Thông báo: Dự kiến đổi tên 11 trường trên địa bàn TX Bình Minh

Cập nhật, 22:14, Thứ Năm, 19/04/2018 (GMT+7)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cơ quan Thường trực của Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh Vĩnh Long) thông báo xin ý kiến của nhân dân cho việc dự kiến đổi tên 11 trường trên địa bàn TX Bình Minh.

Ý kiến đóng góp gửi bằng văn bản về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long (qua Phòng Quản lý Văn hóa), địa chỉ: Số 10, đường Hưng Đạo Vương, Phường 1, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, hoặc qua địa chỉ email: huuthoaivhttdlvl@gmail.com, điện thoại: 02703. 823718, trước ngày 26/4/2018.

KHÁI QUÁT DỰ KIẾN ĐỔI TÊN 11 TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TX BÌNH MINH:

1. Trường Trung học cơ sở thị trấn Cái Vồn

+ Hiện trạng: Trường Trung học cơ sở thị trấn Cái Vồn, địa chỉ: Tổ 8, Khóm 2, phường Cái Vồn, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; trường thành lập năm 2010.

+ Số lượng: 31 phòng; 108 giáo viên; 61 lớp học (khối 6: có 15 lớp; khối 7: có 15 lớp; khối 8: có 16 lớp; khối 9: có 15 lớp), tổng số có 2.080 học sinh.

- Dự kiến đổi tên: Trường Trung học cơ sở Lý Thái Tổ.

- Tiểu sử: Lý Thái Tổ sinh ngày 12/2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5, triều Đinh (tức ngày 6/6/974), (974-1028) là người ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay xã Đình Bảng, TX Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh có đền thờ). Khi lên 3 tuổi, mẹ ông đem ông cho Lý Khánh Văn, sư chùa cổ Pháp làm con nuôi và đi tu từ đó. Đến 7 tuổi, ông được cha nuôi là Lý Khánh Văn gửi cho một người bạn - thiền sư nổi tiếng là Vạn Hạnh dạy dỗ, lớn lên với sự bảo hộ của sư Vạn Hạnh, ông vào kinh đô Hoa Lưu làm quan nhà Tiền Lê, thăng đến chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ, ông là người khoan thứ nhân từ. Dưới triều nhà Tiền Lê, ông làm quan chức Điện tiền chỉ huy sứ, là một chức quan võ chỉ huy quân đội bảo vệ kinh đô Hoa Lư bấy giờ. Ông được lực lượng của Đào Cam Mộc và sư Vạn Hạnh tôn làm vua sau khi vua Lê Long Đĩnh qua đời. Dưới triều đình trung ương được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp, kinh đô được dời từ Hoa Lư về thành Đại La vào tháng 7 năm Thuận Thiên thứ hai (1010), và thành này được đổi tên thành Thăng Long húy là Lý Công Uẩn, là vị vua đầu tiên của nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028.

2. Trường Tiểu học thị trấn Cái Vồn A

+ Hiện trạng: Trường Tiểu học thị trấn Cái Vồn A, địa chỉ: đường Lê Văn Dị, Khóm 2, phường Cái Vồn, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; trường thành lập năm 2010.

+ Số lượng: 30 phòng; 40 giáo viên; 30 lớp học (khối 1: có 6 lớp; khối 2: có 5 lớp; khối 3: có 7 lớp; khối 4: có 6 lớp; khối 5: có 6 lớp), tổng số có 1.034 học sinh.

- Dự kiến đổi tên: Trường Tiểu học Lê Thánh Tông.

- Tiểu sử: Lê Thánh Tông tên là Tư Thành, (1442-1497), ông làm vua năm 1460. Hai lần đổi niên hiệu: Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497). Trong gần 40 năm làm vua, ông đã đưa Triều Lê phát triển tới đỉnh cao về mọi mặt: chính trị, xã hội, kinh tế, quốc phòng, văn hóa. Về phương diện văn học, Lê Thánh Tông là một nhà thơ lớn, tác phẩm ông để lại rất phong phú. Lê Thánh Tông làm vua lúc 19 tuổi, ông là vị vua anh minh, có nhiều cuộc cải cách kinh tế, chính trị, quân sự. Ông cai trị nhà nước bằng pháp luật, tiêu biểu nhất là Bộ luật Hồng Đức vẫn còn lưu truyền đến ngày hôm nay.

3. Trường Tiểu học thị trấn Cái Vồn B

+ Hiện trạng: Trường Tiểu học thị trấn Cái Vồn B, địa chỉ: Khóm 2, phường Cái Vồn, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; trường thành lập năm 1984.

+ Số lượng: 35 phòng; 51 giáo viên; 28 lớp học (khối 1: có 5 lớp; khối 2: có 5 lớp; khối 3: có 6 lớp; khối 4: có 6 lớp; khối 5: có 6 lớp), tổng số có 1.017 học sinh.

- Dự kiến đổi tên: Trường Tiểu học Phan Bội Châu.

- Tiểu sử: Phan Bội Châu (1867-1940) tại làng Đan Nhiệm (nay là xã Xuân Hòa), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Lúc nhỏ nổi tiếng “thần đồng”. Đỗ Giải nguyên (1900). Năm 17 tuổi đã viết hịch “Bình Tây thu Bắc”, năm 19 tuổi, lập Đội sĩ tử Cần vương để hưởng ứng “Chiếu Cần vương” chống Pháp. Năm 1904, thành lập Hội Duy tân chủ trương “đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt”. Từ 1905- 1909, trực tiếp lãnh đạo phong trào Đông Du, tổ chức gần 200 thanh niên yêu nước xuất dương sang Nhật Bản học tập quân sự, khoa học kỹ thuật. Tháng 3/1909, tổ chức Đông Du bị giải tán, Phan Bội Châu bị trục xuất khỏi Nhật Bản. Ông về Trung Quốc rồi sang Xiêm (Thái Lan) xây dựng cơ sở cách mạng. Tại Trung Quốc ông lập ra Việt Nam Quang phục Hội với cương lĩnh chính trị “đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập Cộng hòa Dân quốc”. Nhưng sau khi gặp Nguyễn Ái Quốc, ông bỏ ý định đó và có những ý tưởng theo hướng xã hội chủ nghĩa. Tháng 6/1925, ông bị thực dân Pháp bắt và tuyên án tử hình. Trước phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi thả Phan Bội Châu, thực dân Pháp buộc phải đưa ông về an trí ở Bến Ngự (Huế). Trong 15 năm cuối đời, ông vẫn giữ trọn phẩm cách cao khiết, không ngừng tuyên truyền tinh thần yêu nước bằng văn thơ, viết báo, được nhân dân yêu mến.

Phan Bội Châu là chí sĩ yêu nước, nhà cách mạng nổi tiếng theo xu hướng bạo động ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Ông là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng” (Nguyễn Ái Quốc).

4. Trường Tiểu học Thuận An C

+ Hiện trạng: Trường Tiểu học Thuận An C, địa chỉ: ấp Thuận Tân A, xã Thuận An, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; trường thành lập năm 1975.

+ Số lượng: 24 phòng; 32 giáo viên; 17 lớp học (khối 1: có 4 lớp; khối 2: có 3 lớp; khối 3: có 4 lớp; khối 4: có 3 lớp; khối 5: có 3 lớp), tổng số có 420 học sinh.

- Dự kiến đổi tên: Trường Tiểu học Phan Văn Đáng. 

- Tiểu sử: Phan Văn Đáng (1919- 1997). Sinh tại xã Mỹ Lộc, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Phan Văn Đáng (Hai Văn), sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước tại Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ngày 13/1/1959, ông dự Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 15 (khóa II); Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (năm 1961). Là một trong hai Xứ ủy viên của Xứ ủy Nam Bộ, tham gia Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa II), ngày 13/1/1959 tại Hà Nội.

5. Trường Tiểu học Đông Bình A

+ Hiện trạng: Trường Tiểu học Đông Bình A, địa chỉ: khóm Đông Thuận, phường Đông Thuận, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; trường thành lập năm 1975.

+ Số lượng: 11 phòng; 22 giáo viên; 16 lớp học (khối 1: có 3 lớp; khối 2: có 3 lớp); khối 3: có 3 lớp; khối 4: có 4 lớp; khối 5: có 3 lớp), tổng số có 488 học sinh.

- Dự kiến đổi tên: Trường Tiểu học Lê Lai. 

- Tiểu sử: Lê Lai (?-1418) Lê Lai quê ở thôn Dang Ta, huyện Thụy Nguyên, tỉnh Thanh Hóa. Là một tướng lĩnh của quân khởi nghĩa Lam Sơn, người đã hy sinh thân mình cứu chủ tướng Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của quân Minh. Người gốc Mường, thôn Dựng Tú, huyện Lương Giang (Thanh Hóa). Lê Lai tính tình cương trực, dung mạo khác thường, có chí khí. Ngay trước khởi nghĩa Lam Sơn ông đã theo hầu Lê Lợi có nhiều công lao. Năm 1416, ông cùng Lê Lợi và các tướng lĩnh khác tham gia Hội thề Lũng Nhai, thề sống chết có nhau, nguyện chung sức đánh đuổi quân Minh xâm lược.

6. Trường Tiểu học Đông Bình B

+ Hiện trạng: Trường Tiểu học Đông Bình B, địa chỉ: khóm Đông Bình A, phường Đông Thuận, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; trường thành lập năm 1963.

+ Số lượng: 23 phòng; 25 giáo viên; 13 lớp học (khối 1: có 2 lớp; khối 2: có 3 lớp; khối 3: có 3 lớp; khối 4: có 2 lớp; khối 5: có 3 lớp), tổng số có 390 học sinh.

- Dự kiến đổi tên: Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai.

- Tiểu sử: Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh (1910-1941), quê xã Vĩnh Yên, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Bà là nhà cách mạng Việt Nam, một trong những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn 1930-1940.

Năm 1927, bà tham gia hoạt động trong phong trào công nhân ở Vinh và tham gia thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng, sau đó được bầu làm Ủy viên BCH Đảng bộ.

Năm 1930, bà gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách tuyên truyền, huấn luyện đảng viên tại Trường Thi, Bến Thủy. Sau đó, bà sang Hương Cảng làm thư ký cho Nguyễn Ái Quốc ở văn phòng chi nhánh Đông phương bộ của quốc tế cộng sản.

Năm 1931, bà bị bắt tại Hương Cảng, bị kết án và giam ở đây. Năm 1934, bà ra tù và được Đông phương bộ quốc tế cộng sản cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội VII quốc tế cộng sản tại Moskava cùng với Lê Hồng Phong và học tại Trường Đại học Phương Đông.

Năm 1936, bà được cử về nước truyền đạt chỉ thị của quốc tế cộng sản và được cử vào Xứ ủy Nam Kỳ, giữ chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, một trong những người lãnh đạo cao trào cách mạng 1936-1939 ở Sài Gòn. Thời gian này, bà lấy bí danh là Năm Bắc.

Năm 1940, bà bị bắt ngay sau phiên họp của Xứ ủy Nam Kỳ về phổ biến chủ trương khởi nghĩa và bị giam tại Khám lớn Sài Gòn. Tuy nhiên, bà vẫn liên lạc với bên ngoài và tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh.

Sau khi khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, bà bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị xử bắn tại Ngã ba Giồng, Hóc Môn ngày 26/8/1941. Trước khi bị xử tử, bà đã khẳng khái lên án tội ác thực dân Pháp và hô to: “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!” thể hiện tinh thần bất khuất, kiên trung của bà.

7. Trường Tiểu học Mỹ Hòa A

+ Hiện trạng: Trường Tiểu học Mỹ Hòa A, địa chỉ: ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; trường thành lập năm 2010.

+ Số lượng: 12 phòng; 20 giáo viên; 15 lớp học (khối 1: có 3 lớp; khối 2: có 3 lớp; khối 3: có 3 lớp; khối 4: có 3 lớp; khối 5: có 3 lớp), tổng số có 324 học sinh.

- Dự kiến đổi tên: Trường Tiểu học Trần Bình Trọng.

- Tiểu sử: Trần Bình Trọng (1259-1285) là danh tướng thời Trần, có công lớn hộ giá bảo vệ cho hai vua Trần (Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông) trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai. Ông hy sinh khi chặn quân Nguyên ở bãi Thiên Mạc, được truy phong làm Bảo Nghĩa Vương.

Trần Bình Trọng thuộc dòng dõi Đại Hành Hoàng Đế Lê Hoàn quê gốc ở vùng nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, sinh ở xã Bảo Thái, nay thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Vợ Trần Bình Trọng là công chúa Thụy Bảo (Thụy Bảo đã có một đời chồng trước là Uy Văn Vương Toại). Sau này, con gái của Trần Bình Trọng, Chiêu Hiến Hoàng thái hậu, là mẹ của Trần Minh Tông, vua thứ năm triều Trần. Sử sách không ghi chép cha mẹ ông là ai. Tuy nhiên, có tài liệu nói phụ thân ông là danh tướng thời Trần Thái Tông là Lê Phụ Trần. Lê Phụ Trần lập công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, nên được vua gả công chúa Chiêu Thánh cho. Trần Bình Trọng có thể là con của Lê Phụ Trần với Lý Chiêu Hoàng.

Tháng 1/1285, 50 vạn quân Nguyên- Mông do Trấn Nam Vương Thoát Hoan, con trai của Hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt, cầm đầu chia quân làm hai cánh tấn công xâm lược Đại Việt. Quân Nguyên Mông là đạo quân cực kỳ thiện chiến, nhanh chóng chiếm ưu thế tuyệt đối trước quân Đại Việt, ít hơn và không quen chiến trận. Sau thất bại trong vài trận đánh mở màn, Tổng Tư lệnh quân Đại Việt, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quyết định lui quân về giữ Vạn Kiếp (nay thuộc vùng Vạn YênChí Linh, Hải Dương). Sau đó, quân Đại Việt lui về Thăng Long, nhưng cũng không giữ được trước sức tấn công ồ ạt của quân Nguyên.

Hưng Đạo Vương quyết định rút khỏi Thăng Long, lui về Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định). Trần Bình Trọng được Hưng Đạo Vương và hai vua Trần giao cho một nhiệm vụ nặng nề: giữ vùng Đà Mạc- Thiên Mạc, ngăn chặn và cầm chân quân Nguyên, đảm bảo cho bộ chỉ huy quân kháng chiến rút lui an toàn và bí mật, không để lại dấu vết.

Tư lệnh quân Nguyên là Thoát Hoan đặc biệt ưu tiên cho cánh quân truy đuổi này với hai đạo cả thủy lẫn bộ đều do những tướng giỏi, hữu thừa Khoan Triệt và tả thừa Lý Hằng cùng Ô Mã Nhi, chỉ huy, đều dùng quân khinh kỵ và thuyền nhẹ để truy đuổi bằng được hai vua Trần.

Trần Bình Trọng đã tổ chức cuộc đánh chặn ngay tại bãi Thiên Mạc. Do sự chênh lệch quá lớn về quân số, Trần Bình Trọng bị bắt, nhưng trận đánh là một thắng lợi cực kỳ quan trọng về mặt chiến lược với cuộc kháng chiến khi kể từ đó, quân Nguyên hoàn toàn mất dấu bộ chỉ huy kháng chiến.

* Anh dũng hy sinh:

Sau khi bắt được Trần Bình Trọng, tướng Nguyên tìm mọi cách để khai thác thông tin, dọa nạt, dụ dỗ ông. Tuy nhiên, Trần Bình Trọng kiên quyết không khuất phục. Khi được hỏi có muốn làm vương đất Bắc không, Trần Bình Trọng khẳng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi”.

Trần Bình Trọng được các sử gia đời sau đánh giá rất cao vì lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm, trở thành một ví dụ điển hình cho các cuộc kháng chiến chống phương Bắc sau này.

8. Trường Tiểu học Mỹ Hòa C

+ Hiện trạng: Trường Tiểu học Mỹ Hòa C, địa chỉ: ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; trường thành lập năm 1975.

+ Số lượng: 16 phòng; 21 giáo viên; 16 lớp học (khối 1: có 3 lớp; khối 2: có 3 lớp; khối 3: có 3 lớp; khối 4: có 4 lớp; khối 5: có 3 lớp), tổng số có 390 học sinh.

- Dự kiến đổi tên: Trường Tiểu học Trần Quang Diệu.

- Tiểu sử: Trần Quang Diệu (1760-1802) là danh tướng và trọng thần triều Tây Sơn. Chồng của nữ tướng Bùi Thị Xuân, tham gia phong trào Tây Sơn, tham dự trận đại phá quân Thanh- Xuân Kỷ Dậu. Năm 1789, được Quang Trung cử làm đốc trấn, trông coi việc xây dựng thành Phượng Hoàng trung đô. Năm 1790-1791, chỉ huy các cuộc đánh dẹp lực lượng chống đối của nhà Lê cũ. Bấy giờ, bọn hoàng thân Lê Duy Chỉ được một số tù trưởng Bảo Lạc (Hà Tuyên-Cao Bằng) và cả quốc trưởng Vạn Tượng (Lào) giúp đỡ, hoạt động khá mạnh mẽ. Trần Quang Diệu đã đánh tan quân Lê Duy Chỉ và các lực lượng cấu kết trên. Thời Quan Toản, ông là chủ tướng quan trọng nhất đánh thế lực Nguyễn Ánh, giữ phần đất phía Nam. Năm 1801, ông đánh chiếm lại thành Quy Nhơn nhưng không làm tội bọn lính trong thành, ngược lại cho chôn cất 2 viên tướng Ngô Tòng Chu và Võ Tánh tử tế. Năm 1802, ông dẫn tượng binh ra Nghệ An để lo chống giữ, bị bắt tại Thanh Chương, Nguyễn Ánh muốn chiêu dụ nhưng ông không chịu khuất phục Nguyễn Ánh đã giết ông.

9. Trường Tiểu học Đông Thạnh A

+ Hiện trạng: Trường Tiểu học Đông Thạnh A, địa chỉ: ấp Thạnh An, xã Đông Thạnh, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; trường thành lập năm 1995.

+ Số lượng: 16 phòng học; 14 phòng chức năng; 25 giáo viên; 16 lớp học (khối 1: có 3 lớp; khối 2: có 3 lớp; khối 3: có 3 lớp; khối 4: có 3 lớp: khối 5: có 4 lớp), tổng số có 500 học sinh.

- Dự kiến đổi tên: Trường Tiểu học Phan Văn Năm.

- Tiểu sử: Phan Văn Năm, tên thường gọi là Năm Thục, sinh năm 1918 tại làng Mỹ Thuận, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ, này là xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Ông là người theo Phật giáo Hòa hảo, năm 1947 tham gia lực lượng quân sự của Trần Văn Soái (Năm Lửa) nhưng bản thân ông lại có cảm tình với cách mạng.

Sau khi Ngô Đình Diệm thanh toán các lực lượng giáo phái không ăn cánh, ngày 5/6/1955 ông dẫn Tiểu đoàn 77 do chính ông chỉ huy ly khai chính quyền Ngô Đình Diệm mang toàn bộ vũ khí về với nhân dân tuyên bố chống Diệm cứu nước.

Tiểu đoàn 77 sau đó đổi tên thành Tiểu đoàn Trần Hưng Đạo rồi phát triển thêm hai tiểu đoàn là Tiểu đoàn Hoàng Hoa Thám và Tiểu đoàn Phan Đình Phùng, ông được phong làm “Tổng Tư lệnh liên quân giáo phái chống Mỹ-Diệm”.

Năm 1957 ông bị địch bắt cầm tù, năm 1958 được thả tự do, ông về tiếp tục hoạt động cách mạng.

Năm 1961 ông được bầu làm Ủy viên Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1967 do yêu cầu công tác ở huyện Bình Minh phát động nhân dân chống Mỹ-Diệm, chống âm mưu chia rẻ của địch, trên đường đi công tác về Bình Minh ông bị địch bắn và hy sinh, thọ 64 tuổi.

10. Trường Tiểu học Đông Thành A

+ Hiện trạng: Trường Tiểu học Đông Thành A, địa chỉ: ấp Đông Hòa 2, xã Đông Thành, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; trường thành lập ngày 15/11/2010.

+ Số lượng: 28 phòng; 16 giáo viên; 11 lớp học (khối 1: có 2 lớp; khối 2: có 2 lớp; khối 3: có 3 lớp; khối 4: có 2 lớp; khối 5: có 2 lớp), tổng số có 360 học sinh.

- Dự kiến đổi tên: Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi.

- Tiểu sử: Nguyễn Văn Trỗi (1940- 1964), quê ở làng Thanh Quít, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Là người đã thực hiện cuộc đánh bom không thành nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara. Bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa kết án tử hình, ông đã trở nên nổi tiếng với những lời tuyên bố nảy lửa và được tôn vinh như một người anh hùng trong Chiến tranh Việt Nam.

Ngày 17/10/1964, Nguyễn Văn Trỗi đã được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương thành đồng hạng nhất.

11. Trường Tiểu học Đông Thành C

+ Hiện trạng: Trường Tiểu học Đông Thành C, địa chỉ: ấp Hóa Thành 1, xã Đông Thành, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; trường thành lập năm 1998.

+ Số lượng: 14 phòng; 15 giáo viên; 10 lớp học (khối 1: có 2 lớp; khối 2: có 2 lớp; khối 3: có 2 lớp; khối 4: có 2 lớp; khối 5: có 2 lớp), tổng số có 274 học sinh.

- Dự kiến đổi tên: Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt.

- Tiểu sử: Lý Thường Kiệt (1019-1105), tên thật là Ngô Tuấn, người phường Thái Hòa, thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Là một danh tướng, làm quan đời nhà Lý có công đánh bại quân nhà Tống vào năm 1075-1077. Ngoài ra, năm 1069, ông theo vua Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành. Lý Thường Kiệt làm tiên phong đi đầu, truy bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Cuối cùng Chế Củ phải chịu hàng, dâng 3 châu để được tha về nước.

Lý Thường Kiệt là một nhà quân sự kiệt xuất, có tài thao lược lỗi lạc, phá Tống bình Chiêm, đánh đâu thắng đấy. Ông cũng là một nhà chính trị tài giỏi và ngoại giao xuất sắc. Về văn học, ông để lại cho đời bài thơ bất hủ Nam quốc sơn hà, tác phẩm nổi tiếng nhất đời Lý và bài hịch hùng tráng Phạt Tống lộ bố văn. Lý Thường Kiệt là một trọng thần đã trải qua ba triều vua (Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông), luôn luôn được triều đình tin tưởng, nể trọng.