Tín nhiệm và trách nhiệm

Cập nhật, 07:59, Thứ Tư, 24/10/2018 (GMT+7)

Theo chương trình kỳ họp, chiều nay (24/10/2018) Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn và kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố vào chiều 25/10.

Đây là lần thứ 3 Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và cũng là lần lấy phiếu đánh giá tín nhiệm duy nhất trong nhiệm kỳ khóa XIV. Việc lấy phiếu là để thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ.

Đó là lần đánh giá khả năng hoàn thành nhiệm vụ ở mức nào đối với những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, thể hiện sự tín nhiệm hay không tín nhiệm với những nhân sự này. Việc này cũng sẽ buộc những người giữ chức vụ phải có trách nhiệm hơn vì lâu nay vẫn có tâm lý đã được bầu là “yên tâm” tại vị cả nhiệm kỳ 5 năm, thậm chí hết nhiệm kỳ này sẽ tiếp tục nhiệm kỳ khác, nếu còn đủ tuổi.

Lấy phiếu tín nhiệm là việc hệ trọng nhưng cũng rất nhạy cảm. Lá phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm không chỉ là trách nhiệm của đại biểu đối với người được lấy phiếu, mà còn chứa đựng sức nặng của niềm tin mà cử tri đã trao gửi.

Vì vậy, lấy phiếu tín nhiệm đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của các đại biểu Quốc hội. Vì sự tín nhiệm của cử tri, vì trách nhiệm đối với đất nước, đại biểu Quốc hội không thể bỏ phiếu dựa trên cảm tính cá nhân. Lá phiếu của đại biểu phải thực sự đại diện cho ý chí của cử tri, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Đại biểu Quốc hội thay mặt cử tri đánh giá năng lực, phẩm chất của người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây cũng là dịp để đại biểu Quốc hội và người được lấy phiếu tự soi lại chính mình. Không ai khác, cử tri là người sẽ giám sát việc thực hiện trách nhiệm bỏ phiếu của đại biểu. 

HOÀNG HÀ