Có một ngày cho sách

Cập nhật, 06:28, Chủ Nhật, 20/04/2014 (GMT+7)

Từ thuở hồng hoang, khi con người thấy mình “không giống” với những loài động vật khác, thì người đã biết vẽ hoặc ghi lại những ký hiệu thể hiện hoạt động, cảm xúc, tư duy của mình trên vách đá, trên thân cây hay ống nứa. Với bấy nhiêu đó, “Người” đã vượt lên một khoảng cách rất xa.

Hàng ngàn năm qua, từ những “cuốn sách” bằng da hay bằng vỏ tre, thếp lá, cho đến ngày nay, đã chứng minh rằng không có gì chứa đựng nhiều trí tuệ hơn, nhiều cung bậc cảm xúc hơn và nhiều suy nghĩ hơn sách. Sách là người bạn thủy chung, sâu sắc, là người thầy tận tâm, tận lực. Sách là nơi ghi lại và chia sẻ giữa con người với con người.

Sách thật sự là tài sản vô giá. Nhà văn M.Gorki đã nói: “Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú và đến gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát cuộc sống”.

Nói về sách, dẫu là nhà thơ hay nhà khoa học, dẫu là học giả phương Tây hay hiền triết phương Đông, đều hết lòng đề cao. Sách thật sự là “cây đèn thần soi sáng cho con người trên những nẻo đường xa xôi nhất và tăm tối nhất của cuộc đời”.

Nhà thơ Cao Bá Quát nhắc nhở: “Người xưa đã đem tâm trí đúc chuốt thành lời hay ý đẹp để chắp lông chắp cánh cho văn chương, ta mà lại coi thường được sao”. Trong khi đại thi hào Nguyễn Du bày tỏ tình yêu sách một cách “rất Nguyễn Du”: “Sách vở đầy bốn vách/ Có mấy cũng không vừa”.

Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa đọc có thể giúp cho mỗi cá nhân có một cuộc sống trí tuệ đẹp đẽ, ý nghĩa, hạnh phúc và hài hòa hơn. Đối với trẻ em, sách báo giúp các em tiếp thu dần những tri thức cần thiết trong đời sống, góp phần giáo dục thẩm mỹ, tính nhân văn và bổ sung việc học ở trường.

Đọc đang có nhiều cơ hội phát triển, bởi mỗi người đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ và được quyền lựa chọn. Nhưng đọc cũng đang gặp nguy cơ, bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn ngày càng đa dạng và hấp dẫn.

Năm nay, lần đầu tiên, rất vui mừng chào đón Ngày sách Việt Nam, ngày 21/4. Chấn hưng và phát triển văn hóa đọc là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược trong việc nâng cao dân trí của quốc gia!

vPHƯƠNG NAM