Phải biết "chọn lọc khía cạnh"

Cập nhật, 05:33, Thứ Sáu, 12/10/2018 (GMT+7)

Theo các chuyên gia, nông nghiệp 4.0 hay còn gọi là nông nghiệp thông minh đã giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển rực rỡ. Việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp mang lại những bước nhảy vọt về năng suất, chất lượng canh tác.

Những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, nếu không có những thay đổi mạnh mẽ về khoa học công nghệ thì lĩnh vực này sẽ đối mặt với nhiều thách thức và tác động tiêu cực. Sản phẩm tạo ra sẽ không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Điều này được các chuyên gia nhận định tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Việt Nam” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 10/10.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam đã có gần 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Dù còn nhiều hạn chế như tỷ lệ nhỏ ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế (chỉ gần 5% số doanh nghiệp nông- lâm- thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương), nhưng với sự thay đổi tích cực của khu vực và thế giới, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để xây dựng một nền nông nghiệp thông minh và đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản.

Các ý kiến có chung quan điểm: Là một nước với hơn 70% dân số làm nông nghiệp, chúng ta cần là một quốc gia không chỉ tự chủ về nông sản, mà còn phải xuất khẩu và xây dựng thương hiệu nông sản trên thế giới, đồng thời, phải có những sản phẩm nông sản sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP… để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường khó tính nhất.

Thế nhưng GS.TS. Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ lưu ý, nông nghiệp 4.0 là xu thế thời đại, nhưng phải biết “chọn lọc khía cạnh”, nội dung, phương pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam; không áp dụng cái gì quá sức; không phô trương vừa tốn kém mà không thể áp dụng cho đông đảo nông dân.

HOÀNG HÀ