Về cù lao miệt vườn

Cập nhật, 21:35, Chủ Nhật, 17/03/2019 (GMT+7)

Chuyến phà Đình Khao đưa tôi vượt sông Cổ Chiên- một nhánh của sông Cửu Long- để sang cù lao 4 xã thuộc huyện Long Hồ. Rời phà bước chân tôi đã trên đất xã Hòa Ninh- 1 trong 4 xã của cù lao An Bình (Long Hồ) và cũng là một phần của hệ thống cù lao Minh. 

Du khách có thể đến đây bằng nhiều cách như qua phà An Bình, phà Đình Khao, theo QL57 từ huyện Chợ Lách (Bến Tre) xuống hoặc vượt sông Tiền từ huyện Cái Bè (Tiền Giang) sang…

Với diện tích trên 60km2, cù lao An Bình thời gian qua được xem là một trong những điểm du lịch sông nước miệt vườn lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước.

Với địa hình sông rạch dọc ngang, đất đai tươi tốt, quanh năm nước ngọt, dân tình chí thú làm ăn… nên từ lâu nơi đây đã hình thành những vườn cây trái đặc trưng của vùng nhiệt đới như: nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng, mận, mít,...

Du khách có thể dạo quanh cù lao theo những con đường giao thông liên ấp, liên xã bằng xe đạp, mô tô hoặc ngồi trên tàu du lịch, ghe chèo luồn lách trong các con rạch rợp mát màu xanh đến tham quan những ngôi nhà cổ, những khu vườn cây ăn trái, những di tích lịch sử văn hóa.

Nếu có nhu cầu nghỉ dưỡng thì du khách có các địa điểm du lịch có phục vụ ăn uống gắn với lưu trú (homestay) tại đây…

Về các di tích đình, chùa phục vụ du lịch tâm linh, có các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hóa như: chùa Tiên Châu (xã An Bình) được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia; đình Hòa Ninh (xã Hòa Ninh), đình An Thành (xã An Bình) được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Khi đến đây, du khách không thể bỏ qua Khu du lịch Vinh Sang (xã An Bình) là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận.

Tại đây có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như: câu cá sấu, cưỡi đà điểu, trượt cỏ, đạp vịt, ngắm vườn thú nhiều loài chim, thú quý hiếm,… Ngoài ra còn có chương trình tham quan vườn hái trái cây, tát mương bắt cá, thăm làng cá bè, đờn ca tài tử…

Nếu có nhu cầu ăn, nghỉ thì tại cù lao này có 19 cơ sở du lịch sinh thái với dịch vụ ăn uống, lưu trú (homestay) luôn rộng cửa chào đón khách như: Út Trinh, Bảy Thời, Cai Cường, Phương Thảo, Ngọc Trang,…

Về việc đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở vùng đất này thì ngoài xã Bình Hòa Phước đã về đích, 3 xã còn lại đang tích cực hoàn thành 19 tiêu chí.

Trong đó, tiêu chí giao thông và môi trường- an toàn thực phẩm được chính quyền địa phương lẫn người dân đặc biệt quan tâm góp phần tạo diện mạo xanh- sạch- đẹp trên các nẻo đường và giao thông trên bộ, dưới sông đều thuận lợi.

Ông Võ Trung Sơn- Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Văn hóa -Thông tin huyện Long Hồ- cho biết: Năm 2018, khách du lịch đến tham quan tại các điểm du lịch sinh thái đạt 349.550 lượt khách, trong đó khách quốc tế 82.500 lượt, tổng doanh thu đạt trên 17,3 tỷ đồng, tăng hơn 15% so cùng kỳ năm 2017.

Tuy phấn khởi về tình hình khởi sắc của du lịch miệt vườn sông nước ở 4 xã cù lao khi năm qua đạt và vượt chỉ tiêu (có thêm trên 20 điểm vườn cây ăn trái mở cửa cho du khách vào vườn tham quan, hái trái ăn tại chỗ hoặc mua về), ông Sơn vẫn còn băn khoăn về một vài hạn chế nhỏ cần khắc phục.

Cụ thể như vào một số thời điểm như ngày lễ, tết, cuối tuần, khi lượng khách du lịch tăng cao thì tình trạng nâng giá dịch vụ còn xảy ra; một số điểm chèo kéo khách, cạnh tranh không lành mạnh.

Để khắc phục tình trạng này, địa phương sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân, gắn kết giữa cộng đồng với doanh nghiệp nâng cao chất lượng và có nhiều điểm tham quan mới, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch, tạo dựng các sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao hấp dẫn du khách.

Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để chấn chỉnh những thiếu sót nhằm đảm bảo an toàn, an ninh và thuận lợi cho du khách đến tham quan, du lịch để Long Hồ phát triển du lịch theo hướng bền vững, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Về Long Hồ là về với miền sông nước, với những vườn cây rợp mát, được trải nghiệm những thú vui nho nhỏ, được làm nông dân với áo bà ba chân trần tát mương bắt cá, tự tay làm các món cốm, kẹo, cầm mi-rô hát bài vọng cổ mình yêu thích với sự hòa âm của dàn đờn ca tài tử hoặc tịnh tâm trong các ngôi đình, ngôi chùa thiêng liêng nghi ngút khói hương,…

Đó sẽ là những trải nghiệm khó quên trong lòng du khách khi đến với Long Hồ. Mong rằng với những định hướng đã vạch ra, thời gian tới du lịch Long Hồ sẽ phát triển nhanh, bền vững và tiếp tục khẳng định thương hiệu, đưa sản phẩm du lịch sinh thái sông nước miệt vườn đến với du khách trong và ngoài nước, như ước vọng trong bài hát “Hát với Long Hồ” của nhạc sĩ Hoài Sơn:

…sóng nước Cửu Long thêm

tự hào mùa xuân đang tới

Làn gió mới đất Long Hồ đang

gọi mời đi tới tương lai…

TRẦN THẮNG