Cẩn trọng với con nước triều cường tới

Cập nhật, 07:14, Thứ Bảy, 27/10/2018 (GMT+7)

Theo nhận định của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh, hiện nay mực nước trên các sông, rạch trong tỉnh tiếp tục lên theo triều cường gây ngập đối với các vùng trũng, vùng ngoài đê bao.

Nhiều đoạn đường đã được người dân gia cố để hạn chế con nước triều cường tràn qua.
Nhiều đoạn đường đã được người dân gia cố để hạn chế con nước triều cường tràn qua.

Con nước đầu tháng: 8.628 căn nhà bị ngập

Theo báo cáo của phòng nông nghiệp- PTNT các huyện- thị- thành, ước thiệt hại về triều cường đến nay là trên 13,7 tỷ đồng.

Cụ thể, có trên 903ha lúa Thu Đông bị ngập, trong đó thiệt hại rất nặng từ 50- 70% là 78,8ha; 156ha hoa màu, rau màu, trên 2.000ha vườn cây ăn trái bị ngập, còn có 226 chuồng chăn nuôi, trên 8.100ha ao hồ nhỏ bị ngập.

Ruộng lúa của người dân ở Bình Tân bị nước “tấn công”, ảnh chụp ngày 20/10/2018. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Ruộng lúa của người dân ở Bình Tân bị nước “tấn công”, ảnh chụp ngày 20/10/2018. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Bên cạnh, trên 392km bờ bao bị tràn với 440 đoạn, trên 4,9km bờ bao bị sạt lở với 156 đoạn, 60 đập bị tràn với trên 1km, 47 đập bị sạt lở hư hỏng, 32 đập bị vỡ. Có 8.628 căn nhà bị ngập dưới 1m, 30 trường học, 27 chợ, 9 trụ sở cơ quan bị ngập.

Tại Vũng Liêm, triều cường đầu tháng 9 âl cũng đã làm trên 15km đập, đê bao bị tràn, sạt lở, gây ảnh hưởng đến 420ha cây ăn trái. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là xã Quới Thiện, Thanh Bình, Tân Quới Trung…

Bà Lê Thị Thanh Vân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm- cho biết do triều cường lên nhanh nên có nhiều vườn cây ăn trái bị ngập. Địa phương đã huy động lực lượng vật tư tại chỗ, tu sửa kịp thời các công trình bị hư hỏng, phần còn lại huy động người dân thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”.

Trước đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) cấp huyện đã chỉ đạo khắc phục thiệt hại do triều cường gây ra vào con nước từ 6-12/10/2018 để người dân sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất, cũng như chủ động ứng phó với các đợt triều cường tiếp theo.

Triển khai các giải pháp chăm sóc, bảo vệ vườn cây ăn trái, rau màu, diện tích lúa Thu Đông sau khi nước rút; thống kê, xác định mức độ thiệt hại do triều cường gây ra một cách nhanh chóng, chính xác...

Thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, tiêu độc, sát trùng, phòng, chống dịch bệnh lây lan tại những khu vực bị ô nhiễm môi trường do ngập úng. Theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở bờ sông sau khi nước rút nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Chủ động ứng phó từ ban đầu

Để chủ động phòng chống, ứng phó với diễn biến của đợt triều cường giữa tháng 9 âl năm 2018, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã yêu cầu ban chỉ huy PCTT- TKCN các huyện- thị- thành và các sở, ban ngành tỉnh triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng chống và giảm thiệt hại do triều cường.

Người dân đã chủ động ứng phó con nước triều cường.
Người dân đã chủ động ứng phó con nước triều cường.

Cụ thể, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên sông, ven sông, kinh, rạch chủ động các biện pháp phòng, tránh, cảnh báo và di dời dân tại khu vực bờ sông, kinh, rạch có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở;

chủ động phòng chống ngập úng, vận hành các máy bơm tiêu thoát nước nhất là ở các khu dân cư, các điểm trường học, diện tích nuôi trồng thủy sản; vườn cây ăn trái, cây hàng năm (cây lúa), màu;

tiếp tục thực hiện các giải pháp sẵn sàng các phương án ứng phó với lũ, chuẩn bị bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý ngay từ giờ đầu sự cố bờ bao sạt lở...

Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp phòng tránh đuối nước, điện giật nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh; đưa đón học sinh đi học trong mùa lũ; các khu vực ngập sâu, dòng chảy xiết có kế hoạch cho học sinh nghỉ học.

Đồng thời, xử lý ngay những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, cống, bộng, đường giao thông…; chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống lũ, tiêu úng đảm bảo an toàn cho diện tích lúa Thu Đông, Đông Xuân 2018-2019 và các cây trồng khác, nhằm giảm thiểu thiệt hại và phát huy tối đa lợi thế từ lũ, nhất là trong nuôi trồng thủy sản.

Ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết đợt triều cường đầu tháng 9âl (từ ngày 6- 12/10/2018) đã làm ngập diện rộng trên địa bàn tỉnh, làm thiệt hại và ảnh hưởng đến lúa, vườn cây ăn trái, rau màu, công trình giao thông, thủy lợi, thủy sản, chăn nuôi, trường học, y tế...

Các địa phương đã tổ chức khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ” với kinh phí gần 3,3 tỷ đồng, đồng thời, huy động cán bộ, lực lượng công an, dân quân tự giúp người dân chống lũ.

Tại nhiều địa phương, người dân cũng ráo riết be bờ, gia cố lại cống đập để hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất.

Anh Nguyễn Văn Vũ (xã Mỹ Thành Trung- Tam Bình) cùng một vài người dân cũng đã ra sức xúc cát vào bao để hạn chế nước tràn qua đê bao. “Con nước này mình phải chủ động hơn, chứ không thể đợi nước tới chân mới nhảy được”- anh Vũ nói người dân đã rút kinh nghiệm.

Ông Lưu Nhuận:

Con nước đầu tháng 9âl vừa rồi được coi là đỉnh lũ năm nay, tuy nhiên so với mọi năm con nước rằm tháng 9âl này cũng cao hơn so với mọi năm. Đến nay, ngành chức năng lẫn người dân đã có ý thức chủ động phòng tránh, nhiều đoạn đê bao, cống đập bị sạt lở cũng đã được gia cố kịp thời để ứng phó con nước triều cường này. 

 

Bài, ảnh: THẢO LY