Chuyện làng văn

Thủ tướng yêu... văn nghệ

Cập nhật, 05:49, Thứ Bảy, 07/11/2020 (GMT+7)

Đó là Thủ tướng Phạm Hùng- nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Thủ tướng Chính phủ bây giờ). Ông sinh ngày 11/6/1912 tại tỉnh Vĩnh Long, mất 1/6/2012). Là một nhà hoạt động xuất sắc và tài năng. 

Ông từng bị thực dân Pháp bắt đi tù ở chuồng cọp nhà tù Côn Đảo. Ông là một người cộng sản kiên trung, dạ sắt, gan đồng trước sự tra tấn dã man của kẻ thù. Nhưng ông còn có một trái tim đa cảm, rung động trước các tác phẩm nghệ thuật.

Ông là người rất yêu văn nghệ nhất là nghệ thuật sân khấu dân tộc. Vì quê hương ông ở tỉnh Vĩnh Long, từ xưa đã có truyền thống hát bội, cải lương.

GS. Hoàng Chương- một nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật dân tộc tại hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1985 tổ chức ở TP Hồ Chí Minh (ông là thành viên BTC) có kể lại rằng: Tham gia hội diễn có cả đoàn kịch Công an nhân dân, đã sắp đến ngày khai mạc mà vẫn còn tập dượt vở “Người nữ ký giả”.

Bởi sát nút ngày dựng vở mới tìm được Hương Dung- nữ diễn viên ca múa đóng vai chính. Đồng chí Phạm Hùng lúc đó là Bộ trưởng Bộ Công an tuy bận trăm công ngàn việc nhưng vẫn dành thời gian tới động viên các nghệ sĩ, thậm chí là ông còn trực tiếp hướng dẫn đạo diễn cho một số lớp.

Nghệ sĩ Hương Giang đóng vai ký giả lúc đầu còn bỡ ngỡ lúng túng trong cách diễn vai kịch rất khó này, làm thế nào sống trong lòng địch mà địch không phát hiện ra mình là điệp viên Việt cộng?

Đồng chí Phạm Hùng đã trực tiếp phân tích và hướng dẫn cho Hương Giang cách vào vai thể hiện tính cách và hành động nhân vật nữ điệp viên cộng sản như thế nào.

Cử chỉ ấy, tấm lòng cao cả ấy của đồng chí Phạm Hùng như một sức mạnh vô hình động viên các nghệ sĩ vượt qua thử thách để cuối cùng đoàn kịch Công an nhân dân đã trở thành một trong “năm cỗ xe tăng” tiến vào TP Hồ Chí Minh, thắng lợi giòn giã giành thành tích trong hội diễn.

Riêng vai Hà Thu (nữ ký giả trong vở cùng tên) do Hương Dung đóng được thưởng huy chương vàng và nhiều phần thưởng khác.

Được tin này, đồng chí Phạm Hùng phấn khởi vô cùng. Năm 1987 tại Hà Nội, tại Hội trường Ba Đình, đồng chí Phạm Hùng tới dự buổi biểu diễn vở “Bác Ái” của Đoàn ca kịch Thuận Hải (tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận khi ấy đã sáp nhập), biểu diễn phục vụ hội nghị BCH Trung ương. Đồng chí Phạm Hùng luôn luôn hướng lên sân khấu xem suốt buổi.

Ngồi cạnh GS. Hoàng Chương, thỉnh thoảng đồng chí Phạm Hùng lại hỏi về nghệ thuật hát bài chòi. Cuối buổi, đồng chí Phạm Hùng lên sân khấu bắt tay từng diễn viên, khen vở diễn tốt, các diễn viên hát hay.

Hôm đó, đồng chí Phạm Hùng phát biểu “Bác Ái là rất anh hùng, ở đó có anh hùng Bi Năng Tắc nổi tiếng- như anh hùng Núp ở Tây Nguyên. Cực Nam Trung Bộ là rất cực khổ nhưng vô cùng anh dũng, không bao giờ khuất phục trước kẻ thù.

Vở kịch “Bác Ái” đã phản ánh được truyền thống đoàn kết đấu tranh của nhân dân vùng cực Nam Trung Bộ. Lần đầu tôi được xem nghệ thuật bài chòi Liên khu 5. Bài chòi rất hay, cần phải tiếp tục phát triển để phục vụ cho cách mạng, cho nhân dân...”

Chương trình buổi biểu diễn kết thúc, tất cả các nghệ sĩ vây quanh đồng chí Phạm Hùng khi còn đứng trên sân khấu. Ông dành gần nửa tiếng nói về văn hóa, về chính sách đối với nghiên cứu và biểu diễn nghệ thuật dân tộc.

Khi chia tay, đồng chí Phạm Hùng và mọi người đến lưu luyến- ngỡ không dứt- và đều thốt lên: “Hiếm có một cán bộ cao cấp của Đảng yêu văn nghệ và quan tâm đến những người làm công tác văn nghệ như ông”.

LÊ HỒNG THIỆN