Chuyện kháng chiến

Vĩnh Long chống nạn dốt sau Cách mạng Tháng Tám 1945

Cập nhật, 16:26, Thứ Ba, 12/11/2019 (GMT+7)

Cách mạng Tháng Tám thành công trên phạm vi cả nước, ngày 2/9/1945, chính quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời phải đối mặt với nhiều khó khăn: nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm bủa vây tứ phía.

Cùng với việc cấp bách giải quyết nạn đói, các cấp chính quyền cách mạng non trẻ của ta cũng phải khẩn trương xóa nạn dốt: trong nước có đến 95% người dân không biết chữ, trung bình cứ 100 người dân chỉ có 3 trẻ từ 8-16 tuổi được đi học và 2 người lớn biết chữ, 95 người còn lại không được đi học. Vùng nông thôn sâu, vùng núi hầu hết không có người biết chữ.

Một ngày sau khi giành được độc lập, trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở chiến dịch chống nạn mù chữ và coi đây là nhiệm vụ cấp bách thứ 2 trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền.

Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và nhấn mạnh: “Dốt là dại, dại thì hèn. Vì vậy, không chịu dại, không chịu hèn cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong những việc cấp bách và quan trọng của nhân dân, của nước dân chủ mới”.

Sau cuộc họp này, ngày 8/9/1945, Nha Bình dân học vụ ra đời trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục. Cùng ngày Sắc lệnh số 19-SL ra kỳ hạn trong 6 tháng mỗi làng, thị trấn phải có ít nhất một lớp bình dân học vụ và Sắc lệnh số 20-SL về cưỡng bách học chữ quốc ngữ trong toàn dân được ban hành.

Ở Vĩnh Long, cùng với chủ trương chung, Ty Giáo dục được thành lập và thầy giáo Nguyễn Văn Cang được bổ nhiệm làm Trưởng ty.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ và Chính phủ xóa dốt trong nhân dân và nâng cao dân trí phục vụ cho công cuộc cách mạng, tất cả đảng bộ và chính quyền các địa phương trong tỉnh đều nỗ lực gầy dựng phong trào bình dân học vụ theo phương châm “Người biết chữ dạy người chưa biết chữ”, các lớp bổ túc văn hóa mở ra khắp nơi cho mọi lứa tuổi.

Tại các vùng tự do do chính quyền ta kiểm soát, bên cạnh việc khẩn trương củng cố các đoàn thể Cứu quốc, tổ chức lại sản xuất để đối phó với âm mưu tái chiếm của giặc Pháp, còn nỗ lực đưa phong trào bình dân học vụ trong giai đoạn này phát triển rầm rộ, lớp học được mở tại các đình, chùa và nhà dân, lớp ban ngày cho trẻ nhỏ, lớp ban đêm cho người lớn vì phải lao động vào ban ngày, những nơi không có dầu lửa các lớp học này được thấp sáng bằng dầu dừa, dầu mù u, tập sách được các địa phương tự lực vận động trong dân.

Chương trình học cũng được soạn cho dễ học dễ nhớ, chẳng hạn như ở các lớp xóa mù chữ có các câu văn vần như: “O thì như quả trứng gà/ Ô thì đội nón, ơ thì mang râu” hay “O, a hai chữ khác nhau/ Vì a có cái móc câu bên mình”…

Phản ánh về phong trào này, dự thảo lịch sử của Đảng bộ xã Quới Thiện (Vũng Liêm)- ngày ấy xã Quới Thiện gồm cả cù lao Dài với 2 xã Quới Thiện và Thanh Bình ngày nay- có đề cập: Ngoài tổ chức một trường tiểu học phổ thông có từ lớp năm đến lớp nhất (lớp 1 đến lớp 5 ngày nay), xã có Ban Bình dân giáo dục nằm trong Ban Giáo dục xã, cán bộ vận động toàn dân nỗ lực chiến thắng giặc dốt bằng cách tham gia các lớp bình dân học vụ mở đều khắp các ấp.

Để khích lệ cho nhân dân mau biết chữ và hạn chế số người lười học, Ban Giáo dục xin ý kiến Ủy ban Kháng chiến Hành chính tạm thời dùng biện pháp mỗi ấp trong xã đều có cổng chào, tại đó có một tấm bảng ghi một số chữ thông thường, ai đọc được các chữ đó thì người gác cổng mở cửa mời đi qua, đọc không được thì phải đi vòng qua cổng.

Nhờ vậy mà phong trào học chữ phát triển mạnh, đêm đêm các lớp học bình dân đều sáng đèn, đến giờ tan học thì cả xã lung linh ánh đuốc, rôm rả tiếng cười của người đi học về.

Có sự nỗ lực của các địa phương, chỉ đến cuối năm 1947, nhiều xã trong tỉnh đã xóa mù chữ đến 70%, có 4 xã là Quới An, Hiếu Thành, Thuận Thới và Hựu Thành xóa dốt 100%, năm 1949 tỉnh Vĩnh Long được Nha Giáo dục Nam Bộ công nhận đã xóa dốt.

Điểm son của phong trào giáo dục trong giai đoạn này là ngoài tổ chức các trường phổ thông, vận động tốt phong trào bình dân học vụ, tỉnh còn thành lập Trường Tiểu học Kháng chiến của tỉnh tại Cái Bần (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) gồm 3 lớp: nhất, nhì và ba, mỗi lớp có 40 em là con em của cán bộ kháng chiến và các em trong vùng, các lớp học được đặt trong nhà dân hay đình làng. Sau đó tỉnh mở thêm một lớp ba ở chợ Trà Luộc (chợ cũ Tam Bình), các lớp tổ chức trước đó cũng dời về xã Tường Lộc (Tam Bình).

Thời ấy học sinh học hết lớp nhất được thi vào các trường kháng chiến cấp trung học của Nha Giáo dục Nam Bộ là Trường Nguyễn Văn Tố, Trường Thái Văn Lung và Trường Huỳnh Phan Hộ. Những khóa học của các trường trung học kháng chiến trong các năm 1947, 1948, 1949 đều có học sinh của tỉnh Vĩnh Long theo học.

Có một sự kiện thú vị diễn ra vào năm 1948, đó là việc Ty Giáo dục Vĩnh Long chịu trách nhiệm tổ chức thi vào Trường Trung học Kháng chiến cho khoảng 300 thí sinh của 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre.

Kỳ thi được tổ chức rất đặc biệt trong một “hội trường” là một bãi đất rộng gần chợ Hàng Me (xã Hựu Thành), xung quanh khu vực làm “trường thi” có rào chắn, bàn ghế đều làm bằng tre. Kỳ thi được tổ chức vào ban đêm và được chiếu sáng bằng đèn măng sông.

Sau năm 1950, tỉnh còn tổ chức số lớp học nữa ở huyện Tam Bình, Cầu Kè ở các nơi là vùng căn cứ của ta. Riêng tại huyện Vũng Liêm còn tổ chức một Trường Thiếu sinh quân đặt ở ấp Quang Diệu (xã Trung Hiệp, nay là xã Tân Quới Trung) có 250 học sinh từ lớp năm đến lớp nhất là con em của cán bộ kháng chiến ở nhiều độ tuổi khác nhau, có em còn nhỏ tuổi nhưng cũng có em đã trưởng thành. Trường này tồn tại từ năm 1948 đến cuối năm 1950.

Học sinh của các trường kháng chiến ra trường tỏa đi khắp nơi tiếp bước cha anh tham gia kháng chiến, có em đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, nhiều em trở thành các cán bộ lãnh đạo của cách mạng, của Đảng.

Chỉ trong vòng 1 năm sau ngày phát động, phong trào bình dân học vụ cả nước tổ chức được 75.000 điểm học với trên 95.000 giáo viên, giúp trên 2,5 triệu lượt người biết đọc, biết viết. Tới năm 1948, cả nước có khoảng 6 triệu người thoát nạn mù chữ, đến năm 1952 con số này là trên 10 triệu người.

(theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia)

Hồng Vân