Văn hóa môi trường

Cập nhật, 10:19, Thứ Năm, 09/06/2016 (GMT+7)

Hiện nay, luật pháp về bảo vệ môi trường đã quy định khá rõ về việc cấm xả rác bừa bãi, quy định về thu gom rác thải, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, kể cả việc kiểm tra, xử phạt hành vi này.

Tuy nhiên, việc thực thi lại vô cùng khó khi người xả rác bừa bãi quá nhiều, ở khắp mọi nơi, nhưng người có trách nhiệm thi hành công vụ quản lý môi trường, xử phạt các hành vi vi phạm chú trọng vào hành vi “lớn” như chất xả thải khu công nghiệp, khu chăn nuôi gia súc…

Năm nào cũng vậy, ngày môi trường thì khắp nơi đều có những hoạt động rầm rộ nhưng sau đợt nghỉ lễ tết thì bãi biển, phố chợ đầy rác…

Người đi đường nhìn thấy thùng rác ngay cạnh nhưng vẫn vứt đại ra đường; người đi xe máy, ôtô tiện tay ném rác lung tung hay cảnh ai đó hút thuốc lá chưa kịp dập lửa đã vứt ngay xuống vỉa hè... thì ở đâu cũng có.

Thiết nghĩ, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sẽ đạt hiệu quả rất tốt thông qua những hành động nhỏ chứ không phải là những chiến dịch tuyên truyền rầm rộ.

Hình ảnh thường thấy trên các phương tiện truyền thông như những người già ở Nhật Bản cầm trong tay một chiếc túi và một cái kẹp lặng lẽ đi trên đường phố nhặt rác bỏ vào túi. Ở Việt Nam mình, hình ảnh này cũng đã từng diễn ra.

Ví dụ như hình ảnh một người Nhật đã lặng lẽ nhặt rác ở quanh hồ Hoàn Kiếm... hay ông Tây đi nhặt rác ở Mũi Né…Những hình ảnh ấy có giá trị nhắc nhở rất nhiều những người khác về hành vi xả rác.

Cần khuyến khích và tổ chức những việc làm như thế. Ý thức để người dân bảo vệ môi trường hãy bắt đầu từ những việc thiết thực trước khi bàn đến những chuyện xa xôi!

Có thể nói, việc xả rác bừa bãi ở Việt Nam đang là chuyện khá phổ biến cả ở thành thị và nông thôn. Đây là một câu chuyện buồn. Lý do đầu tiên phải nói đến là tính tự giác của nhiều người chưa tốt, hay nói thẳng ra là văn hóa môi trường còn thấp kém.

HOÀNG HÀ