Chuyện làng văn nghệ

Nhạc sĩ vượt bom đạn mang báo cho con

Cập nhật, 13:00, Thứ Bảy, 25/09/2021 (GMT+7)

(VLO) Những năm 1971- 1972, giặc Mỹ leo thang ra đánh phá miền Bắc bằng không quân, ở Khu IV và phía Bắc sông bến Hải lại càng ác liệt hơn, nhất là ở Thanh Hóa.

Thế mà từ Hà Nội một nhạc sĩ năm đó đã ngót 60 tuổi vượt hàng trăm cây số tới tận trận địa pháo cao xạ chỉ có một việc mang đến tận tay cho con mình một tờ báo Văn nghệ. Người đó là nhạc sĩ Hoàng Giác- thân sinh nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Đang là sinh viên năm thứ nhất khoa Ngữ văn Trường ĐH tổng hợp Hà Nội, theo tiếng gọi của Tổ quốc chi viện cho chiến trường, ngày 6/4/1971 Hoàng Nhuận Cầm (19 tuổi) tự nguyện làm đơn nhập ngũ.

Chàng trai Hà Nội chính gốc biên chế tại một đơn vị pháo cao xạ 37 hai nòng, tham gia chiến đấu hàng trăm trận.

Hoàng Nhuận Cầm đã từng thổ lộ: “Lúc này, tôi đã chiến đấu với máy bay thù không chỉ bằng cao xạ pháo trong thơ mà còng trong sự khét lẹt mùi cỏ cháy của quê hương. Trải qua hàng trăm trận chiến đấu, đạn liên tiếp bay ra khỏi nòng pháo và thơ nối nhau trào ra đầu ngọn bút” (Báo Văn nghệ số 27- 4/2013).

Những bài thơ viết từ trận địa, Hoàng Nhuận Cầm đã gom lại nhét vào một cái cát tút đạn, tìm cách gửi về cho gia đình. Rồi anh được người cha là nhạc sĩ Hoàng Giác mang đến tòa soạn Báo Văn nghệ (17 Trần Quốc Toản, Hà Nội). Đúng lúc ấy, Báo Văn nghệ phát động cuộc thi thơ năm 1972- 1973.

Những bài thơ còn đượm mùi thuốc súng ấy lập tức được tham dự. Cầm số báo Văn nghệ có đăng chùm thơ dự thi gồm các bài: “Nhật ký, Thư mùa thu, Những câu thơ viết đợi mặt trời, Anh bộ đội và tiếng nhạc la”, nhạc sĩ mang vào tận đồi Thị Long (Nông Cống- Thanh Hóa) đưa cho con trai mình - để tận mắt con đón nhận tin vui.

Nhớ lại lần ấy, nhạc sĩ Hoàng Giác đã đi nhờ một chiếc xe tải vào Thanh Hóa, lại còn quẳng lên một chiếc xe đạp cà tàng, để phòng xe tải chỉ đến TX Thanh Hóa, thì ông dùng xe đạp đi tiếp đến chỗ con trai mình.

Hôm đến gặp con, bất ngờ một máy bay địch quẳng một trái bom cách chỗ bố con nhà thơ đang ngồi hàn huyên không xa. Hoàng Nhuận Cầm kéo bố nằm xuống, anh nằm đè lên trên. Giữa anh và bố là tờ báo Văn nghệ nhầu nhĩ... Máy bay địch đi khỏi thì đồng chí đại đội trưởng xuất hiện, thưa với nhạc sĩ:

- Bác ạ! Ở đây đang là mục tiêu chúng đánh bom hàng ngày, mời bác rời khỏi đây để tránh nguy hiểm... Chúng tôi bố trí một xe ra thị xã lấy đạn, mời bác ra xe luôn!

Thế là bố con vội vã chia tay nhau. Tuy vội vàng, nhạc sĩ Hoàng Giác không quên đưa cho con mấy lạng thuốc lào Vĩnh Bảo làm quà cho con và đồng đội.

Hoàng Nhuận Cầm sau đó cùng đơn vị chuyển vào mặt trận phía trong. Một hôm, Hoàng Nhuận Cầm đang bì bõm qua những con suối ở vùng A Lưới, A Sầu, bỗng thấy mấy đồng đội đứng trên bờ khua súng lên trời, hét vang cả vách đá:

- Ê! Ê! Cầm ơi! Thơ Cầm được giải nhất đấy.

Hoàng Nhuận Cầm leo vội lên bờ suối, thì ra qua ra đi ô nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1972- 1973, cùng giải nhất với Cầm còn có 3 người nữa là Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu và Lâm Thị Mỹ Dạ.

Lễ trao giải diễn ra vô cùng trang trọng tại trụ sở Báo Văn nghệ nhưng thật tiếc, lúc đó Hoàng Nhuận Cầm đang ở chiến trường B, không có mặt. Người đến lĩnh giải lại là bố anh - nhạc sĩ Hoàng Giác. Lúc trao giải, nhà thơ Chế Lan Viên nhìn nhạc sĩ Hoàng Giác nói: “Cám ơn gia đình đã có công sinh ra một người con, còn Tổ quốc đã sinh thêm cho chúng ta một người lính và một nhà thơ”.

Nhà thơ Xuân Diệu thì nghẹn ngào đi vào cụ thể hơn về một trong chùm thơ được giải của Cầm. “Đọc bài thơ “Vào mặt trận mùa ve đang kêu” mà cảm thương các chú lúc ấy vô hạn, ra trận mà còn mang theo những con ve, những hòn bi...”.

Hành trình dẫn đến kết quả thẩm định một tài năng của Hoàng Nhuận Cầm, trong đó có hành trình vượt qua bom đạn mang thơ và báo đến cho con của nhạc sĩ Hoàng Giác.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà vinh quang- ông là người mang thơ cho con đến dự thi mà cũng là người thay mặt con đến nhận giải. Chuyện mang báo từ Hà Nội vào trận địa Thanh Hóa cho con và mang thơ dự thi cho con trên đây kể cũng hiếm có trong làng văn, làng báo?

BẢO UYÊN