Cảnh giác với tội phạm mua bán người

Cập nhật, 09:20, Thứ Sáu, 20/07/2018 (GMT+7)

Tội phạm mua bán người trong thời gian gần đây hoạt động rất tinh vi, chúng đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin của người dân. Hầu hết nạn nhân là phụ nữ, do hoàn cảnh khó khăn nên muốn đổi đời bằng cách kết hôn hoặc lao động ở nước ngoài, trong khi nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên vô tình bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ để thực hiện hành vi phạm tội.

Phụ nữ làm việc trong môi trường nhạy cảm có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.Ảnh tư liệu (minh họa)
Phụ nữ làm việc trong môi trường nhạy cảm có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.Ảnh tư liệu (minh họa)

Công bố của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Intrepol), khu vực các nước Tiểu vùng sông Mekong vẫn là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp. Ước tính lợi nhuận từ hoạt động tội phạm này có thể thu về hàng chục tỷ USD mỗi năm. Theo điều tra của Bộ Công an, hầu hết nạn nhân của tội phạm mua bán người thường là phụ nữ.

Chúng lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ở các tỉnh phía Bắc để lừa bán sang Trung Quốc. Ở các tỉnh phía Nam, đã xuất hiện thủ đoạn xem mặt chọn vợ, kết hôn giả để đưa sang các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan,… bán làm vợ, sinh con thuê hoặc bán cho các nhà hàng và ép nạn nhân hoạt động mại dâm.

Nhiều đường dây của tội phạm mua bán người lợi dụng địa bàn nước ta làm điểm “trung chuyển” nạn nhân từ Campuchia để bán sang Trung Quốc.

Tình trạng mua bán trẻ em diễn biến phức tạp, tội phạm lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, thông qua mạng xã hội để tiếp cận, rủ rê đi du lịch hoặc làm thuê với hứa hẹn sẽ có thu nhập cao.

Nhưng sự thật nơi “miền đất hứa” là các em bị bán cho các nhà hàng, quán karaoke, massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp,… bị ép bán dâm, cưỡng bức lao động, phải vay nặng lãi,…

Gần đây, xuất hiện tình trạng môi giới đưa, dẫn người vượt biên ra nước ngoài để lao động bất hợp pháp, sau đó trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người tại nước ngoài.

Điều này đang gây khó khăn cho công tác điều tra, giải cứu nạn nhân của lực lượng chức năng. Với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, các đối tượng đã móc nối, liên kết chặt chẽ với nhau để lừa đảo, tạo lòng tin, sau đó đưa nạn nhân qua biên giới.

Khi đến nơi, chúng giữ giấy tờ, cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương, khống chế đòi tiền chuộc, sau đó báo cơ quan chức năng nước sở tại bắt giữ và trục xuất về nước. Nhiều đối tượng lợi dụng quy định về hiến tạng để lừa những nạn nhân khó khăn bán thận với giá rẻ, sau đó làm giả giấy tờ, con dấu của ngành chức năng để bán lại cho người có nhu cầu ghép tạng với giá cao.

Cách đây vài năm, 2 thanh niên ở Vĩnh Long là H.T.P. và N.T.Đ. vì nhẹ dạ, cả tin đã nghe theo lời của một thanh niên khác dụ dỗ lên TP Hồ Chí Minh làm thuê với mức thu nhập cao. Khi đến nơi, P. và Đ. bị đưa lên xe và chở qua biên giới đến Campuchia.

Tại đây, bọn bắt cóc đã nhốt, thường xuyên đánh đập và cấm các em nói chuyện với nhau. Sau đó, bọn chúng liên lạc với gia đình yêu cầu đòi tiền chuộc. Lo sợ tính mạng của P. và Đ. gặp nguy hiểm, gia đình các em đã cầm cố tài sản và mang 100 triệu đồng qua Campuchia chuộc các em về.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) dự báo tình hình mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguyên nhân phát sinh như lợi dụng hoạt động đưa người di cư trái phép, xuất khẩu lao động, kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, tình trạng thiếu việc làm, sơ hở trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội về an ninh trật tự và sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân.

Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân là hết sức cần thiết để đối phó với loại tội phạm này.

BCĐ Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức phổ biến rộng rãi các phương thức, thủ đoạn hoạt của tội phạm mua bán người để người dân ý thức phòng chống.

Việc tuyên truyền được lồng ghép vào các hoạt động phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội hiện đang phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ hoạt động xuất khẩu lao động an toàn, không để tội phạm lợi dụng hoạt động này để lừa phụ nữ, trẻ em nhằm mục đích bóc lột tình dục và lao động cưỡng bức.

Ngoài ra, lực lượng cảnh sát hình sự cũng có kế hoạch tăng cường công tác quản lý đối tượng, địa bàn và phối hợp với các ngành liên quan chủ động phòng ngừa, ngăn chặn không để tội phạm lợi dụng việc kết hôn có yếu tố nước ngoài, du lịch, dịch vụ,... để lôi kéo, dụ dỗ người dân.

HOÀI NAM- TRUNG HƯNG