Hướng đến Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI

Phong trào "Dân vận khéo" góp phần nâng cao đời sống xã hội

Cập nhật, 05:49, Thứ Năm, 17/09/2020 (GMT+7)

 

Ông Bùi Văn Nghiêm- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- trao giấy khen cho các cá nhân điển hình trong phong trào “Dân vận khéo” giai đoạn 2015- 2020.
Ông Bùi Văn Nghiêm- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- trao giấy khen cho các cá nhân điển hình trong phong trào “Dân vận khéo” giai đoạn 2015- 2020.

Những năm qua, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương phát động, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung thực hiện đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh đã có những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả cao trong công tác vận động quần chúng, góp phần tích cực phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Nâng cao nhận thức về phong trào “Dân vận khéo”

Qua 5 năm triển khai, quán triệt thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Long, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân tiếp tục được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của công tác dân vận và “Dân vận khéo” theo quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Từ đó, đã vận dụng khéo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn đã góp phần thiết thực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị thời gian qua.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện thường xuyên gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. 

Đồng thời, tập trung phản ánh những vấn đề bức thiết trong đời sống xã hội; định hướng cụ thể về nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ cần tập trung phát động thực hiện trong chương trình, kế hoạch công tác của cấp ủy đảng; từ đó từng tập thể và cá nhân căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình và tiêu chí xây dựng mô hình, điển hình để đăng ký, đồng thời tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo cơ bản theo yêu cầu.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hạnh- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” để hướng đến những mục tiêu kế hoạch đề ra.

Đồng thời, tiến hành thẩm định, đánh giá mô hình đảm bảo theo quy trình và thực hiện tốt công tác đánh giá, xét công nhận mô hình “Dân vận khéo” dân chủ, khách quan và công bằng nên kết quả đạt được rất tích cực.

Các cấp Hội LHPN vận động hội viên, phụ nữ phát triển các mô hình kinh tế gia đình, tăng thu nhập.
Các cấp Hội LHPN vận động hội viên, phụ nữ phát triển các mô hình kinh tế gia đình, tăng thu nhập.

Theo đó, giai đoạn 2015-2020, BCĐ phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp trong tỉnh đã phát động đăng ký xây dựng tổng số gần 220.000 tập thể, cá nhân mô hình, điển hình “Dân vận khéo” (trong đó có gần 26.000 tập thể và 194.000 cá nhân).

Những tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện điển hình, mô hình “Dân vận khéo” được tổ chức, diễn ra rộng khắp ở các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở, ấp- khóm, cộng đồng khu dân cư và đội, tổ, phân xưởng trong các doanh nghiệp, tập trung nhiều nhất là ở cơ sở (xã- phường- thị trấn và ấp- khóm).

 Các nội dung đăng ký xây dựng điển hình “Dân vận khéo” hầu hết đã bám sát vào nội dung định hướng, các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy đảng, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương và các tiêu chí yêu cầu cần đạt của một điển hình, mô hình “Dân vận khéo”, nhiều mô hình tập trung hướng vào giải quyết những vấn đề quan tâm, bức xúc của đời sống xã hội và nhân dân.

Kết quả tích cực trên các lĩnh vực

Nổi bật là phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, các điển hình của tập thể, cá nhân thực hiện tốt việc vận động hiệu quả các nguồn lực giúp đỡ người nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, vận động nhân dân đóng góp tiền, vật chất, ngày công lao động, hiến đất… để xây dựng giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi công cộng… với tổng trị giá hơn 654 tỷ đồng.

Từ đó, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả thiết thực.

Những thành quả đạt được sau 5 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; người dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tạo thành phong trào sâu rộng có tính quyết định trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay.

Phong trào “Dân vận khéo” góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Phong trào “Dân vận khéo” góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

Ông Nguyễn Hữu Hùng- Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ Dân vận ấp An Hưng (xã Mỹ An- Mang Thít) phấn khởi chia sẻ: Nhờ vào mô hình tổ Dân vận, ấp khơi sức dân để làm đường nông thôn liên xóm, liên ấp vững chắc và đã thực hiện hoàn thành công trình đường đan bê tông dài 2.500m, kinh phí thực hiện 1,6 tỷ đồng.

Tuyến đường đã được hoàn thành đưa vào sử dụng tạo được điều kiện thuận lợi phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Từ đó, người dân hiểu được lợi ích của mô hình “Dân vận khéo”, tạo được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và tự giác thực hiện tốt các quy định của địa phương.

Bên cạnh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tác động tích cực trên nhiều mặt đời sống xã hội, nhất là đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh nhà trong 5 năm qua. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở lĩnh vực phát triển kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực với những cách làm hay, chủ động sáng tạo.

“Dân vận khéo” trong lĩnh vực văn hóa- xã hội, quốc phòng- an ninh, trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị… cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Nhìn chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” của cả hệ thống chính trị đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, điển hình như GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 55,5 triệu đồng, tăng 18 triệu so với năm 2015; giảm nghèo đa chiều theo hướng bền vững, bình quân hàng năm giảm trên 1% hộ nghèo, đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo còn 1,76%...

Đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- nhận định: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo được khí thế mới, phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ của nhân dân, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có cách làm hay, sáng tạo, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt phong trào “Dân vận khéo”, tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến kinh nghiệm, cách làm hay của những điển hình “Dân vận khéo”.

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Bài, ảnh: HẢI YẾN