Phải có cơ chế để xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp

Cập nhật, 17:09, Thứ Ba, 21/11/2017 (GMT+7)

Ngày 21/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, đại biểu cho rằng Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành còn nhiều bất cập, nhiều lỗ hổng nên việc ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết.

Đóng góp thêm cho dự án luật, về quy định công khai tài sản và kê khai tài sản, thu nhập, đối tượng kê khai tài sản… đại biểu đề nghị luật chỉ quy định những đối tượng giữ vị trí quan trọng ở địa phương và Trung ương.

Đồng thời, cần có quy định cụ thể việc xác minh tài sản lần đầu của tất cả các đối tượng này để có cơ sở dữ liệu theo dõi biến động tài sản hàng năm.

Theo nhiều đại biểu, điều quan trọng nhất trong thực hiện chủ trương kê khai tài sản là việc xử lý tài sản bất minh phát hiện thông qua xác minh.

Pháp luật hiện hành chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp, thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉ áp kỷ luật đối với chính người kê khai, chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ.

Một trong những kỳ vọng của cử tri đặt ra đối với việc sửa luật lần này đó là phải giải quyết được vấn đề nêu trên.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về quyền tiếp cận thông tin kê khai tài sản, thu nhập của cơ quan giám sát quyền lực, như đại biểu Quốc hội, HĐND, Ủy ban MTTQ, nhằm giúp việc giám sát được khách quan, kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

TÂM THI