Kỷ niệm 74 năm Nam Bộ kháng chiến (1945- 2019)

Mở đường tiếp tế trên biển phục vụ kháng chiến ở Nam Bộ

Cập nhật, 06:33, Thứ Bảy, 14/09/2019 (GMT+7)

Mở những con đường bí mật trên biển để tìm nguồn vũ khí cho công cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam của nhân dân Nam Bộ là một quyết định sáng suốt của các đảng bộ địa phương để miền Nam có thể cùng cả nước thực hiện cuộc kháng chiến vệ quốc vẻ vang.

Sau ngày thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Nam Bộ (23/9/1945), lực lượng kháng chiến học tập kinh nghiệm của người xưa dùng các con thuyền đi biển tải trọng nhỏ lợi dụng các cơn gió nồm đã có hàng chục chuyến giong buồm ra khơi theo đường biển đến các bến ở Nam Trung Bộ nhận vũ khí của Trung ương đang tập kết ở đó để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Chuyến đi mở đường ra Bắc

Chuyến đi mở đường trên biển thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ- cũng có lẽ là chuyến đi đầu tiên vinh dự được mang tên Bác trên biển- là chuyến đi vào đầu năm 1946 của đoàn đại biểu Khu 8 ra miền Bắc báo cáo tình hình Nam Bộ với Bác Hồ và Trung ương Đảng, đồng thời xin vũ khí cho Nam Bộ.

Đoàn gồm có ông Nguyễn Văn Khước (Mười Khước)-Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, đại biểu Quốc hội của Khu 8; bà Nguyễn Thị Định- cán bộ Bến Tre; bác sĩ Trần Hữu Nghiệp của Mỹ Tho; GS. Ca Văn Thỉnh của Bến Tre.

Xuất phát từ Cồn Lợi (huyện Thạnh Phú- Bến Tre), lộ trình của chiếc thuyền buồm chở đoàn cũng gặp nhiều bất trắc: Sau một ngày giong buồm, thuyền vào được địa phận Phan Thiết thì trời bỗng nhiên đổi chiều gió. 

Đợi ở Kê Gà 2 ngày nhưng gió vẫn vậy, đoàn quyết định đưa thuyền trở về bến cũ để đi đường bộ ra Khu 5. Chuẩn bị lên đường thì sáng hôm đó gió trở lại chiều thuận lợi, đoàn lại quyết định đi bằng thuyền. Thuận gió, đoàn đến Kê Gà lần thứ 2 và tại đây đổi thuyền tốt hơn để thẳng ra Bắc.

 Khi thuyền đi qua vùng bờ biển Tuy Hòa, thấy cờ đỏ sao vàng bay phất phới biết là vùng do ta kiểm soát, đoàn quyết định ghé vào. Chính quyền cách mạng ở địa phương tiếp đoàn rất niềm nở và tạo điều kiện cho đoàn đi xe lửa ra Bắc.

Tại Hà Nội, đoàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Trung ương Đảng tiếp đón, lắng nghe các đồng chí trong đoàn báo cáo tình hình và giải quyết các nguyện vọng của nhân dân miền Nam.

Sau đó, các đồng chí Ca Văn Thỉnh và Trần Hữu Nghiệp được ở lại miền Bắc công tác, các đồng chí còn lại theo đường xe lửa xuôi Nam trở lại Phú Yên.

Từ đây, đoàn dùng thuyền cùng 10 tấn vũ khí về lại Bến Tre. Có lẽ đây là lượng vũ khí đầu tiên của Chính phủ chi viện cho Bến Tre và chiến trường miền Nam.

Cũng khoảng thời gian này (11/1946), Tỉnh ủy Trà Vinh đã cử 10 thuyền buồm ra các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi. Chuyến đi, thuyền chở lương thực thực phẩm tiếp tế giao cho bộ phận Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đóng tại đó.

Chuyến về, mỗi chiếc chở 5 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Sau năm 1947, đoàn vận tải biển Nam Bộ được thành lập với 14 thuyền buồm (có 6 thuyền lớn) nên việc vận chuyển liên tục hơn, cũng chủ yếu xuất phát từ các bến ở Bến Tre và Trà Vinh ra các bến ở Nam Trung Bộ, hàng ra Bắc vào Nam cũng như các chuyến tổ chức từ Trà Vinh nhưng số lượng lớn hơn, tạo điều kiện cho miền Nam có những quả đấm quân sự mạnh hiệp đồng cùng cả nước khi kháng chiến toàn quốc nổ ra.

Những con đường trên biển Tây

Ngay từ năm 1947, bên cạnh con đường ra Bắc, những đồng chí lãnh đạo kháng chiến ở Nam Bộ đã nghĩ đến một con khác trên biển về hướng Tây để mua vũ khí và các phương tiện kỹ thuật phục vụ kháng chiến: đường sang Thái Lan.

Phương tiện đến Thái Lan cũng được tổ chức bằng thuyền buồm (có tải trọng từ 15- 40 tấn) qua các cửa ngõ ở tỉnh Rạch Giá.

Những cán bộ được phân công mang tiền và vàng quyên được trong dân từ các “tuần lễ vàng” đến Thủ đô Bangkok liên lạc với các đồng chí trong Tổng hội Việt Nam tại Thái Lan như ông Trần Văn Giàu, Nguyễn Đức Quỳ (lúc đó là đại diện của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Thái Lan) để tổ chức mua “hàng” theo yêu cầu. Các chuyến đi như vậy vô cùng bí mật nên đều trót lọt trước sự kiểm soát gắt gao của địch.

Quân khu 9 cũng tổ chức được nhiều chuyến mua vũ khí và phương tiện kỹ thuật tổng cộng khoảng 250 tấn cũng bằng con đường này để phục vụ cho các chiến trường trên địa bàn Quân khu đảm trách.

Đêm 19/12/1946, tiếng súng chống lại thực dân Pháp tái chiếm nước ta đã nổ ra trên phạm vi cả nước, sáng 20/12/1946, trong Lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:“Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm chiếm nước ta lần nữa. Không, chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

HỒNG VÂN (Theo Báo Đồng Khởi)