Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Bước đầu trên chặng đường dài đến hòa bình

Cập nhật, 16:42, Thứ Năm, 14/06/2018 (GMT+7)

 

Hình ảnh trong Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ngày 12.6. Ảnh: ST
Hình ảnh trong Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ngày 12.6. Ảnh: ST

Mỹ và Triều Tiên thiết lập quan hệ mới. Hai bên sẽ cùng nỗ lực xây dựng một nền hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Cam kết trao trả hài cốt tù nhân chiến tranh, bao gồm hồi hương ngay những hài cốt đã được xác định.

Bước đi đầu tiên đầy ý nghĩa

Có 4 nội dung chính được lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên ký kết trong tuyên bố chung sau cuộc gặp ngày 12/6 trên hòn đảo mang tên hòa bình Sentosa, Singapore. Báo chí Triều Tiên ngày 13/6 gọi Hội nghị Thượng đỉnh với Mỹ là “cuộc gặp thế kỷ” và là 1 thắng lợi cho Bình Nhưỡng, nhấn mạnh rằng, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ ý định ngừng các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn, đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và dỡ bỏ trừng phạt khi quan hệ được cải thiện.

Nhiều nhà quan sát, trong đó có một số nhà lãnh đạo thế giới cho biết, đây là bước đầu tiên, bước đi có ý nghĩa trong hành trình dài mà đích đến là khiến thế giới an toàn hơn.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau 7 giờ hội đàm với lãnh đạo Triều Tiên, ông Donald Trump nói: “Đây là là 1 ngày tuyệt vời trong lịch sử thế giới”. “Chủ tịch Kim đang về Triều Tiên và ngay khi trở về, ông ấy sẽ bắt đầu tiến trình để mọi người được an toàn hơn” - Tổng thống Mỹ nói thêm.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ca ngợi Hội nghị Thượng đỉnh Triều Tiên-Mỹ ngày 12/6 là “sự kiện lịch sử “khai tử” cuộc chiến tranh lạnh cuối cùng trên thế giới “ và là 1 “chiến thắng vĩ đại Mỹ-Hàn Quốc-Triều Tiên đạt được”.

Trong cuộc gặp Thượng đỉnh, ông Kim Jong-un cũng tuyên bố, thỏa thuận được ký kết là 1 khởi đầu mới và “thế giới sẽ chứng kiến sự thay đổi lớn lao”.

Trong lời chúc mừng lãnh đạo Mỹ - Triều về tuyên bố chung tại Thượng đỉnh, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng: “Đây là động thái quyết định đầu tiên trong hành trình dài hướng tới hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”.

Những vấn đề còn mơ hồ

Trong bài viết đánh giá về Thượng đỉnh Mỹ - Triều, cây viết Rahul Pathak của Straits Times có đoạn: “Tối qua, ông Trump và ông Kim đã lên máy bay trở về nước, chuẩn bị cho bước tiếp theo trên con đường dài, có lúc gập ghềnh, để đi đến hòa bình”.

Các cường quốc từ Trung Quốc đến Nhật Bản, Liên minh Châu Âu và Nga đều hoan nghênh kết quả cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều, đồng thời cảnh báo, đó chỉ là bước đầu tiên hướng tới giải quyết vấn đề hạt nhân ở Bình Nhưỡng - AFP cho hay.

Chuyên gia Melissa Hanham - Trung tâm Nghiên cứu hạn chế các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt - có trụ sở tại Mỹ nhận định, 2 bên “vẫn chưa thống nhất về khái niệm phi hạt nhân hóa”.

Theo Straits Times, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc nhưng vẫn còn những vấn đề chính chưa được giải quyết, không có khung thời gian cho việc phi hạt nhân hóa cũng như chưa nhấn mạnh tiến trình này cần phải đảm bảo yếu tố có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Donald Trump cho biết, việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên cần toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. “Tôi sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận nào nếu họ không đồng ý với điều đó” - ông nói.

Về khung thời gian để Triều Tiên tháo dỡ vũ khí, Tổng thống Donald Trump cũng từ chối ấn định ngày cụ thể. “Chúng tôi sẽ làm điều đó nhanh như có thể tiến hành về mặt cơ học và vật lý. Có thể cần 1 thời gian dài” - ông nói.

Sau Thượng đỉnh ở Singapore, Mỹ tuyên bố dừng tập trận quân sự chung với Hàn Quốc - diễn biến khiến một số nhà quan sát bất ngờ. “Các cuộc tập trận quân sự mà chúng tôi tiến hành rất tốn kém... Đó là một tình thế rất khiêu khích (với Triều Tiên). Chúng tôi cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền”- ông Donald Trump nói.

Việc kết thúc các cuộc tập trận chung “vượt quá những kỳ vọng chung, yêu cầu của Hàn Quốc, và thậm chí cả sự tính toán kỹ lưỡng của Triều Tiên”, chuyên gia Adam Mount - Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ - nhận định.

Đáp lại thông tin về quyết định bất ngờ của ông Donald Trump, Nhà Xanh cho biết hôm 13.6, việc dừng các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ có thể cần thiết để xúc tiến các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên - theo Yonhap.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho rằng, các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn và quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc có vai trò “sống còn” với an ninh Đông Á.

Theo AFP, các chuyên gia an ninh cảnh báo, việc giảm hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Á sẽ thay đổi cân bằng sức mạnh trong khu vực khi Trung Quốc đang cải tổ quân sự với tốc độ nhanh chóng.

Theo THANH HÀ (LĐO)