Cần cụ thể hóa phương án cấp nước ngọt cho sản xuất, dân sinh

Cập nhật, 05:28, Thứ Năm, 27/02/2020 (GMT+7)

Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của ông Trần Hoàng Tựu- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh- tại hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh diễn ra ngày 26/2/2020.

Việc vận hành các cống ngăn mặn trong thời gian dài có thể gây thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Việc vận hành các cống ngăn mặn trong thời gian dài có thể gây thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất.

Ông Trần Hoàng Tựu cũng lưu ý bên cạnh việc xây dựng phương án phòng chống bão, lũ, sạt lở thì trước mắt cần có phương án chủ động ứng phó với hạn mặn “rất nghiêm trọng” có thể xảy ra, với các biện pháp công trình, phi công trình cụ thể, ưu tiên cho cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh.

Từ đầu mùa khô 2019- 2020 đến nay, Vĩnh Long có 87,7ha cây trồng bị nhiễm mặn, gồm 47,7ha lúa Đông Xuân ở huyện Vũng Liêm và 40ha cây lâu năm ở TX Bình Minh.

Diện tích lúa và cây lâu năm bị thiếu nước tưới 17.479ha. Số hộ dân sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn là 72.250 hộ tại các huyện: Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn, Tam Bình và TX Bình Minh, trong đó có 17.327 hộ dân không có nước máy sử dụng. Toàn tỉnh có 35 trạm cấp nước bị nhiễm mặn.

Tổng thiệt hại do thiên tai từ đầu năm 2019 đến nay là trên 37,4 tỷ đồng. Các loại thiên tai như giông lốc, mưa lớn, sạt lở bờ sông, triều cường, xâm nhập mặn,… Tổng kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên 18,6 tỷ đồng.

Tin, ảnh: LÊ SƠN