Sổ tay

Mất điểm ở... vòng gửi xe

Cập nhật, 15:22, Thứ Sáu, 20/07/2018 (GMT+7)

Mua bán, kinh doanh vốn không dễ để có được tình cảm của khách hàng, để khách ưu tiên lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của công ty, doanh nghiệp, cơ sở… mình (sau đây tạm gọi chung là cơ sở). 

Cho nên, khi đã cố gắng ghi điểm cộng ở tất cả các khâu khác mà lại bị mất điểm ở vòng gửi xe thì thật tiếc, bởi giữ xe vốn là khâu ngỡ đơn giản nhất.

Để có được lòng tin, tình cảm của khách hàng, các cơ sở mua bán, kinh doanh phải đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Đồng thời, chú trọng chăm sóc khách hàng ở mức tốt nhất: tư vấn- giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đúng nhu cầu; khuyến mãi, giảm giá, tích điểm, tặng quà, giao hàng tận nơi… Trong quá trình đó, phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên cực kỳ quan trọng.

Có thể nói, bên cạnh chất lượng thì cách phục vụ ảnh hưởng trực tiếp đến việc khách hàng sẽ gắn bó lâu dài hay một đi không trở lại. Và, giữ xe- tài sản của khách- là một trong những khâu chăm sóc đầu tiên và cuối cùng khi khách đặt chân đến cơ sở mua hàng, sử dụng dịch vụ…

Hiện hầu hết các điểm mua bán, kinh doanh đều có bãi đậu, có người tiếp nhận và trông giữ xe. Như đã nói, do là khâu nằm trong chuỗi “chăm sóc” nên thái độ, cách phục vụ của người giữ xe đương nhiên ảnh hưởng đến tổng điểm khách dành cho cơ sở.

Chị Minh Anh (xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) cho biết, nhiều lần đi ăn uống, mua sắm… chị bị “sốc” với thái độ của người giữ xe như: cau có, làm mặt lạnh, ra lệnh, thậm chí chửi bới khách hàng. Nếu xảy ra trực tiếp với mình, nhẹ thì chị làm ngơ cho qua, nặng thì hạn chế ghé.

Tương tự chị Minh Anh, khi không hài lòng, nhiều người chọn cách âm thầm hạn chế, khai trừ điểm đó chớ ít khi góp ý tới lãnh đạo (chủ) cơ sở chỉ vì chuyện ở… vòng gửi xe. Do đó, giữ xe ngỡ là chuyện nhỏ, đơn giản nhưng không kém phần quan trọng.

Thực tế cho thấy, không riêng vòng gửi xe, nhiều khâu “bếp núc” khác cũng gây ảnh hưởng đến thiện cảm, số điểm mà khách hàng dành cho cơ sở như: châm trà, tính tiền, giao hàng… Một thái độ không chừng mực, một cách hành xử không chuyên nghiệp… đều có thể gây phật lòng, mất điểm.

Thiết nghĩ, trong thời buổi cạnh tranh gay gắt để quyết định tính sống còn thì bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, các cơ sở cần chú trọng đào tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp của nhân viên, quản lý chặt các khâu chăm sóc khách hàng, kể cả những chuyện “bếp núc” như chuyện ở… vòng gửi xe, tránh mất điểm dẫn đến mất khách một cách đáng tiếc.

NAM ANH