Sách- Bạn của mọi người

Cập nhật, 14:02, Thứ Bảy, 23/04/2016 (GMT+7)

Đọc sách không chỉ để tiếp thu kiến thức mà còn là để hoàn thiện nhân cách, đạo đức của con người. Việc đọc sách còn rèn luyện cho ta những kỹ năng, tình cảm và thói quen hữu ích khác.

Từ xưa đến nay, sách vẫn luôn là nguồn tri thức bất tận của con người, mở ra những chân trời mới. Sách chính là người bạn đồng hành thân thiết, không phân biệt giới tính, tuổi tác…

Sách là người bạn đồng hành của mỗi người.
Sách là người bạn đồng hành của mỗi người.

Sách cho mọi người

Trong đời sống, có rất nhiều người xem sách như người bạn lớn của mình. TS. Cao Hùng Phi, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long dành một góc trang trọng trong phòng khách của mình cho tủ sách.

Những quyển sách chuyên ngành ôtô, cơ khí… được chất ngay ngắn. Nhiều quyển đã phai màu, sờn gáy chứng tỏ đã được đọc rất nhiều, nhưng vẫn được giữ thẳng thớm.

TS. Cao Hùng Phi cho biết: “Bất kỳ ngành khoa học nào cũng cần có sách để nghiên cứu. Muốn làm một việc gì cũng cần có kiến thức cơ bản và theo tôi, sách trước hết cho ta nền kiến thức ấy”.

PGS.TS. Nguyễn Kim Châu- Phó trưởng Khoa Khoa học- Xã hội và Nhân văn Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, dù học xã hội hay tự nhiên thì việc đọc sách là rất cần: “Tôi biết rất nhiều thầy cô dạy Toán, Lý, Hóa,... nhưng rất mê đọc sách, nhớ được rất nhiều tác phẩm, thuộc nhiều bài thơ hay, đọc vanh vách. Tác phẩm mới ra là đọc ngay, say sưa lắm”.

Đọc sách ngoài giúp sinh viên mở mang kiến thức còn giúp giải trí, thư giãn. Em Nguyễn Thị Huỳnh Trang- sinh viên ngành công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- cho biết: “Em học năm nhất và đã làm thẻ thư viện được mấy tháng nay.

Thầy Nguyễn Hồng Phước- Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: “Trường chúng tôi vừa tổ chức xong Ngày Sách Việt Nam với chủ đề góp 1 quyển sách để được đọc nhiều quyển sách. Qua đó, chúng tôi đã nhận được 876 quyển sách về cho thư viện trường”.

Mỗi tuần em dành thời gian đi thư viện một lần”. Mỗi tuần 2 quyển sách là tiêu chí mà Trang đưa ra. Trong đó, em chọn một quyển giúp ích cho ngành học và một quyển để thư giãn.

Không chỉ lực lượng trí thức mới đọc sách mà các chị em nội trợ, bác nông dân cũng tìm đến sách như người bạn đồng hành. Chị Cao Thị Thúy Kiều- nội trợ ở Phường 8 (TP Vĩnh Long) có riêng một giá sách cho mình.

Chị vui vẻ: “Tôi thích đọc sách lịch sử, địa lý và những loại khác như “Hạt giống tâm hồn””. Mỗi ngày, chị Kiều dành từ 1-3 giờ cho việc đọc sách, chị cho rằng sách đã giúp chị học hỏi nhiều, biết nhiều hơn.

Đối với các em thiếu nhi thì truyện tranh chính là một kho tàng, là nơi các em vẽ ước mơ. Em Trần Tân Tiến- học sinh Trường THCS Cái Ngang (Tam Bình) vui vẻ: “Em thích đọc truyện và em mong lớn lên sẽ phát minh được nhiều thứ như đồ dùng của Đô Rê Mon vậy”.

Cũng vì tình yêu sách này của nhiều người, mà Thư viện tư nhân Tứ Hưng ở Ấp 8 (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) ra đời để làm cầu nối cho bạn đọc đến với sách.

Chú Huỳnh Tấn Hưng- Chủ thư viện cho biết: “Chúng tôi hiện có hơn 7.500 đầu sách với nhiều loại khác nhau, đáp ứng mọi bạn đọc, tăng khoảng 1.500 quyển so năm trước”.

Đánh thức văn hóa đọc

Song, trong khi có nhiều người yêu sách thì cũng có một thực tế là thư viện ngày càng vắng người và ngay cả những sinh viên xã hội cũng ít đọc sách hơn.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Trang- Cửa hàng trưởng cửa hàng sách Fahasa Vĩnh Long: Phối hợp thực hiện Ngày Sách Việt Nam, nhà sách chúng tôi đã chuẩn bị khoảng 2.000 quyến sách giảm giá từ 10- 50% dành cho các ngày triển lãm ở Quảng trường TP Vĩnh Long từ 22- 24/4 này.

Theo Thư viện tỉnh Vĩnh Long, khoảng chục năm gần đây, số bạn đọc đến thư viện ít dần, nguyên nhân là do có nhiều kênh thông tin và chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể “online” mọi lúc, mọi nơi. 

Bà Dương Thị Ngọc Lệ- Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Trong năm 2015, thư viện mở cửa 3 ca/ngày (đến 20 giờ 30 phút) để phục vụ nhưng số lượt bạn đọc đến thư viện giảm nhiều, theo thống kê có khoảng 40- 50 lượt bạn đọc/ngày. Con số này đã bao gồm hết các phòng: phòng mượn, phòng đọc và phòng máy”.

Trong khi đó, Thư viện tỉnh hiện có hơn 180.000 đầu sách, rất phong phú về thể loại.

Nói về chuyện ít đọc sách, bạn Trần Nhật Phi- cựu sinh viên ngành cơ khí, Trường ĐH Cần Thơ nói: “Trong suốt thời gian học, tôi chỉ đi thư viện để dùng máy tính đăng ký môn học, bạn bè trong lớp tôi cũng vậy thôi. Tôi nghĩ, các bạn học tự nhiên thì đọc giáo trình là đủ rồi”.

Nói về sinh viên ngành Văn cũng lười đọc sách, thầy Nguyễn Kim Châu chia sẻ: “Rất buồn, khi hỏi lớp Văn về những tác phẩm phổ biến nhất hiện nay thì các em lại không biết”.

Vì vậy, việc rèn kỹ năng đọc sách cho các bạn trẻ, học sinh là rất cần thiết bởi không chỉ giúp cho việc học tập mà còn giúp trẻ hạn chế tiếp xúc với những trang web xấu,…

Chị Lê Thị Thùy Dung (TP Vĩnh Long) đang chờ con trai lựa sách ở Cửa hàng Fahasa Vĩnh Long nói: “Con trai tôi mê đọc sách lắm. Từ khi cháu mới đánh vần tôi đã mua truyện về cho cháu tập đọc, giải thích cho cháu hiểu nội dung. Tôi và chồng tôi cũng đều thích đọc sách”.

Để khuyến khích phong trào đọc sách, và hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, UBND tỉnh Vĩnh Long đã quyết định tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3/2016. Đây là việc làm khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách, phát triển phong trào đọc sách hướng đến xây dựng một xã hội học tập.

PGS.TS. Nguyễn Kim Châu- Phó trưởng Khoa Khoa học- Xã hội và Nhân văn Trường ĐH Cần Thơ chia sẻ kinh nghiệm chọn sách: 1. Xem tên tác giả có phải là người có uy tín trong lĩnh vực đó không; 2. Chọn nhà xuất bản có uy tín; 3. Xem mục lục, nắm tổng thể những nội dung được trình bày có phù hợp với những vấn đề mà mình đang nghiên cứu không, có cần phải lưu trữ trong nhà hay chỉ cần đến thư viện tra cứu khi cần thiết, từ đó mới quyết định mua hay không; 4. Xem giá tiền có phù hợp với mình không.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN