Lấn chiếm đất công

Của chung, đừng biến thành của riêng!

Cập nhật, 13:22, Thứ Tư, 01/11/2017 (GMT+7)

Cơi nới diện tích đất ở, mở rộng diện tích sử dụng hay tự san lấp, bồi đắp kinh rạch, biến “của chung thành của riêng”... là tình trạng lấn chiếm đất công ở đô thị trong thời gian qua.

Để trả lại vẻ mỹ quan cho đô thị, đảm bảo an toàn, TP Vĩnh Long đã có nhiều biện pháp mạnh tay, kiên quyết xử lý các vi phạm này.

Đa số trường hợp lấn chiếm đất công là trên sông, kinh, rạch.
Đa số trường hợp lấn chiếm đất công là trên sông, kinh, rạch.

Còn phổ biến, phức tạp

Theo UBND TP Vĩnh Long, trong vài năm gần đây thì việc lấn chiếm kinh, rạch, đất công vẫn còn phổ biến và phức tạp.

Bên cạnh đó, các tuyến sông, kinh, rạch qua nhiều năm không được nạo vét, trong khi hàng năm việc bồi lắng tự nhiên liên tục, cộng thêm người dân tự san lấp, bồi đắp nên việc lấn chiếm xảy ra nhanh hơn và dễ hơn.

Một số các tuyến kinh, rạch bị lấn chiếm trên địa bàn các phường đã gây ô nhiễm môi trường từ nhẹ đến nặng- nhất là vào mùa nắng.

Không chỉ vậy, các hộ lấn chiếm chủ yếu là cơi nới diện tích đất ở, mở rộng diện tích sử dụng, đặc biệt có những hộ được bố trí tái định cư nhưng vẫn còn tái lấn chiếm sử dụng.

Theo Phòng Tài nguyên- Môi trường TP Vĩnh Long, nguyên nhân do chưa có quy định, phân cấp để xử lý, nên trong thời gian dài các hành vi lấn chiếm không được xử lý.

Chính quyền địa phương quản lý không chặt chẽ, chưa ngăn chặn kịp thời và chưa giải quyết triệt để khi phát hiện các hộ dân xây dựng lấn chiếm sông, rạch, đất công cộng.

Đến nay, tình trạng lấn chiếm đất công ở TP Vĩnh Long đã được cải thiện đáng kể, ý thức chấp hành quy định pháp luật của người dân được nâng lên, tình trạng tái lấn chiếm không còn nhiều.

Bà Lê Thị Kiều Oanh- Phó Chủ tịch UBND Phường 4 (TP Vĩnh Long)- cho hay: Đa số các trường hợp lấn chiếm là ở các sông, kinh, rạch.

Đối với các trường hợp lấn chiếm dòng chảy ảnh hưởng đến lưu thông, môi trường, phường vận động người dân tự tháo dỡ để nước thông chảy.

Các trường hợp cho hợp thức hóa và sử dụng, người dân phải viết cam kết, khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng thì người dân trả lại. Qua vận động, tuyên truyền người dân đã tự giác chấp hành tốt, không tái lấn chiếm.

Kiên quyết xử lý đến nơi, đến chốn

Cần tăng cường kiểm tra xử lý các trường hợp lấn chiếm đất công, vỉa hè trong xây dựng nhà ở đô thị.
Cần tăng cường kiểm tra xử lý các trường hợp lấn chiếm đất công, vỉa hè trong xây dựng nhà ở đô thị.

Ông Nguyễn Trung Kiên- Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long- đã giao nhiệm vụ cho từng đơn vị tập trung giải quyết, kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn.

Đối với trường hợp lấn chiếm xây dựng nhà ở, công trình vật kiến trúc khác thì Phòng Quản lý đô thị xem xét xử lý buộc tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu.

Đối với các tuyến kinh rạch, Phòng Kinh tế thành phố phối kết hợp UBND phường- xã khảo sát, quy hoạch, có phương án khôi phục lại hiện trạng ban đầu nhằm vừa đảm bảo vệ sinh môi trường- cảnh quan đô thị, đáp ứng việc tưới tiêu và thoát nước cụ thể.

Trường hợp là đất trống, đất nông nghiệp thì phường- xã buộc các hộ phải viết cam kết đặt cống (khi cần thiết) để đảm bảo cho việc thoát nước và cam kết khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng đất (thực hiện dự án/công trình) thì các hộ tự tháo dỡ di dời không bồi thường đất và tài sản nếu có đối với các hộ lấn chiếm chưa làm ảnh hưởng.

Đối với các hộ lấn chiếm làm ảnh hưởng đến việc thoát nước, dòng chảy và gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con trong khu vực và các hộ lấn chiếm mới, phải kiên quyết xử lý dứt điểm...

Tình trạng lấn chiếm đất công không thể xử lý dứt điểm trong một ngày một bữa mà cần một quá trình lâu dài, sự vào cuộc của ngành chức năng và ý thức chấp hành của người dân.

Tính đến tháng 8/2017, TP Vĩnh Long có 1.790 trường hợp lấn chiếm, diện tích gần 75.000m2, bao gồm lấn chiếm đất công cộng 1.715 trường hợp, diện tích gần 68.000m2 và lấn chiếm đất công (do cơ quan, tổ chức quản lý) 75 trường hợp, diện tích trên 7.300m2.

Để giải quyết tình trạng lấn chiếm đất công, Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long đã giao cho UBND 11 phường- xã kiên quyết xử lý dứt điểm, nếu cần thiết thì thực hiện cưỡng chế để răn đe.

Đến nay, đã xử lý được gần 1.700 trường hợp với 66.042m2, tạm thời cho tồn tại (chủ sử dụng đã làm cam kết): 1.349 trường hợp, diện tích 50.790m2; đã xem xét cho hợp thức hóa 244 trường hợp, diện tích 9.156m2; chủ sử dụng đã tự khắc phục tháo dỡ 94 trường hợp, diện tích 5.894m2; đã xử phạt vi phạm hành chính 2 trường hợp. Đã bố trí vào khu vượt lũ 7 trường hợp, UBND 7 phường, 4 xã đang tiếp tục xử lý 94 trường hợp.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN