Căng mình phòng chống hạn, mặn

Cập nhật, 06:02, Thứ Sáu, 28/02/2020 (GMT+7)

Trong các tháng đầu mùa khô 2019-2020 vừa qua, mực nước sông rạch trong tỉnh xuống thấp, độ mặn lên rất cao. Do vậy, sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân nhiều nơi bị ảnh hưởng- nhất là tại các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít. 

Tuy nhiên, nhờ có bước chủ động phòng, chống sớm nên về tổng thể thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian qua thấp hơn nhiều so với thiệt hại trong mùa khô 2015- 2016.

Cống Vũng Liêm được đưa vào vận hành cuối năm 2019 góp phần tích cực trong ứng phó xâm nhập mặn ở huyện Vũng Liêm.
Cống Vũng Liêm được đưa vào vận hành cuối năm 2019 góp phần tích cực trong ứng phó xâm nhập mặn ở huyện Vũng Liêm.

Mặn lên cao vượt mức kỷ lục năm 2016

Từ đầu tháng 12/2019 đến trung tuần tháng 2/2020, trên địa bàn Vĩnh Long, lượng mưa không đáng kể, mực nước sông, rạch giảm nhanh.

Trong tháng 1, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Mỹ Thuận xuất hiện vào ngày 14/1 chỉ đạt 1,57m, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái 0,20m, thấp so mức lịch sử năm 2019 là 0,55m.

Có 3 đợt mặn lên rất cao. Đợt 1: Ngay từ những ngày 8, 9/12/2019, độ mặn trên 5‰ (phần ngàn) đã bắt đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh, sớm hơn mùa khô 2018- 2019 một tháng và sớm hơn các năm về trước.

Từ 10- 12/12/2019, độ mặn tại các điểm đo dọc sông Cổ Chiên và sông Hậu đa số đều vượt đỉnh mặn năm 2016 (năm độ mặn đạt mức kỷ lục).

Trên sông Cổ Chiên, tại huyện Vũng Liêm, độ mặn từ 6,1- 9,8‰ (vượt đỉnh mặn năm 2016 từ 0,2-0,8‰); trên sông Hậu tại xã Tích Thiện (Trà Ôn) đạt 6,5‰ (vượt 1,6‰).

Đợt xâm nhập mặn vào đầu tháng 1/2020 (từ 14/1, nhằm kỳ triều cao rằm tháng 12 âm lịch Kỷ Hợi 2019) là đợt mặn lên cao nhất, đạt mốc lịch sử mới.

Đỉnh mặn đạt vào ngày 10/1 tại các điểm đo dọc sông Cổ Chiên và sông Hậu đều vượt đỉnh mặn lịch sử năm 2016 từ 0,4- 2‰.

Trên sông Cổ Chiên, tại huyện Vũng Liêm độ mặn lên mức 6,2-10‰. Còn trên sông Hậu, tại huyện Trà Ôn độ mặn lên mức 2- 6,9‰.

Đợt xâm nhập mặn vào đầu tháng 2/2020 (trùng với kỳ triều cao rằm tháng Giêng năm Mậu Tuất). Đỉnh mặn đạt vào ngày 11/2, tuy độ mặn các trạm trên sông Cổ Chiên nhỏ hơn đợt 2 từ 0,6-1,4‰, nhưng tại các trạm trên sông Hậu đều vượt đỉnh mặn đợt 2 vào đầu tháng 1/2020 từ 0,4- 0,9‰.

Các huyện ghi nhận độ mặn 1‰ đã xuất hiện trên sông Hậu tới rạch Phù Ly (xã Đông Bình, TX Bình Minh); trên sông Măng tới rạch Sao Phong (xã Tân Long Hội- Mang Thít). Huyện Long Hồ ghi nhận độ mặn trên sông Cổ Chiên tại xã Bình Hòa Phước là 0,62‰.

Nếu như mùa khô năm 2016, toàn tỉnh có 25.063,63ha cây trồng bị thiếu nước do hạn và bị nhiễm mặn 1.884ha bị hạn và 23.179,63ha bị nhiễm mặn), thiệt hại hơn 293 tỷ đồng, nhiều nhất ở 3 huyện Vũng Liêm, Mang Thít và Trà Ôn; thì trong 3 tháng đầu mùa khô năm nay, tuy số huyện bị ảnh hưởng nhiều hơn (thêm huyện Tam Bình và TX Bình Minh), nhưng diện bị ảnh hưởng, bị thiệt hại ít hơn nhiều.

Toàn tỉnh có 17.479,09ha cây trồng bị thiếu nước tưới trong 5-7 ngày do đóng cống ngăn mặn. Chỉ có 87,7ha cây trồng bị nhiễm mặn (lúa vụ Đông Xuân: 47,7ha tập trung tại xã Trung Thành Tây, Quới An, thị trấn Vũng Liêm và 40ha cây lâu năm ở xã Đông Thành); cây trồng bị thiệt hại do nhiễm mặn có 47,7ha lúa Đông Xuân ở giai đoạn tăng trưởng do dân không kiểm tra độ mặn trước khi dẫn nước vào ruộng. Thiệt hại về nông nghiệp ước tính trên 20 triệu đồng với trên 1ha lúa bị nhiễm mặn...

Các nhà máy nước ở các huyện vùng nhiễm mặn như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình, TX Bình Minh tuy khó lấy nước từ sông, rạch trong những ngày độ mặn lên cao, nhưng khi triều xuống thấp, độ mặn giảm vẫn lấy được nước.

… Nhờ chính quyền, nhân dân có chủ động ứng phó hạn, mặn sớm

Đạt kết quả này, có thể thấy nhờ các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã có bước chủ động trước và từ bài học kinh nghiệm trong phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trong những năm qua, đặc biệt là từ mùa khô 2015- 2016, nên xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp không lớn.

Ngay từ tháng 10/2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai rộng rãi công tác phòng chống hạn, mặn đến tất cả các cấp, các ngành trong tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị, các văn bản chỉ đạo về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Ngày 12/12/2019, tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn nhằm tìm ra các giải pháp ứng phó với tình trạng này.

Ngay sau hội nghị, Tỉnh ủy cũng đã ban hành chỉ thị thực hiện công tác này, coi công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng và thường xuyên của cả hệ thống chính trị trong tỉnh.

Các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo đo mặn, thông báo kết quả hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hiện ở cấp tỉnh, thông tin nhanh về diễn biến và dự báo hạn, mặn được thực hiện thường xuyên thông qua hệ thống tin nhắn SMS đến 293 đầu số là lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện, xã để chỉ đạo ứng phó và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ đó đến trực tiếp người dân. Các huyện thuộc vùng bị nhiễm mặn cao như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít cũng thực hiện tin nhắn này.

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 và đang xem xét ban hành phương án ứng phó hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước có thể xảy ra ở mức “rất nghiêm trọng” trong các tháng còn lại của mùa khô 2019- 2020, trong đó có đề ra các kịch bản hạn, xâm nhập mặn xảy ra (kịch bản ứng phó với độ mặn vượt đỉnh mặn năm 2016 và vượt đỉnh mặn kỷ lục xảy ra vào tháng 1/2020), phạm vi ảnh hưởng và các biện pháp phi công trình, công trình ứng phó cụ thể; ưu tiên cho việc cấp nước cho sinh hoạt của người dân, cho sản xuất nông nghiệp và ưu tiên thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn cho các huyện bị nhiễm mặn cao như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít và Tam Bình.

Một trong những yếu tố góp phần hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, đó là tỉnh đã phát huy hiệu quả nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt và nâng cao ý thức của người dân trước những tác động của hạn hán, xâm nhập mặn.

Tỉnh Vĩnh Long có hệ thống công trình thủy lợi khá hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh... Hệ thống thủy lợi kết hợp với hệ thống giao thông bộ của tỉnh đảm bảo năng lực tưới tiêu cho 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ động tưới tiêu hơn 93% diện tích.

Thời gian qua, tỉnh được trung ương đầu tư những công trình thủy lợi ngăn mặn, tiếp nước ngọt quy mô lớn như cống Nàng Âm, kinh Trà Ngoa và được hưởng lợi từ cống Cái Hóp ở tỉnh Trà Vinh.

Cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp- PTNT xây dựng đưa vào sử dụng kinh Mây Phốp- Ngã Hậu, cống Vũng Liêm và cống Tân Dinh góp phần cấp nước, ngăn mặn cho hàng chục ngàn héc ta đất canh tác của 2 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn.

Tỉnh đang triển khai thi công đê bao dọc sông Măng Thít và các cống lớn tại các vàm sông nối với sông Cổ Chiên, sông Măng để từng bước khép kín, chủ động ngăn mặn, trữ cấp nước ngọt cho vùng Nam sông Măng Thít.

Song song đó, công tác tuyên truyền, thông tin, nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn và bảo vệ nguồn nước, môi trường đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục, thông qua nhiều hình thức, thông qua nhiều kinh truyền thông, thông tin đại chúng.

Tuy kết quả bước đầu trong công tác phòng chống hạn, mặn là khả quan, nhưng ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn dự báo còn xảy ra gay gắt vào tháng 3, có thể kéo dài đến tháng 4, tháng 5, đến khi có mưa và lượng nước thượng lưu về nhiều.

Trong khi đó, tỉnh vẫn còn gặp khó về trữ nước cấp cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt nếu xâm nhập mặn kéo dài (trên 10 ngày).

Vì vậy, tiếp tục thực hiện các biện pháp chủ động đối phó với tình trạng hạn, mặn như vừa qua là rất cần thiết để giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm nay.

Bài, ảnh: THÀNH THẶNG