Đề nghị bổ sung các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế do ảnh hưởng dịch COVID-19

Cập nhật, 15:58, Thứ Sáu, 23/07/2021 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đã tham gia một số ý kiến xoay quanh các giải pháp phòng, chống dịch COVID- 19.

* Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh- cần bổ sung các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế do ảnh hưởng dịch COVID-19  

Tôi đánh giá cao việc Chính phủ đã chủ động ban hành các nghị quyết, chương trình hành động cụ thể; xây dựng các phương án, kịch bản điều hành và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực.

Trong tình hình dịch bệnh COVID- 19 diễn biến rất phức tạp, thống nhất với chỉ đạo của Chính phủ là tập trung kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm ổn định, an toàn xã hội; đồng thời thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Đóng góp thêm về các chính sách hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội nhằm chia sẻ gánh nặng và khó khăn với người dân, doanh nghiệp, để phù hợp hơn với tình hình thực tế, đề nghị rà soát các chính sách, biện pháp đang triển khai; đánh giá rõ hơn kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ, đồng thời xem xét thúc đẩy giải ngân.

Đề nghị nghiên cứu bổ sung các giải pháp để thực hiện mục tiêu phòng, chống đại dịch COVID-19 và chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2021, nhất là với các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng và các địa phương khu vực miền Nam bị tác động mạnh mẽ do COVID-19; rà soát những chính sách thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội hết thời hạn, cần thiết phải kéo dài thời gian áp dụng trong năm 2022 để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 2.

Trong lĩnh vực y tế, hiện tại dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp, toàn hệ thống y tế, đặc biệt là hệ dự phòng đang chiến đấu hết mình từng giây từng phút nhưng phụ cấp, chế độ lại ít, thủ tục thanh quyết toán thì phức tạp, chế độ đãi ngộ có sự khác biệt giữa hệ dự phòng và hệ điều trị.

Nghị quyết 16, Nghị quyết 73 thì giới hạn số lượng cán bộ điều trị trong khi số ca mắc rất nhiều, nhân lực ít; không có hỗ trợ và lại giảm, cắt luôn phần 24/24 do hệ dự phòng tuyến tỉnh không có trực đêm…1 ngày có 100 ca bệnh cũng như 1 ca bệnh trong khi hệ điều trị chăm sóc bệnh nhân, ở cùng nhưng chế độ đãi ngộ cao hơn nhiều.

Đề nghị tiếp tục đầu tư củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe, trang bị các thiết bị y tế đầy đủ; nâng phụ cấp ưu đãi nghề từ 40- 60% cho viên chức trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC); bố trí ngân sách cho y tế dự phòng trong giai đoạn tới, đảm bảo chi được 30% ngân sách cho y tế dự phòng.

* Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang- Tạo điều kiện để DN khai thác tốt thị trường nội địa

Có thể nói, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nước ta nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đã được ban hành kịp thời với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân; duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Đóng góp một số giải pháp thời gian tới, trong thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tôi cho rằng cùng với việc tăng cường hỗ trợ tái cơ cấu doanh nghiệp (DN), nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh theo hướng giảm đầu mối, cập nhật công nghệ, cơ cấu và đào tạo nhân lực hợp lý, cần tiếp tục lãnh đạo thực hiện các biện pháp tạo điều kiện để DN khai thác tốt thị trường nội địa; đẩy mạnh hoạt động kết nối DN với người tiêu dùng, tạo kênh liên kết giữa DN sản xuất và các kênh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa thông qua xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh phát triển và ứng dụng các loại hình kinh doanh cả trực tuyến và trực tiếp, gắn với làm tốt công tác tuyên truyền vận động để người tiêu dùng trong nước nhận thức đúng về sản phẩm, chất lượng và giá cả của hàng hóa do DN trong nước sản xuất thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Song song đó, cần đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư, chú trọng giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính, đẩy nhanh thủ tục phê duyệt, điều chỉnh các chính sách mới.

Liên quan đến các vấn đề xã hội, đề nghị Trung ương đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả triển khai các biện pháp hỗ trợ, trợ cấp cho người dân bị tác động của dịch bệnh; tăng cường giám sát việc áp dụng các tiêu chí xác định đối tượng nhận hỗ trợ, đơn giản hóa thủ tục giải ngân để đẩy nhanh tiến độ triển khai, góp phần giảm bớt khó khăn của người dân, công nhân một cách sớm nhất, thiết thực, hiệu quả nhất (kể cả theo Nghị quyết 42 và Nghị quyết 68).

TÂM THI (ghi)