Tản văn

Mồng tơi ở phố!

Cập nhật, 05:45, Thứ Hai, 08/04/2019 (GMT+7)

Mỗi lần về thăm quê, hình ảnh giậu mồng tơi xanh mướt luôn gây ấn tượng trong tôi. Nơi vườn nhà rợp màu cây lá, mồng tơi xanh một màu xanh nổi bật dẫu ngoài kia có nắng hạn hay mưa dầm.

Cũng là một loại rau ngon, một thực phẩm có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe nhưng mồng tơi chẳng cần người trồng phải bỏ công chăm sóc.

Chỉ một khoảng không be bé đủ cặm vài cây sậy, mấy thanh tre là mồng tơi đã có thể leo, bò tươi tốt. Còn ở quê thì khỏi phải nói! Mồng tơi tha hồ nảy lá, vượt thân.

Sẵn liếp trồng các loại rau khác, tiện tay tìm và cặm mấy cành cây xung quanh là đã có giàn rau mồng tơi. Thấy rau mồng tơi dễ trồng, dễ ăn mà cũng có thể hái mang ra chợ bán, mẹ tôi thường bỏ công đan chiếc phên bằng nan tre cho mồng tơi đua ngọn.

Khoảng độ tháng ba, tháng tư là mẹ tôi bắt đầu đan phên. Mồng tơi có thể trồng bằng cây hoặc gieo trái nên mẹ tôi thường hái trái mồng tơi già của mùa trước để dành gieo cho mùa sau. Khi đã có phên tre của mẹ, cha mang ra vừa gieo mồng tơi vừa làm cửa rào cho liếp rau.

Không cần phải vun phân hay tưới nước thường xuyên, trong cái nắng đầu hè xen những đợt mưa cuối xuân, mồng tơi nhanh chóng đâm lên những đọt non mơn mởn, cuộn chắc vào phên tre, tạo thành một bờ giậu xanh um, vững chắc ngăn cả những đôi chân háu bới của đàn gà.

Càng hái thường xuyên, mồng tơi càng đâm nhiều ngọn nhánh. Giữa những ngày hè nóng bức, chỉ cần xách rổ ra vườn, hái mớ rau mồng tơi vào nấu canh và xắt thêm ít thịt kho tiêu là cả nhà đã có một bữa cơm ngon lành.

Nhưng, rau mồng tơi nấu suông sẽ bớt ngon. Thế nên, nồi canh rau mồng tơi thường được người dùng kết hợp thêm rau tập tàng, mướp, tép tươi, tép khô hay miếng thịt bằm.

Và, ngon nhất vẫn là nấu canh với cua đồng. Cua ngày mùa béo tròn, gạch vàng, thịt chắc, nấu với ngọn và lá mồng tơi non, thêm lọn bồ ngót, trái mướp hương thì quá là bổ dưỡng.

Không chỉ cung cấp nguồn rau mát lành, giậu mồng tơi còn là nơi của tuổi thơ nhiều kỷ niệm. Bên bờ giậu xanh rờn có những phiến lá hình trái tim, tôi cùng đám bạn trong xóm bày hàng chơi trò mua bán. Những cãi vã, những giận hờn của một thời vụng dại như vẫn còn đây để mỗi lần chạm đến là nghe nhớ, nghe thương.

Giậu mồng tơi ngày nào trước khi tàn lụi còn để lại cho chúng tôi màu mực tím tuổi học trò. Những chùm trái đen tím căng tròn, lúc lỉu được đám trẻ quê chúng tôi hái hái, nghiền nghiền, bôi vẽ lấm lem để những trang lưu bút đến bây giờ vẫn còn đấy màu mực tím rưng rưng.

Quê nhà giờ quá nhiều thay đổi, nhưng giậu mồng thì vẫn còn đấy. Vẹn nguyên! Tôi không quên mồng tơi! Tôi không quên những ngày ấu thơ bên cha, bên mẹ, bên bạn bè, thầy cô.

Thế nên, khoảnh sân nhỏ ở phố, tôi cũng dành phần cho sự hiện diện của chậu rau mồng tơi. Những cánh lá bé bé, xinh xinh vươn mình thẳng đứng giúp tôi thư thả sau những bộn bề của cuộc sống.

Hàng bồ ngót khiêm tốn cùng một hai trái mướp “không lớn nổi” do thiếu mùi đất tơi xớp như quê nhà nhưng quyện cùng đọt lá mồng tơi mọng nước thì cũng đã có một nồi canh ngon lành, không sợ phân thuốc hay hóa chất nữa rồi.

Ở phố cũng chỉ mong có thế!

Bài, ảnh: DIỄM KIỀU