Chuyện về mảnh vỡ súng thần công và hai quả đạn nơi Miếu Công Thần Vĩnh Long

Cập nhật, 06:24, Chủ Nhật, 21/11/2021 (GMT+7)

 

Mảnh vỡ súng thần công.
Mảnh vỡ súng thần công.

(VLO) Trong Miếu Công Thần, trước võ ca, có một bệ thờ, nơi ấy được đặt trang trọng hai mảnh vỡ súng thần công cùng với hai viên đạn. Viên đạn rỗng ruột nặng 8,2kg, viên đặc ruột nặng 9,5kg. Hai mảnh vỡ là từ hai khẩu súng khác nhau. Mảnh vỡ màu sậm dài 83cm, rộng 38cm. Mảnh vỡ này cùng với hai viên đạn có từ khi lập miếu. Ban đầu di vật này được thờ phía trước miếu, sau được đưa vào võ ca.

Mảnh vỡ thứ hai, có màu gỉ sét, anh Tào Phú Vinh, thành viên Ban Quản lý di tích, kể lại nguồn gốc khối kim loại này.

Bờ kè Phường 5 (TP Vĩnh Long) phía sông Cổ Chiên, được thi công. Khởi đầu từ bến đò ngang, đối diện chợ cá, kéo dài qua xóm Cầu Dài, ngang rạch Cái Sơn Bé.

Năm 2016, khi công trình thi công đến đoạn rạch Cái Sơn Bé khoảng 50m, công nhân dùng máy cuốc móc sâu xuống nền đất để làm móng kè thì phát hiện mảnh vỡ kim loại.

Nghe thông tin nhóm thợ đào được vật lạ, anh Vinh liền có mặt tại hiện trường để thương lượng mua lại nhưng không thành vì họ đòi giá quá cao.

Quyết không bỏ cuộc, anh Vinh đến chỗ thu mua phế liệu dặn trước, khi nào có người mang bán kim loại như mô tả thì cho anh biết. Cuối cùng, vật về chủ mới với giá bốn trăm nghìn đồng.

Mang về cọ rửa, mẫu vật dần hiện rõ, qua tra cứu, anh Vinh xác định đây là mảnh vỡ của súng thần công. Mảnh vỡ dài 1m, ngang 42cm, bề dày 15cm.

Sáu người đàn ông khiêng mới nổi khối kim loại này. Là người thích nghiên cứu lịch sử, anh cùng một số anh em trong miếu xây một bệ gạch và trang trọng làm lễ an vị những di vật mà theo anh nó gắn liền với quá khứ đau thương nhưng không kém hào hùng của dân tộc.

Ẩn phía sau di vật là những anh linh phảng phất, một bát hương ấm hồn tử sĩ. Khách vãng lai lướt qua, ngoảnh dừng lại, lòng có chút bồi hồi.

Mảnh vỡ là một phần của súng thần công cỡ lớn. Vậy chuyện gì đã xảy ra?

Tháng 8 năm 1858, quân viễn chinh Pháp cùng Tây Ban Nha đổ bộ tấn công vào cảng Đà Nẵng và sau đó rút vào xâm chiếm Sài Gòn. Sau khi hạ đồn Chí Hòa, tháng 2 năm 1861, Pháp tiếp tục đánh Định Tường. Khi Định Tường thất thủ, phong trào kháng chiến chống Pháp bùng lên mạnh mẽ lan sang các vùng khác.

“Thừa thắng, vào nửa tháng 3 năm 1862, 11 chiến thuyền của Pháp từ Định Tường kéo sang tấn công hai đồn lũy ở Vĩnh Long là Vĩnh Tùng (do Lãnh binh Tôn Thất Tuấn, Nguyễn Thái, Lê Đình Cửu trấn giữ), Thanh Mỹ (do Lãnh binh Hồ Lực, Ngô Thành, Trương Văn Thành trấn giữ). Bắn phá luôn hai ngày đêm, thì hai đồn trên đều vỡ.

Ngày 20 tháng 3 năm 1862, đoàn chiến thuyền của Pháp đã áp sát thành Vĩnh Long, rồi bắt đầu nổ súng. Quân triều đình chống cự kịch liệt trên các ngọn rạch và chung quanh thành. Trận đánh kéo dài đến tối ngày 22 tháng 3, thì các ổ đại bác của quân Việt đều bị phá.

Đêm đó, Tổng đốc Trương Văn Uyển cho lệnh đốt hết kho tàng, dinh thự rồi rút chạy về đồn Thị Bảo, rồi chạy thẳng lên huyện Duy Minh. Cho nên, sáng hôm sau, quân Pháp ung dung tiến vào chiếm đoạt thành, mà không gặp bất kỳ sự kháng cự nào nữa. Vào thành, quân Pháp thu được 68 cổ đại bác.

Nghe tin thành Vĩnh Long đã mất, vua Tự Đức trách Trương Văn Uyển là không biết chọn chỗ hiểm yếu mà đặt đồn, làm thành cái thế không thể bị đánh bật, mà chỉ chuyên dựa vào hai nơi là Thanh Mỹ và Vĩnh Tùng. Xét tội, các quan tỉnh thành có trách nhiệm đều bị cách lưu, nhưng vẫn phải lo việc thu tập binh dũng, khí giới, lương thực... để hỗ trợ cho các quan quân và nghĩa dân còn đang hoạt động ở các nơi khác.

Đầu tháng 5 năm 1862, sau khi cùng các đình thần bàn bạc, vua Tự Đức sai quan thông báo cho phía Pháp đề nghị “giảng hòa”. Đề cập sự việc này, GS. Trần Văn Giàu viết:

Lúc Vĩnh Long thất thủ (lần đầu), đó chính là lúc nghĩa quân hoạt động rất mạnh ở các nơi. Làm cho quân Pháp lan rộng từ Bà Rịa tới Vĩnh Long, nhưng họ mất rất nhiều căn cứ ở bên trong, bị tập kích khắp nơi khi họ ló ra, tình thế rất là nguy khốn.

Thomazi chép: “Người Pháp đã bắt đầu thấy cần phải chinh phục lại những tỉnh đã chinh phục. Nhưng trong lúc không ngờ rằng vua Tự Đức lại xin giảng hòa”. Giảng hòa, là gián tiếp giúp Pháp tàn sát nghĩa quân, bội phản quyền lợi của nhân dân, của Tổ quốc.

Lập tức, Đô đốc Bonard sai Simon đáp thuyền máy đến Huế đưa ra ba yêu sách... Cuối cùng, ngày 5 tháng 6 năm 1862, Hòa ước Nhâm Tuất (1862) được ký kết, mà phần thua thiệt thuộc về nhà Nguyễn.

Theo hòa ước trên, thực dân Pháp phải sớm trao trả thành Vĩnh Long, nhưng lấy cớ chưa dẹp yên “giặc giã”, nên mãi đến ngày 25 tháng 5 năm 1863, họ mới thực hiện”. (Theo Wikipedia)

Vua Tự Đức nhắc đến hai địa danh Thanh Mỹ và Vĩnh Tùng, trên bản đồ gọi là Vĩnh Tòng. Theo bản đồ Hạt Vĩnh Long năm 1885 do Pháp phát hành, Thanh Mỹ thuộc Phường 5 và một phần xã Thanh Đức ngày nay. Vĩnh Tòng thuộc khu vực phường Tân Ngãi và Trường An bây giờ.

Nhà biên khảo Huỳnh Minh, tác giả Vĩnh Long xưa và nay, viết: “Đặc biệt là hai đồn phòng ngự giặc: Một là đồn ở địa phận làng Sơn Đông, gần phà Cổ Chiên, gọi là “Vàm Tuần dưới” và một đồn ở tại làng Vĩnh- Tòng hay cồn hoặc cù lao Vĩnh Long thuộc xã Tân Ngãi, gọi là “Vàm Tuần trên”, cả hai nơi này đều có nhiều mô súng trí đại bác thần công đủ cỡ, đúc bằng gang”.

Như vậy, khẩu súng thần công có mảnh vỡ thuộc tiền đồn Thanh Mỹ được đặt tại đầu doi rạch Cái Sơn Bé đã tham gia trận chiến năm Nhâm Tuất- 1862.

Trong trận chiến ấy, không rõ, súng do phản pháo tự vỡ hay bị Pháp phá hủy. Dù thế nào, súng cùng những chiến binh yêu nước đã anh dũng chiến đấu chống quân xâm lược. Chuyện cũ mờ theo thời gian, thân không tại nhưng linh hồn tại.

Một góc đơn sơ nơi Miếu Công Thần mà thổn thức bao điều. Con đường bờ kè sông Cổ Chiên đã hoàn thành, người qua lối cũ nghe sóng vỗ nhớ cảnh trên bến dưới thuyền. Một trăm sáu mươi năm đã trôi qua!

Bài, ảnh: Lê Minh Hà