân kỳ thị và phân biệt đối xử với người có liên quan đến “H” chính là nỗi lo sợ lây bệnh, cũng như sự đánh đồng căn bệnh này với các tệ nạn xã hội. Trước đây, do yếu tố tâm lý và việc chăm sóc điều trị bệnh nhân còn hạn chế nên người có “H” thường chuyển sang giai đoạn AIDS nhanh chóng và sớm tử vong, gây ra nỗi sợ hãi cho cộng đồng.

Thêm vào đó, có nhiều thông tin sai lệch nên người có “H” bị xa lánh. Đã thế người nhiễm “H” còn bị gắn với hành vi vốn đã bị kỳ thị từ trước như: tiêm chích ma túy, mại dâm…

Theo bác sĩ Lê Văn Việt- Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (Sở Y tế Vĩnh Long): Chính từ nhận thức sai lầm trên nên nhiều người đã lên án gay gắt, gây tổn thương tinh thần, thậm chí xâm phạm đến quyền của người bệnh và thân nhân của họ, tạo khoảng cách ngày càng lớn giữa người bệnh với cộng đồng.

Kỳ thị không làm giảm sự lây nhiễm “H” mà khiến căn bệnh này khó kiểm soát hơn, xã hội im lặng, cách ly, giảm khả năng đáng kể về chăm sóc và cung cấp dịch vụ cho người nhiễm “H”.

Ông Thái Văn Tào- Chánh Văn Phòng Liên hiệp Các tổ chức khoa học và kỹ thuật Vĩnh Long thì cho rằng: Hiện nay, trong một số gia đình, người nhiễm “H” vẫn phải ăn ở riêng, nếu ở chung thì cũng không được dùng các vật dụng sinh hoạt, nhà vệ sinh và hạn chế tiếp xúc với người thân. Các cơ sở y tế miễn cưỡng tiếp xúc hoặc làm khó người bệnh.
 
Tại trường học, trẻ nhiễm “H” phải ngồi bàn riêng, không được tiếp xúc với bạn bè, không được tham gia các hoạt động tập thể… Điều này khiến người bệnh cảm nhận mình bị cô lập, từ đó nảy sinh tâm lý mặc cảm và tự kỳ thị chính mình. Họ tự giấu giếm tình trạng bản thân, một số còn có tâm lý “trả thù đời” nên tìm cách lây lan cho nhiều người vô tội. Đây là nguyên nhân khiến căn bệnh này khó kiểm soát và lây lan nhanh.

Xóa bỏ kỳ thị

Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, năm 2014, các đơn vị như: Chi đoàn Báo Vĩnh Long, Tiểu dự án ISDS…, cùng nhiều nhà hảo tâm, Mạnh thường quân đã thường xuyên hỗ trợ vật chất, quà tặng trên 40 triệu đồng cho trẻ nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh còn các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, hội thảo, giao lưu, nói chuyện chuyên đề về HIV/AIDS, đã giúp cho trẻ có “H” xóa dần mặc cảm và hòa nhập cộng đồng.
Bác sĩ Lê Văn Việt cho rằng: Dịch HIV/AIDS đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và chính sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người có “H” và gia đình của họ sẽ khiến công tác dự phòng lây nhiễm HIV càng trở nên khó khăn hơn.

Do đó, nếu người bệnh được tạo điều kiện để sinh sống, học tập, làm việc bình thường và hòa nhập cộng đồng thì thời gian sống sẽ được kéo dài hơn và giảm được sự lây truyền của căn bệnh này.

Muốn vậy, công tác phòng chống kỳ thị, phân biệt với người có “H” phải được thực hiện rộng rãi đến từng đối tượng, làm rõ lợi ích, nhất là việc chăm sóc và điều trị.

Ngoài ra, cũng cần tạo điều kiện để người bệnh được hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội bình đẳng như mọi người. Đây là cách tốt nhất để thay đổi định kiến và giúp người bệnh được chăm sóc, điều trị kịp thời.

Riêng ngành giáo dục, trong nhiều năm qua cũng đã tích cực xây dựng nhiều hoạt động tuyên truyền bổ ích như: chương trình giáo dục đạo đức, thi đua học tốt, các hoạt động đồng hành với học sinh để phát triển thể chất, kỹ năng xã hội; ký cam kết “Tuổi trẻ học đường nói không với các tệ nạn xã hội”, “Tìm hiểu về ma túy, HIV/AIDS”… thu hút nhiều học sinh tham gia.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc (Sở GD- ĐT) cho biết, đến nay, 100% trường học trong tỉnh đã thành lập BCĐ phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm. Nội dung trên được triển khai ngay từ đầu năm học để tạo nhận thức sâu rộng trong toàn thể học sinh và giáo viên. Đối với các trường nội trú, nhà trường cũng thành lập danh sách học sinh, nắm số điện thoại, địa chỉ gia đình để tiện theo dõi và ngăn chặn kịp thời nếu phát sinh tệ nạn.

Một giáo viên của trường THPT Vĩnh Long cho rằng: “Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của người nhiễm để thông cảm hơn với những hoàn cảnh không may mắn đó. Mỗi người chúng ta phải ý thức được trách nhiệm của mình từ những cái nhỏ nhặt nhất. Công việc đấu tranh phòng chống HIV/AIDS không của riêng ai, một cơ quan, tổ chức nào mà là trách nhiệm của tất cả mọi người vì nó liên quan mật thiết đến cuộc sống của cộng đồng. Mỗi chúng ta hãy trở thành một tuyên truyền viên, mang những kiến thức cần thiết về HIV/AIDS đến tất cả mọi người”.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có hơn 457.000 trẻ em bị ảnh hưởng của HIV/AIDS, trong đó có trên 50% số trẻ thuộc gia đình nghèo và rất nghèo. Riêng Vĩnh Long có 186 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và 44 trẻ đang được quản lý, đa số các em đều ở độ tuổi đi học.


NGUYỄN THỊNH