Công viên gốm, đường gốm ở “vương quốc gạch gốm”- tại sao không?

Cập nhật, 08:02, Thứ Bảy, 08/02/2014 (GMT+7)


Một số mẫu gốm mỹ thuật Vĩnh Long.

Nhằm có kế hoạch dài hạn cho phát triển đô thị tỉnh nhà và có bước chuẩn bị cho sự kiện 100 năm ngày sinh nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Vĩnh Long cần có một công trình kiến trúc “để đời” mang tên Võ Văn Kiệt và khánh thành nhân dịp sinh nhật thứ 100 của ông.

Công trình này có thể là công viên gốm, đường gốm đặc thù cho một “vương quốc gạch gốm” mà có lẽ ở Việt Nam chưa nơi nào có.

Đô thị loại III cần có: “Kiến trúc, cảnh quan đô thị: thực hiện xây dựng phát triển đô thị theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Các khu đô thị mới phải đạt tiêu chuẩn đô thị kiểu mẫu và trên 40% các trục phố chính đô thị phải đạt tiêu chuẩn tuyến phố văn minh đô thị, có các không gian công cộng, phục vụ đời sống tinh thần nhân dân và có công trình kiến trúc tiêu biểu mang ý nghĩa vùng hoặc quốc gia” (trích mục 6, Điều 12, Nghị định 42/2009/NĐ-CP ngày 7/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ).
 
Vĩnh Long là đô thị loại III mà vẫn chưa có công trình kiến trúc tiêu biểu như đã nói ở trên. Thời gian qua, Vĩnh Long kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư- Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, 90 năm ngày sinh của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà chưa có chuẩn bị trước công trình khánh thành cho các sự kiện này.

Năm 2022, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, để tạo dấu ấn cho nhiệm kỳ, điểm nhấn cho đô thị, góp phần tôn tạo mỹ quan đô thị, phát triển, thu hút du lịch, quảng bá sản phẩm gạch gốm và cũng tranh thủ được vốn cho các sự kiện của Trung ương, Vĩnh Long cần có công trình độc đáo để thỏa mãn các nhu cầu trên.

Kè Cổ Chiên khu vực Phường 9 với sự “giải tỏa trắng” từ Báo Vĩnh Long đến Công ty CP Xăng dầu- Dầu khí Vĩnh Long. Từ đó, tôi thiết nghĩ, đối diện Tỉnh ủy nên hình thành công viên gốm, xây dựng tượng của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt bằng gốm.
 
Dọc theo bờ kè về phía hạ lưu, xây dựng con đường gốm (tương tự như đường gốm Nguyễn Huệ ở TP Hồ Chí Minh năm 2006) sẽ phù hợp quy hoạch, tôn tạo thêm cảnh quan cho khu vực Tỉnh ủy, cho du khách tham quan…

Có thể xã hội hóa một phần bằng cách kêu gọi các doanh nghiệp gốm (như Doanh nghiệp Tân Hiệp Phát 2) tham gia quảng bá sản phẩm theo thiết kế chung của dự án.

Dự án có thể bắt đầu xin chủ trương từ năm 2014, thi tuyển kiến trúc, hoàn thành hồ sơ thiết kế và phê duyệt năm 2017, 2018 đấu thầu và khởi công, để đến năm 2022 khánh thành nhân dịp 100 năm ngày sinh của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Công trình hoàn thành sẽ giải được bài toán đa mục tiêu là tạo dấu ấn cho nhiệm kỳ, tôn tạo cảnh quan, không gian công cộng, phục vụ đời sống tinh thần nhân dân, có công trình kiến trúc tiêu biểu mang ý nghĩa vùng (phù hợp Nghị định 42), tạo điểm nhấn mỹ quan đô thị, thu hút khách du lịch, quảng bá gạch gốm, để cho đời sau một di tích lịch sử và khẳng định sản phẩm độc quyền cho vương quốc gạch gốm Vĩnh Long.

Bài, ảnh: VĂN HỮU HUỆ