Truyện ngắn

Su Su

Cập nhật, 05:50, Thứ Bảy, 30/09/2017 (GMT+7)
Trẻ con như búp trên cành…

Bốn mươi ba tuổi, tôi bị bệnh nặng. Lúc vừa được tỉnh giao làm tạp chí xuân. Số báo chở về đúng vào sáng hăm ba Tết âm lịch.

Bìa năm màu, vàng chanh sắc chủ, tranh mỹ thuật sơn dầu “Múa trống” của họa sĩ… chất lượng cao, đẹp.

Trang hai, in lời chúc xuân, co chữ vừa, tinh, gọn, rợn lên màu đen óng dưới một bó hồng đỏ ánh. Tôi ngồi văn phòng cơ quan uống trà đọc lại mấy truyện ngắn xem có sai sót về từ, ngữ và nội dung không.

Tạp chí sang trọng, mới, thơm phức mùi mực tốt, phảng phất nức không khí mùa xuân. Chưa nộp lưu chiểu, chờ phát hành đón Nguyên tiêu. Tôi mừng, rất an lòng vì trách nhiệm đã tròn.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Bạn bè hay tin tập trung chia vui, mượn đọc tại chỗ, đọc nóng, trả lại liền, tình văn nghệ hòa thắm. Bất kể.

Không ngờ. Nỗi mừng chưa kịp đọng mọi trái tim, nửa đêm đó, tôi bị chấn thương sọ não dẫn tới di chứng liệt.

Nhớ ngày thơ ấu, lẽo đẽo theo tía, ông căn dặn hoài: Người ta dễ sa chân, không phải lúc vượt qua những cây cầu lắt lẻo, gập ghềnh, long đinh, khó đi.

Mà thường bị té ở những cây cầu chắc chắn an toàn, với lòng ỷ y cao độ cộng sự hưng phấn quá mức, mà quên đề phòng những sơ suất nhỏ bé, ẩn nấp gần gang bàn chân.

Đôi khi, thiên đàng với địa ngục, cách nhau một sợi lông chân, để nằm xuôi.

Sẩy chân rồi, hối tiếc gì cũng muộn. Cũng như, đã biết cái cao thượng và cái hạ tiện, chỉ xa nhau một sợi tơ nhện cắt ngang. Tùy theo cách hành sự mà luận tốt xấu.

Vì không thấu rõ lời tía dạy, tôi phải ngồi xe lăn một năm liền, giữa tuổi thanh xuân phơi phới nửa phần đời sau đầy hứa hẹn. Sức khỏe nhờ tuổi còn nhỏ phục hồi rất nhanh. Tỉnh ủy thấy vậy thương tình nên giữ biên chế đến tuổi hưu.

Trong hệ thống thanh âm tiếng Việt. Tôi không vui khi nhìn những dấu chấm than (!) dù biết rõ đó là ngữ cảm diễn đạt tâm hồn con người ở hoàn cảnh nào trong một đoạn văn.

Nó đứng nghiêm chỉnh sau mỗi câu cảm thán, của mọi thể văn. Nó giống dòng lệ rơi không trọn trên mọi khuôn mặt bất hạnh. Tôi thường khoái hoạt khi thoáng thấy những dấu chấm hỏi (?).

Nó vặn vẹo hai phần ba vòng tròn hở và được kết thúc bằng dấu chấm tròn bên dưới. Vì sau mỗi dấu chấm hỏi, là một chân trời mở ra bao hiểu biết trong trí não con người ham học hỏi.

Qua tai nạn trên, tôi tự vấn có phải đó là số phận ông trời đã an bày. Có số phận định sẵn cho sự nghiệp từng con người hay không?

Tôi thì không. Mà tin chắc một điều, tôi bị hại vì không khắc cốt lời dạy người cha già. Sự kiện này nên coi chừng! Hay ghi tâm?

Về hưu mới năm mươi lăm tuổi, tôi về ngôi nhà cũ cha mẹ để lại, ở một xã cù lao xanh, ranh nó là con sông dài quanh quanh, cũng là đường biên tỉnh bạn kế bên.

Hoang vắng lắm, thường buồn hiu vì những dãy lau già man man với hàng ngàn cọng xám cỗi. Đôi khi, nó tung triệu bông li ti lửng lơ đầy trời, khi gió thổi.

Có số phận không? Bệnh rồi hỏi chi bằng thừa. Tôi quyết.

Tôi quyết cải số nếu có. Ráng mài cái búa tới ánh thép sáng giới, làm lạnh rợn mấy cọng dây thần kinh dọc theo tủy sống, khi tôi đưa ngón trỏ rờ kiểm tra độ sắc. Bén rồi đừng mài nữa. Đạo đức kinh nói như thế.

Rồi.

Tôi lê thân tật nguyền, khập khễnh chặt hết cây cỗi trước và sau nhà. Ban đầu, chặt ba nhát nghỉ mệt một lát. Từ từ, từ từ quen dần.

Trước sân, tốn một quãng thời gian lớn, mới làm trống được một mảng nhỏ. Bắt đầu, tôi trồng một cây hoa giấy, một bụi hạnh phúc, hai chậu lài dại, treo bốn giò lan.

Hy vọng, đợt hoa đầu đẩy lùi bao nỗi buồn miên viễn của dãy lau già, cho nó bớt chập chờn trong giờ phút cô quạnh tìm về.

Trời đất vĩnh hằng vì họ luôn ban cho.

Trời đất nhắc nhở mãi nhân loại hai lời khuyên, lời một “Thiện có thiện báo”, lời hai “Để đúng lúc tôi nói”.

Ba năm sau. Thằng con thứ ba trên TP Hồ Chí Minh báo sinh con gái. Cách vài tháng, thằng Út trên tỉnh điện về nói có con gái. Đứa lớn bên Pháp cho hay có con gái đầu lòng. Những năm đầu thế kỷ XXI thuận nữ, trai thiếu gái thừa điềm lành.

Tôi quỳ xuống, ngửa mặt lên trời, cung kính chấp hai bàn tay trước trán tạ ơn phước trời đất ban cho.

Không ngờ. Sau cơn bệnh dữ phúc trùng lai như nêm cối. Trong lòng tôi, trai gái đều là người, nội ngoại cũng cháu, cán cân quý thương ngang nhau.

Tôi mừng muốn phát điên. Nỗi mừng lớn vô hình xua tan cơn bệnh xa dần cơ thể, da tôi bắt đầu hồng hào như thuở bẻ gãy sừng trâu. 17 đỉnh sức khỏe.

Xã tôi xa trung tâm thành phố, phần nhiều dân chúng làm nghề tay lấm chân bùn, mặt bám đất lưng hứng trời, một đời gánh mãi cảnh một nắng hai sương, mới mong có hai bữa ăn hàng ngày để sống.

Thời gian ở đây chứa toàn cảnh tất bật. Chỉ một mình tôi được hưởng nhàn nhã, liệt nửa người chỉ ngồi nhìn, xin đừng trách câu “nhàn cư vi bất thiện”.

Với một ghế bố, một khai trà, một tôi rảnh rang chịu đựng sự tàn nhẫn cuộc đời đã cho riêng mình.

Rồi ngày nối ngày khác, ngày có sáng có chiều, thấy hoài cảnh đua chen chật mắt, dân làng đang chạy sinh kế cho mình và gia đình. Sống thời kinh tế thị trường mà.

Riêng tôi, ngồi đợi cây bông giấy đỏ ra hoa hồng, bụi hạnh phúc xanh trổ bông đỏ, chờ hai cây lài dại tặng màu trắng và bốn giò lan mang tím biếc, đem chút đỉnh sặc sỡ niềm vui đến. Thoáng cũng tạm đủ.

Rất lâu, có ông bạn già thời kháng chiến, ngồi xe mây đến thăm. Một lần, ông bước từ cao xuống, lúc ấy vòm trời khảm đầy mây vàng tím đỏ, hoa trái rực mặt đất, trên cao chim chóc hót vang lừng.

Tôi lừng khừng tỉa bụi hồng, dù cảnh giác, dù kỹ lưỡng, mu bàn tay phải bị một gai sắc cào ngược rất sâu, đổ dòng máu đỏ, sau đọng thành giọt chảy dài theo ngón áp và nhễu xuống đất, giọt nào biến mất giọt đó.

Rất rát, rất đau, rất xốn, tôi không oán hận biết điều đó phải đến, vì hoa hồng có nhiều gai bén. Rướm máu vì nó chuyện thường tình, cẩn thận cách nào cũng vướng, nhất là giới nghệ sĩ tính.

Lần này, vết cào quá sâu, để tránh đổ máu lần sau, tôi lấy kéo định cắt hết gai nhọn. Đang cắt, ông bạn già đến, đứng cạnh lúc nào không biết, chắc từ lâu và chứng kiến hết.

Ông cúi xuống như hư không và nắm chặt bàn tay cầm kéo của tôi, ôn tồn khuyên ngăn:

- Đừng thô bạo với tự nhiên. Yêu thương nó như bao dung một đứa con gai ngạnh khó dạy, được vậy chú có nụ yêu thương này đến chùm yêu thương khác.

Nếu chú cắt hết gai, bắt buộc nó phải chết. Thật đó, tôi không nói quá nửa chữ. Chú nên nhớ “Ác có ác báo”. Với tôi, câu dạy này là lời thứ hai trời đất gởi đến loài người, mà tôi đã viết phần đầu cái truyện này.

Thằng Út, vợ chồng nó muốn làm ăn kiếm tiền xài trong thời buổi gạo châu củi quế. Đứa con gái nó vừa biết ngồi, nó mua cái chuồng tre.

Chỗ tôi ngồi uống trà, nằm coi ti vi. Nó để cái chuồng kế bên, tôi sẵn mắt coi giùm. Con nhỏ rất lạ, nó chịu ngồi yên giúp gia đình, hai bàn tay xinh xắn nắm, hai chân nhỏ xíu thọt ra ngoài kẽ thanh tre, cười mỉm hoài, thỉnh thoảng i e một chùm vô nghĩa vui vui.

Sự thảnh thơi trong tôi, nhờ vậy tăng theo cấp số nhân. Su Su tên thường gọi của nó. Nội đây.

Su Su lên ba, lẫm đẫm đi, bập bõm từng tiếng một. Nhớ, lần nói được tiếng đôi, nó kêu: “Ông nội”. Nghe nó gọi lần đầu, tôi lặng lẽ chảy nước mắt và nhảy cỡn vào niềm kiêu hãnh đang phồng lớn trong tim bằng cả năm cái biển trong hành tinh này gộp lại.

Tôi thề đây là sự thật. Sự hãnh diện đang vây tròn và nở mãi, choán hết chỗ tôi đang ngồi. Đến nỗi tôi khoái chí rung đùi và huýt sáo là đụng biển liền. Tôi thấy tôi đang bay lượn trong rạng rỡ.

Bình tĩnh lại, tôi nghĩ đây là giây phút hạnh phúc tột cùng của tất cả con người, mới lên chức ông nội lần đầu, do con cháu phong trên khắp mặt đất.

Đúng, như đinh đóng cột. Đúng lắm, con cháu dòng máu trực hệ của gia tộc, tụi nó gọi để nhắc giọt máu đào hơn ao nước lã. Nội ngoại ơi.

Từ lúc có Su Su bên cạnh, thời gian rỗng trong óc không còn nhiều, vì tôi luôn dành để cầu cho nó biết ăn, biết ngủ, biết học hành. Gọi “ông nội” đi con.

Còn mọi việc khác, tương lai hiện tại tốt. Để ông, ba mẹ con, dân tộc Việt Nam và cả nhân loại lo cho. Tất cả đang và đã làm hết sức mình, để mưu cầu an vui cho các cháu.

Các cháu, chủ nhân tương lai hành tinh và cũng là người điều khiển cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư và các lần thứ sau nữa. Cố lên.

Được con cháu phong chức lần đầu, vui hết cỡ, rồi chút sau đột ngột cảm thấy mình già thật. Su Su ơi! Con đừng buồn nha, nếu lỡ ông…

Là quy luật triệu năm đi vào mẫu số chung rồi. Là cuộc sống phải tuân theo. Có hoa nào không tàn. Người già rồi chết.

Độ tuổi nó, trong từ điển y học gọi là độ tuổi khám phá, thế giới xung quanh. Tôi ngồi đâu, đi đâu Su Su lẫm đẫm theo kế bên, hỏi đủ thứ. Trong đầu nó chứa đầy câu hỏi, để khám phá cả thế giới đó mà.

Nhân loại, ai cũng thích mến trả lời mọi câu hỏi ngây thơ của cháu, huống chi ông nội. Vì nó, tôi yêu dấu chấm hỏi (?). Nhờ nó tôi mến thương mọi câu hỏi.

Chiều nay, một buổi chiều nhân hậu như cổ tích. Phía Tây, mây dựng nhiều lớp lá vàng ròng óng ánh. Su Su nhắc ghế ngồi cạnh tôi, nhỏ thó, mái tóc lơ thơ rực ráng chiều. Bỗng thỏ thẻ, hổng biết thấy đâu, gặp đâu, nó hỏi:

- Ông nội ơi, ông đái bằng gì?

Ban đầu, tôi ngạc nhiên và thấy khó xử vô cùng. Suy nghĩ hồi lâu tôi mới tìm được cách trả lời câu hỏi của nó, là lúc tôi chợt ngộ lời một nhà hiền triết đã ví “Tâm hồn trẻ thơ là giọt sương buổi sớm”, nghĩ rồi tôi sửa dáng ngồi, sửa lại bâu áo cho đàng hoàng. Và cẩn trọng trả lời:

- Ông nội đái bằng cái ống đái.

Nó đưa hai hòn bi ve tròn xoe, dưới cặp mi đen láy, cong vút và hỏi tiếp:

- Sao con không có cái ống đó?

Tôi trìu mến, cẩn thận giải thích:

- Loài người; đàn ông mới có ống đái, đàn bà không có. Con là con gái là đàn bà sao có được. Hiểu chưa?

Tôi lại ngoẻo cái đầu muối tiêu và thè lưỡi lêu lêu, chọc nó. Vui như vừa thoát hiểm, lúc đó chắc mặt tôi câng lắm.

Ai dè, chợt ngoài con lộ đan thẳng tắp. Một con chó cò, tầm trung, dưới bụng đung đưa bộ phận sinh dục lòng thòng, chậm rãi chạy ngang. Su Su nhìn, đưa cặp mắt dò hỏi và nói theo ngón tay trỏ đang chỉ:

- Ông nội, con chó đàn ông kìa.

Tôi giật mình trước sự suy luận quá logic của nó- mới vừa đủ ba tuổi. Tôi chậm rãi đưa tay gãi đầu và nói thầm “cố lên ông nội”. Và nghiêm túc trả lời:

- Chó là loài vật. Nó có ống đái người ta gọi con chó đực, không có ai gọi “con chó đàn ông” đâu con.

Su Su ngạc nhiên nhìn, tôi hiểu rõ ngọn ngành, cội rễ cái ngạc nhiên này. Để giảm tải óc suy luận đầy liên tưởng giùm nó, tôi cười khì và nhẹ nhõm, biểu:

- Sắp tối rồi, con ra sau tắm thay đồ sạch rồi chuẩn bị đi ngủ đi con.

Nó dạ rồi đủng đỉnh đi ra sau. Vậy là ngoan rồi.

Buổi tối, nó, tôi và ba nó ngồi ăn sâm bổ lượng. Bỗng nó ngưng ăn và ngẩng lên hỏi:

- Ba, ba có ống đái không?

Chắc vì mệt cả ngày lo buôn bán, ba nó rầy:

- Tào lao, múc ăn đi con. Hỏi gì ba không hiểu.

Tôi ngồi kế bên phì cười và che miệng gắt nhỏ thằng con trai “Có mầy tào lao thì có”. Rồi kể chuyện con chó đàn ông ban chiều cho thằng con nghe.

Nhờ có Su Su những ngày và đêm lúc về hưu. Sự cô đơn, sự trống vắng, nỗi buồn chán lúc rỗi việc không dài lê thê như tôi đã tưởng.

Bây giờ ngoài đời, khoảng không bềnh bồng đang chầm chậm bước vào một điểm thật êm đềm.

Cảm ơn.

2/4/2017

Phạm Trung Khâu