Quy định rõ hơn về quản lý cán bộ khi đi học ở nước ngoài

Cập nhật, 16:07, Thứ Sáu, 27/10/2017 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Đại biểu Trần Văn Rón, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đề nghị cần quy định rõ hơn một số điều khoản của dự án luật.

Theo đó, đối với trường hợp cán bộ, đảng viên được đưa đi học tập tại nước ngoài cần được quy định rõ hơn về cách thức quản lý giữa địa phương với các Đại sứ quán ở nước đó.

Hiện nay, bản thân tôi còn băn khoăn việc cán bộ, đảng viên đi học chưa được quản lý chặt chẽ, luật cần quy định khi cán bộ, đảng viên được đưa đi học thì được quản lý như thế nào, kết quả học tập ra sao, rồi hoạt động của cá nhân đó ở nước ngoài ra sao… 

Một vấn đề nữa là hiện nay, các địa phương đang có nhu cầu liên hệ với các nước để xúc tiến đầu tư nhưng cách thức quan hệ như thế nào, thời gian ra sao, việc tạo điều kiện của các sứ quán với địa phương ra sao vẫn chưa được quy định cụ thể.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long có tham gia một số đoàn đi công tác nước ngoài và được các sứ quán tạo điều kiện rất tốt, nhưng đó chỉ là cách quan hệ bình thường để làm việc, còn quy trình để thực hiện như thế nào thì chưa rõ lắm.

Một vấn đề nữa cần nghiên cứu là luật quy định Đại sứ khi hết nhiệm kỳ thì phải về nước, nhưng đối với những trường hợp trong giai đoạn giao thời, nghĩa là Đại sứ hết nhiệm kỳ về nhưng thủ tục người mới chưa được chấp nhận thì xét về mặt ngoại giao ta sẽ gặp bất lợi.

Nên chăng, đối với những trường hợp đó cần quy định là trường hợp đặc biệt có thể kéo dài thời hạn của người cũ để hoàn thành thủ tục của người mới.

Ngoài ra, tôi cũng đồng tình với các quy định là những trường hợp thâm niên, có kinh nghiệm, chuyên môn và những trường hợp đó khi ở lại sẽ có lợi cho quê hương đất nước thì được kéo dài thời gian công tác.  

TÂM- THI (ghi)