Nâng tầm!

Cập nhật, 07:54, Thứ Sáu, 26/10/2018 (GMT+7)

Những con số Chính phủ đưa ra trước Quốc hội đã cho thấy những gam màu sáng của nền kinh tế khi mức tăng trưởng kinh tế (GDP) 9 tháng năm 2018 đạt 6,98% và ước cả năm sẽ đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%.

Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng mạnh. Xuất khẩu cũng tiếp tục đà tăng mạnh là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu. Cán cân thương mại đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư trong 3 năm liên tiếp… Và điểm nhấn quan trọng được nhắc đến là cả 12/12 chỉ tiêu kinh tế- xã hội đều đạt, với 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.

Nhưng cùng với những điểm sáng rất tích cực ấy, qua đánh giá của Chính phủ cũng như Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, vẫn còn những điểm nghẽn trong nền kinh tế. Chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng.

Năng suất lao động bình quân 3 năm tăng 5,6% nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát; DN chủ yếu là nhỏ và vừa, chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh còn thấp, nhiều sản phẩm khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, cả về giá và chất lượng…

Sự nhìn nhận thẳng thắn này của người đứng đầu Chính phủ chắc chắn còn nằm trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA với yêu cầu cao hơn và phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, cả về thuế quan, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ,… mà không còn được hưởng các ưu đãi đặc thù cho giai đoạn chuyển đổi như trước.

“Đây là áp lực lớn mà các cấp, các ngành và khu vực kinh tế trong nước cần vượt qua để phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới thì đòi hỏi chúng ta cũng phải tự nâng tầm của mình lên cao hơn.

HOÀNG HÀ