Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi

Cập nhật, 04:51, Thứ Ba, 17/07/2018 (GMT+7)

Hình như tôi “mẫn cảm” với những gì liên quan đến quê, nên lòng có sự phản ứng nhanh lẹ khi bắt gặp những hình ảnh gắn liền với quê.

Chẳng hạn như chạy xe trên đường phố cứ hít lấy hít để những hương vị quê như chuối nướng, bắp nướng, khoai nướng... rồi lặng mình trong những sắc màu, hương vị ngày ấy, những làn khói gói trọn vị quê hương.

Và vô tình hay hữu ý mà mắt cứ nhìn vào những tên quán làm nhắc nhớ đến chốn bình yên. Chẳng như Quê Nhà, Hai Lúa, Tám Cua, Trúc Xanh, Hàng Tre…

Tên quán tạo cảm giác gần gũi và giản dị với khách. Chủ quán khéo đặt tên, chắc nắm được nỗi lòng của người đây.

Vì lòng bầu cũng như lòng bí, lòng dạ, suy nghĩ, tâm trạng ai cũng như nhau. Người ta chạy theo vòng xoay sinh kế nhưng có lúc lại thèm chút bình dị trong lòng, tìm về chốn yên bình.

Tôi lại bắt gặp một mối tình đẹp giữa phố và quê, giữa lòng phố xá với chiếc cầu tre mấy nhịp đong đưa, vài nhánh lục bình trôi lênh đênh, cạnh bên là chiếc lọp, chiếc chụp và vài con cá bơi tung tăng dưới nước… Ánh đèn đường vô tình trở thành ánh trăng soi đáy nước. Làm sống dậy một hoài niệm trong tôi.

Thời thơ trẻ chúng tôi lọc xọc quanh xóm, với đôi chân loét nhoét bùn dò dẫm qua cầu tre. Có lần đi ngang hụt chân treo toòng teng toòng teng, may chưa rớt tõm xuống nước vì nắm chặt tay vịn.

Lại có lần, đứa này lọt xuống kinh, những đứa trên bờ sợ nó chìm nghỉm đi mất, vậy là đứa chạy nhanh kêu người lớn, đứa tìm cây để kéo nó vào bờ. Loi ngoi mãi một lúc nó cũng bơi được vào bờ. Thật là một phen hết hồn hết vía.

Chiếc cầu tre dạy chúng tôi phải biết vượt qua những lắt lẻo của cuộc đời. Cuộc đời ai cũng lần gặp trắc trở, không may, ta phải dám đối diện với những khó khăn, thách thức vì chính điều đó làm cho cuộc sống của ta trở nên thú vị hơn.

Và khi vượt qua được thử thách, điều ấy làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Và qua cầu tre lắt lẻo đã có tay vịn, cuộc sống đôi khi long chong, lại chút chông chênh, lúc ấy mẹ chính là tay vịn dìu con qua đoạn gập ghềnh,

lắt lẻo trong cuộc đời. Mẹ là chỗ dựa vững chắc cho con, mẹ giúp con có đôi chân vững vàng hơn khi đi qua đoạn lắt lẻo, gập ghềnh ấy.

Một nhà kinh doanh đã tái tạo hồn quê ngay trước mặt tiền để tặng khách. Có phải người muốn tìm về con đường đê gập ghềnh, chân rung rinh qua chiếc cầu khỉ đong đưa, cầu tre lắt lẻo.

Muốn tái hiện lại ký ức để lưu giữ và nhắc nhớ về giá trị riêng của quê hương.

Tìm về tuổi ấu thơ với chiếc võng đong đưa lời ru: “Ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…”. Lời ru ngọt ngào như giọt sữa mẹ, đã nuôi lớn tâm hồn những đứa con quê.

Hình ảnh đơn giản, cầu được làm bằng vài đoạn tre, có tay vịn, bắc qua đôi bờ vậy mà tạo ra một không gian mộc mạc, quen thuộc, đi vào lòng người.

Chiếc cầu với nét đẹp được đánh giá bằng tâm hồn, mang giá trị văn hóa. Hình ảnh bình dị ở làng quê dần dần mất đi theo nhịp phát triển của nông thôn. Chỉ còn lại là những ký ức.

MAI KHA