Ngày 20/11 rất đặc biệt

Cập nhật, 07:43, Thứ Bảy, 20/11/2021 (GMT+7)

(VLO) Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay diễn ra trong bối cảnh “chưa từng có tiền lệ”. Nhưng có lẽ, đây sẽ là một ngày đặc biệt không thể nào quên, khi mà gần hết học kỳ 1, thầy và trò đã cùng nhau vượt bao khó khăn để không “hoãn lại” bất cứ chuyến xe tri thức nào trong hành trình đến tương lai.

Ngày 20/11 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người; ngày mà cả xã hội tôn vinh thầy cô giáo, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phát huy và gìn giữ nét đẹp truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, nhiều nơi học sinh vẫn chưa thể đến trường học trực tiếp. Thầy và trò đang dạy- học trực tuyến, hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng không thể diễn ra trực tiếp.

Nhưng dù COVID-19 có thể ngăn những cuộc tiếp xúc, vòng tay ôm của thầy trò khi gặp lại nhau, thì ngày tri ân vẫn không vì thế mà bớt đi cảm xúc.

Chỉ một tin nhắn, cuộc điện thoại thăm hỏi, chúc mừng thầy cô, tình cảm chân thành của bao thế hệ học trò sẽ mãi là nguồn động lực để “những người gieo chữ” tiếp tục nuôi lửa nghề và dốc hết tâm- trí- lực cho sự nghiệp trồng người.

Phát biểu tại một trường đại học, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Chúng ta sẽ có nhiều trò giỏi khi có nhiều thầy giỏi!

Người thầy cần đi tiên phong thực hiện khát vọng vươn lên, truyền cảm hứng cho học sinh để họ vươn lên học tập tốt, rèn luyện tốt, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Theo Chủ tịch nước, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đất nước, đến từng con người, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi, phải nâng cao trình độ, đổi mới sáng tạo để thích ứng.

Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 lại buộc chúng ta phải định hình lại toàn diện phương thức làm việc, học tập. “Nền giáo dục nói chung, và đặc biệt là ngành sư phạm nói riêng, cần phải thích ứng mạnh mẽ để trang bị những kỹ năng, kiến thức mới mà các thế hệ tương lai đang đòi hỏi”- Chủ tịch nước nhấn mạnh. 

TRẦN PHƯỚC