Đờn ca tài tử- Loại hình nghệ thuật bác học nhưng rất bình dân

Cập nhật, 09:39, Chủ Nhật, 22/03/2020 (GMT+7)

Vĩnh Long là một trong 21 tỉnh- thành của Nam Bộ có nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước đó, nghệ thuật ĐCTT cũng đã thấm sâu vào tiềm thức và trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân Vĩnh Long suốt hơn trăm năm qua.

Bài, ảnh: MINH TRIẾT
Bài, ảnh: MINH TRIẾT

Bác học nhưng rất bình dân

Tìm hiểu về nguồn gốc của loại hình nghệ thuật ĐCTT, qua nhiều tài liệu nghiên cứu được biết, ĐCTT thuộc loại hình nghệ thuật hàn lâm, bác học.

Trải qua những cuộc di dân từ miền Trung vào miền Nam khẩn hoang, lập làng, bên cạnh việc người dân đã mang theo nhiều hành trang về công cụ lao động sản xuất để mưu sinh, phát triển đời sống kinh tế, thì ít nhiều họ cũng mang theo những giá trị văn hóa vào vùng đất mới, có thể kể đến như: nghi thức sinh hoạt lễ hội, văn hóa ứng xử trong sinh hoạt, giao tiếp, nghệ thuật hát, múa…

Qua hàng thế kỷ tồn tại, những loại hình văn hóa, nghệ thuật đó có sự giao thoa, tiếp biến với môi trường sinh thái, môi trường văn hóa mới, để hình thành nên loại hình nghệ thuật khác biệt về tên gọi, nhưng xét về bản thể, nó vẫn có sự kết hợp, dung hòa về giai điệu và giá trị, đó là nghệ thuật ĐCTT.

Nghệ thuật ĐCTT được hình thành ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX và bắt nguồn từ 4 dòng nhạc: Dân ca Nam Bộ, nhạc lễ Nam Bộ, nhạc sân khấu hát bội Nam Bộ và nhạc cung đình Huế, thính phòng Huế, mà ở đó nhạc cung đình, thính phòng Huế là loại nhạc vừa có tính bác học vừa mang tính dân gian đã theo chân một số nghệ nhân, nhạc sĩ vào Nam Bộ.

Bác học, là vì Nhã nhạc cung đình Huế được các nghệ nhân, nhạc sĩ thời xưa sử dụng để phục vụ cho vua và hoàng tộc thưởng lãm với nhiều bài bản trong liên khúc “Thập thủ liên hườn”, tức 10 bài bản Ngự: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hườn, Bình nguyên, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã.

Cùng với tính bác học, tính dân gian cũng được thể hiện rõ trong nghệ thuật ĐCTT, đó là những câu hò, điệu lý hay nói thơ được xuất hiện khá sớm từ các làn điệu dân ca đậm đà bản sắc Nam Bộ cùng song song tồn tại với nghệ thuật hát bội của Nam Bộ.

Cũng chính vì được khoác lên mình “chiếc áo mới” từ dòng nhạc dân gian, vừa giữ được hồn cốt mang tính chuyên nghiệp của bác học từ Nhã nhạc cung đình Huế, nhưng cũng vừa thắm đượm chất mênh mang, dân dã và đa cảm của Nam Bộ, nên âm nhạc tài tử nhanh chóng là “món ăn” tinh thần trong đời sống và sinh hoạt văn hóa của người dân Nam Bộ bao đời nay.

Để đạt đến sự đầy đủ của các yếu tố của một bộ môn nghệ thuật mới và luôn vận động phát triển không ngừng trong lòng quần chúng nhân dân, trong đó đã ghi nhận đến nhiều đóng góp công sức, trí tuệ và sự sáng tạo không ngừng của nhân dân Nam Bộ, điển hình như nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại (còn gọi là ông Ba Đời) ở khu vực miền Đông Nam Bộ, còn ở Tây Nam Bộ có nghệ nhân, nhạc sư Lê Tài Khí (còn gọi là Nhạc Khị).

Hơn 100 năm nay, phong trào ĐCTT luôn phát triển mạnh ở Nam Bộ với 20 bài bản Tổ (3 Nam, 6 Bắc, 7 Bài, 4 Oán). Ngoài 20 bài bản Tổ mà người chơi phải hiểu và thành thục, những nghệ sĩ chân quê Nam Bộ trong quá trình chơi nhạc tài tử còn sáng tạo ra nhiều bài bản khác rất độc đáo, bởi “bản thân của lối chơi nhạc tài tử phải là ngẫu hứng và sáng tạo”.

Với những đặc trưng riêng biệt của mình, cùng với sự phối kết hợp với nhiều dòng nhạc bác học, dân gian truyền thống đã tạo nên một nghệ thuật ĐCTT luôn hấp dẫn đối với người dân Nam Bộ và được lưu truyền từ nơi này đến nơi khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo thành phong trào văn nghệ rộng khắp. Vì thế, đối với người dân Nam Bộ, nhất là khu vực Tây Nam Bộ đa phần đều ngân nga được vài làn điệu tài tử.

Bình dân từ nông thôn ra phố thị

Cùng với các tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang có lối chơi tài tử mang phong cách phóng khoáng, tự do, gần với dân gian, Vĩnh Long cũng là tỉnh sớm có phong trào ĐCTT và đến đầu thế kỷ XX thì trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều địa phương trong tỉnh. Từ đó, ở Vĩnh Long đã xuất hiện nhiều nhân vật xuất sắc có nhiều đóng góp to lớn đến sự hình thành và phát triển của phong trào ĐCTT tỉnh nhà.

Trong đó, Tống Hữu Định được xem là ông Tổ của hình thức ca ra bộ, trên cơ sở kết hợp loại hình nghệ thuật ĐCTT với điệu ca, điệu bộ của cơ thể để hình thành nên hình thức ca ra bộ kể trên.

Đây cũng là tiền thân của loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương sau này. Tống Hữu Định xuất thân là Phó Tổng Bình Long, được người đời gọi với cái tên gần gũi là Phó Mười Hai. Vốn có khiếu văn chương, đam mê nghệ thuật, đặc biệt là ĐCTT, ông thường mời những nhóm tài tử về nhà đờn ca và trao đổi ý kiến để nâng tầm nghệ thuật ĐCTT. Một trong những sáng tạo ấy, ông đã cho ra đời bài Tứ đại oán “Bùi Kiệm thi rớt trở về” được nhân rộng ra các huyện- thị trong tỉnh.

Thời gian này, Vĩnh Long còn có ông Trần Quang Quờn, còn gọi là Kinh Lịch Hườn. Ông là trưởng nhóm ĐCTT miền Tây, người có sở trường đặt nội dung các bài ca và có nhiều sáng kiến độc đáo để nâng cao phong trào ĐCTT. Ngoài ra, còn có ông Trương Duy Toản- nhà biên soạn nhạc nổi tiếng Nam Kỳ thời bấy giờ.

Cả 2 ông: Tống Hữu Định và Trần Quang Quờn được người đời sau ghi nhớ công ơn, người dân Vĩnh Long xem 2 ông như là 2 vị Tổ của nghệ thuật ĐCTT, ca ra bộ tiền thân của sân khấu cải lương hiện nay.

Thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có gần 900 CLB ĐCTT, với hơn 8.000 nghệ nhân. Khối trường học đóng trên địa bàn tỉnh cũng hình thành được CLB ĐCTT thuộc ĐH Xây dựng Miền Tây. CLB ĐCTT không phân biệt tuổi tác, nam, nữ lớn, nhỏ, giai tầng sang hèn, nông thôn hay thành thị, hễ là những người yêu thích, có lòng nhiệt huyết muốn bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT của địa phương đều có thể tham gia sinh hoạt tại các CLB trong tỉnh.

Tuy ĐCTT có gốc là nghệ thuật mang tính bác học, nhưng qua nhiều lần cải tiến, nâng cao chất lượng, kết hợp với những dòng nhạc dân ca, dân gian, phù hợp với môi trường sinh thái và hoạt động sản xuất nông nghiệp ở miền Nam, nhất là khu vực Tây Nam Bộ, nên nghệ thuật ĐCTT ở Vĩnh Long trở thành môn nghệ thuật đậm chất “tài tử miệt vườn” và là phương tiện để người dân sinh hoạt, giải trí trong những lúc nông nhàn.

Chính vì vậy, khi về vùng nông thôn của Vĩnh Long chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh năm bảy người vận bộ đồ bà ba, ngồi quây quần cùng bộ tách trà bên khoảng đất trống dưới bóng râm của hàng dừa, hay hàng cây nào đó trên bờ ruộng, hoặc liếp vườn để vừa nhâm nhi tách trà nóng, vừa ngân nga vài làn điệu ĐCTT, như thế mới thấy cuộc sống của họ vừa dân dã vừa lãng mạn làm sao!

Ở thành thị, không gian rộng như ở nông thôn rất khó tìm, nên những nghệ nhân, tài tử thường đến một nhà nào đó trong số thành viên CLB để giao lưu, sinh hoạt nghệ thuật ĐCTT.

Không những vậy, hiện nay nhiều điểm kinh doanh ăn uống, nhà hàng, các điểm du lịch trong tỉnh hầu như đều có đội ĐCTT chuyên phục vụ cho thực khách và du khách đến tham quan, du lịch. Đây được xem là sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, thu hút nhiều du khách và được du khách ưa chuộng, ấn tượng về phong cách biểu diễn của các nghệ nhân, tài tử.

Nhận thấy phong trào ĐCTT ngày một lan rộng, mang lại nhiều hiệu ứng tích cực trong đời sống nghệ thuật, những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Vĩnh Long đã tổ chức nhiều đợt hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật ĐCTT từ tỉnh, đến huyện, xã và tổ chức các đoàn tham gia giao lưu, trình diễn nghệ thuật ĐCTT với các địa phương khác trong vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ, góp phần quảng bá hình ảnh con người và nghệ thuật ĐCTT của vùng đất miệt vườn sông nước Vĩnh Long đến với cả nước.

Năm 2015, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT giai đoạn 2015- 2020” với nhiều nội dung thiết thực và quan trọng, đến nay thu được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Một trong những thành quả lớn mà tỉnh Vĩnh Long đạt được là có 39 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ nhân ưu tú” trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, trong đó có 22 nghệ nhân ưu tú thuộc nghệ thuật ĐCTT, chiếm hơn 50% số lượng nghệ nhân ưu tú tỉnh hiện có.

Điều này đã minh chứng, nghệ thuật ĐCTT ngày càng trở thành “món ăn” tinh thần đối với đông đảo người dân Vĩnh Long và có thể khẳng định, người dân Vĩnh Long từ thành thị đến nông thôn đều ưa chuộng nghệ thuật ĐCTT.

Đây là tín hiệu đáng mừng cho các nghệ nhân trong việc truyền nghề cho các thế hệ sau tiếp tục giữ mãi “ngọn lửa” đam mê nghệ thuật truyền thống của dân tộc; đồng thời là điều kiện thuận lợi để những nhà chuyên môn, các cấp chính quyền hoạch định kế sách bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT của địa phương một cách dài lâu.

xBài, ảnh: MINH TRIẾT