Tòa án không được quyền từ chối án dân sự khi chưa có điều luật áp dụng

Cập nhật, 13:22, Thứ Ba, 27/10/2015 (GMT+7)

Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng và vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự là những vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận dự án Bộ Luật tố tụng dân sự.

Đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Long trao đổi tại hành lang hội trường Quốc hội.
Đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Long trao đổi tại hành lang hội trường Quốc hội.

Được áp dụng tập quán, lẽ công bằng trong xét xử

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đóng góp về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp ở các Điều 4,43, 44, và 45, trong đó có quy định “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.

Đại biểu cho rằng, đây là nội dung rất mới, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay.  Đó cũng là căn cứ để tòa án nhận đơn, thụ lý vụ việc và tiến hành giải quyết những tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội mà pháp luật chưa thể dự liệu. Đồng thời, tạo điều kiện cho tòa án vận dụng nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật, phong tục tập quán, nguyên tắc công bằng thông lệ quốc tế... để phán quyết, chấm dứt tranh chấp.

Ông Huỳnh Nghĩa- đại biểu TP Đà Nẵng cho rằng, trong điều kiện các quan hệ xã hội biến đổi liên tục thì quy định này góp phần mở đường cho việc hình thành án lệ. Hơn nữa quy định này sẽ khuyến khích các thẩm phán nâng cao khả năng vận dụng sáng tạo pháp luật, bám sát yêu cầu của xã hội, không máy móc, rập khuôn để tránh vụ việc tranh chấp kéo dài trong nội bộ nhân dân.  

Theo nhiều đại biểu, Bộ Luật Dân sự hiện hành chưa tạo được cơ chế pháp lý đầy đủ, khả thi để TAND thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiến định của mình trong công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền con người, quyền công dân về dân sự.

Nhất là khi không có điều luật để giải quyết các vụ việc dân sự, tình trạng từ chối thụ lý vụ án chỉ vì không có quy định hướng dẫn diễn ra khác phổ biến trong hoạt động xét xử của tòa án khiến cho quyền dân sự của người dân đã không được tôn trọng và bảo về kịp thời.

Đại biểu Hà Thị Lan (tỉnh Bắc Giang) cho rằng, việc bổ sung nguyên tắc này là cần thiết, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của TAND là cơ quan thực hiện xét xử và thực hiện quyền tư pháp đảm bảo cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013. Quy định này cũng góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong trường hợp có tranh chấp mà chưa có pháp luật để điều chỉnh.

Đại biểu Trần Hồng Hà (tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị, trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định đầy đủ để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội, khi đó các tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì cần thiết phải có quy định cho phép tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý vụ án.  

Nếu Bộ Luật tố tụng dân sự không quy định thẩm quyền này cho tòa án thì tòa án phải từ chối thụ lý và giải quyết. Việc tòa án từ chối thụ lý giải quyết các tranh chấp dân sự sẽ không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Không bảo đảm yêu cầu tòa án là chỗ dựa của công dân trong việc bảo vệ công lý theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ chính trị về cải cách tư pháp và không phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tòa án theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng với dự thảo luật. Đại biểu Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) băn khoăn, khi chúng ta có luật rồi, có thể xảy ra việc xử rất nhiều vòng tố tụng, hết sơ thẩm lên phúc thẩm lại quay lại một vòng tố tụng. Bây giờ sơ thẩm cho thế là lẽ công bằng, lên phúc thẩm không phải lẽ công bằng lại hủy, cuối cùng người dân lại một vòng tố tụng nữa. Như vậy người dân phải tham gia rất nhiều vòng tố tụng.  

Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (tỉnh Vĩnh Long) đề nghị nên có quy định một chuẩn mực pháp luật, vì trong quá trình xét xử các thẩm phán có quyền xét xử độc lập, do đó cần có chuẩn mực để tránh cái chủ quan.

Ngoài ra, cần có khung pháp lý nhất định mà thẩm quyền đó phải có hướng dẫn của tòa tối cao hoặc nghị quyết của Ban Thường vụ Quốc hội để tránh sự chủ quan, suy đoán không thống nhất của hệ thống pháp luật dễ dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân không được bảo đảm.

Đại biểu Vũ Xuân Trường (tỉnh Nam Định) cho rằng, khi áp dụng về tập quán và lẽ công bằng, đề nghị Thường vụ Quốc hội cần phải cụ thể hóa và có một chế định tương đối rõ ràng, rằng buộc trong một khuôn khổ nhất định trong 2 chế định này.

Đại biểu Trần Đình Nhã (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đề nghị trong khi chúng ta đang còn băn khoăn thì không nên giao việc này cho tất cả các tòa án mà giao cho Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Khi xuất hiện những việc này thì các tòa án không được quyền từ chối, chuyển lên TAND tối cao và Hội đồng thẩm phán sẽ xem xét và phán quyết.

* Viện kiểm sát chỉ nên thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp

Về vai trò của viện kiểm sát trong tham gia xét xử cũng được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Giàng Thị Bình (tỉnh Lào Cai) cho rằng, về vị trí, vai trò, sự tham gia vào việc phát biểu quan điểm của VKSND (quy định tại Điều 46, 57, 58), đề nghị cần tiếp tục khẳng định Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng. Bởi lẽ, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014 đều quy định viện kiểm sát là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Trên thực tế, hiện nay viện kiểm sát thực hiện quyền kiểm soát giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, các vụ việc dân sự, án kinh doanh thương mại, lao động. Ngoài quyền kiểm soát hoạt động tư pháp, viện kiểm sát còn phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

Việc phát biểu quan điểm của viện kiểm sát về hướng giải quyết vụ án theo nhiều đại biểu không làm ảnh hưởng đến tính quyết định giải quyết vụ án của tòa án nên không ảnh hưởng gì đến tính độc lập trong xét xử của tòa án.  

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng quy định như thế là chưa phù hợp. Đại biểu Trần Hồng Hà (tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, nói đến hoạt động công tố là nói đến trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, còn đối với các vụ án dân sự hành chính thì chức năng của viện kiểm sát là chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp.

Vì vậy, viện kiểm sát không tiến hành tố tụng và không thực hiện bất kỳ một giai đoạn tố tụng dân sự nào trong việc giải quyết các loại vụ án này mà chỉ thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết của tòa án và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (tỉnh Vĩnh Long), đề nghị quy định vai trò của viện kiểm sát trong phiên tòa sơ thẩm chỉ được quyền phát biểu và kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự, không phát biểu đề xuất quyết định giải quyết vụ án. Bởi vì, đây là án dân sự mà viện kiểm sát không tham gia đủ quá trình tố tụng.  

Theo nhiều đại biểu, việc xác định VKSND là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự là phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 và phù hợp với luật tổ chức VKSND 2014 và thể hiện rõ việc tổ chức thực hiện cơ chế phân công phối hợp kiểm soát quyền lực theo Hiến pháp 2013.

Bài, ảnh: BÙI THANH