Người Vĩnh Long trong tâm dịch

Cập nhật, 22:14, Chủ Nhật, 08/08/2021 (GMT+7)

“Sài Gòn là nơi cưu mang mình

Vĩnh Long là quê hương mình”

Mở đầu câu chuyện bằng lời trải lòng về mảnh đất mình đang lập nghiệp, nỗi nhớ quê của những người Vĩnh Long đang trong tâm dịch đều nén lại phía sau lời hẹn: “Hết dịch con sẽ về”

Lý Hoàng Duy đang làm công tác tình nguyện tại một điểm tiêm chủng.
Lý Hoàng Duy đang làm công tác tình nguyện tại một điểm tiêm chủng.

Những người chọn ở lại

Đang là những ngày rất khác, vắng lặng, ngổn ngang âu lo và chịu nhiều tổn thất vì đại dịch COVID-19… Nhưng trong khó khăn chưa từng có, thành phố mang tên Bác vẫn vững niềm tin trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Những liều “vắc xin của tình yêu thương” đã giúp lòng người có thêm sức mạnh, thêm ý chí để trụ lại ở TP Hồ Chí Minh, nơi đã cưu mang bao người và cho họ cơ hội mưu sinh, học tập, phát triển cuộc sống tốt hơn. Và đây là lúc, có những người đã chọn ở lại vùng tâm dịch để cùng góp sức mình vào trận chiến lớn.

Huỳnh Ngư- nữ kỹ thuật viên gây mê hồi sức của Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương- vừa trải qua 30 ngày chống dịch nơi tuyến đầu tại bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ. Cô gái quê Vĩnh Long này đã xung phong ngay khi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có lệnh điều động vào đầu tháng 6. Kết thúc một đợt hỗ trợ, Huỳnh Ngư trở về cách ly để tiếp tục làm nhiệm vụ chống dịch ngay tại đơn vị mình công tác.

Huỳnh Ngư chăm sóc các bé ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt: mẹ nhiễm SARS-CoV-2.
Huỳnh Ngư chăm sóc các bé ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt: mẹ nhiễm SARS-CoV-2.

Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương là nơi đầu tiên có riêng một khu vực dành cho những sản phụ nhiễm SARS-CoV-2 với quy mô 120 giường. Có những em bé đã chào đời bình an trong những ngày gian nan này. Từ tâm dịch, tiếp nhận tình mẫu tử thiêng liêng, hạnh phúc như vốn có…

Tham gia vào những ca mổ trong hoàn cảnh đặc biệt mẹ nhiễm SARS-CoV-2, Huỳnh Ngư chia sẻ: “Tất cả sản phụ đến đây đều không có người nhà, chỉ có nhân viên y tế là người thân, chỉ có Khoa COVID Bệnh viện Hùng Vương là ngôi nhà, nên chúng tôi luôn cố gắng hết mình để mẹ tròn con vuông. Sau khi sản phụ vượt cạn thành công thì em bé đến Khoa Nhi được nữ hộ sinh chăm sóc, còn mẹ thì điều trị ở Khoa COVID. Người nhà của bé nếu F0 thì cũng đi điều trị, còn âm tính thì cũng là F1 phải đi cách ly, nên Khoa Nhi sẽ hỗ trợ chăm sóc bé đến khi nào gia đình ổn, khỏe mới đến nhận bé về”.

Cũng có mặt trong lực lượng tuyến đầu, cô bác sĩ nhỏ nhắn Nguyễn Thùy Ái Châu (quê Vĩnh Long) đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 1, cơ sở 2, đặt trong khuôn viên Trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thùy Ái Châu- bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh- đang làm nhiệm vụ chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 1, cơ sở 2.
Nguyễn Thùy Ái Châu- bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh- đang làm nhiệm vụ chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 1, cơ sở 2.

Ái Châu đang có những ngày xa nhà để tham gia chống dịch. Dù gia đình nhiều nỗi âu lo, nhưng những người trẻ vẫn lạc quan, tích cực, cùng giữ niềm tin về một ngày bình yên không xa. “Hiện tại mình công tác ở Bệnh viện dã chiến 4 tuần rồi, lâu rồi không về Vĩnh Long được. Dịch bệnh đang căng thẳng nên mình vẫn muốn tham gia chống dịch, khi nào hết dịch mình sẽ về nhà sau”.

Lý Hoàng Duy- sinh viên ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh chọn ở lại nơi đây làm tình nguyện viên, thay vì về quê tránh dịch. Trong chiến dịch tiêm chủng quy mô chưa từng có, TP Hồ Chí Minh đang là điểm nóng ưu tiên hàng đầu với việc đẩy nhanh tiêm chủng cộng đồng.

Hàng chục điểm tiêm tại các quận, huyện được thành lập liên tục, đi kèm với yêu cầu về nhân lực hỗ trợ trong công tác tư vấn, điều phối. Hoàng Duy có mặt tại điểm tiêm chủng Phường 2, Quận 5 mỗi ngày từ 7- 19 giờ, công việc của em là theo dõi sức khỏe sau tiêm và giải đáp các thắc mắc cho người dân. Áp lực làm việc cao khi tiếp xúc 300- 400 người mỗi ngày, chưa kể nguy cơ bị lây nhiễm, nhưng Hoàng Duy vẫn sẵn sàng “khi nào Sài Gòn hết dịch em mới về Vĩnh Long thăm nhà”. Bởi: “Là một sinh viên y khoa, nhìn thấy sự cố gắng làm việc đến kiệt sức của y- bác sĩ, cũng như thầy cô của mình trên tuyến đầu, em cũng muốn góp một phần sức nhỏ”.

“Sài Gòn không của riêng ai”

Không chỉ có lực lượng y tế xung phong ra tuyến đầu, mà còn có những người Vĩnh Long vẫn chọn ở lại và vì TP Hồ Chí Minh, chia lửa trong một cuộc chiến cần sự chung tay chung lòng. Dù chỉ ở nhà, ngay trong khu vực phong tỏa với hàng chục F0 xung quanh mình, nhưng họ vẫn tràn đầy lạc quan, niềm tin và hy vọng vào một ngày bình yên không xa.

Nguyễn Lê Hoàng Anh- cô gái nhà ở Phường 5 (TP Vĩnh Long) đã có những ngày khó quên khi quyết định ở lại tâm dịch để cùng nhóm bạn may đồ bảo hộ gửi tặng các bệnh viện, các tình nguyện viên. Hàng ngày, nhận hàng chục tin nhắn, cuộc gọi từ các nơi xin hỗ trợ, cả nhóm miệt mài may, đóng gói và gửi đi. Dù mỗi ngày chỉ kịp vài chục bộ so với nhu cầu hàng ngàn bộ trong tâm dịch, nhưng những đóng góp nhỏ bé, thầm lặng ấy vẫn đáng trân trọng vô cùng. Giải thích cho việc ở lại, Hoàng Anh chia sẻ: “Sài Gòn là nơi cưu mang mình, Vĩnh Long là quê hương của mình… nhớ Vĩnh Long lắm, nhớ ba mẹ lắm nhưng mỗi ngày nghĩ các bạn tình nguyện viên được mặc đồ mình may, thấy hạnh phúc lắm. Mình hy vọng Sài Gòn sẽ nhanh hết bệnh, hồi phục...”

Hoàng Anh đóng gói các bộ đồ bảo hộ vừa may xong.
Hoàng Anh đóng gói các bộ đồ bảo hộ vừa may xong.

Trong cao điểm giãn cách, vẫn có những công việc không thể gián đoạn để duy trì hoạt động xã hội. Và truyền thông, báo chí là một tuyến đầu bám trụ, càng phải làm việc hết công suất để cập nhật tin tức, tình hình dịch bệnh nhanh chóng và chính xác. Biên tập viên Lý Tấn Đạt- một giọng nói quen thuộc trên các bản tin giao thông của TP Hồ Chí Minh- đã có những ngày làm việc đặc biệt theo tinh thần “3 tại chỗ”.

Để hoàn thành nhiệm vụ, anh Đạt đã chọn ở lại cơ quan, nên cũng đã rất lâu rồi chưa thể về thăm quê nhà Vĩnh Long. “Làm việc, sinh hoạt “3 tại chỗ” cũng có nhiều trở ngại, mình phải thu xếp sao cho thuận tiện nhất trong không khí sinh hoạt chung với mọi người… Có thể phải ăn đồ hộp nhiều hơn, một số sinh hoạt cũng cần giản lược đi. Nhưng sau cùng thấy vẫn ổn, miễn mình đảm bảo được công việc, không bị nhiễm bệnh trong lúc này là điều quý giá rồi”- anh Đạt chia sẻ.

Thời điểm giãn cách xã hội, chỉ cần ở trong nhà cũng là góp phần chống dịch. Tại một chung cư đang bị phong tỏa, chị Nguyễn Nhật Diễm Châu luôn giữ một góc xanh thắm tình quê. Nơi đó, có những cây trồng được chị mang lên từ mảnh vườn sau nhà, giúp những ngày giãn cách trở nên tích cực hơn. Vừa chăm sóc gia đình vừa làm việc online hiệu quả.

Nhưng không phải ai cũng may mắn có thể làm việc, có thu nhập trong thời điểm khó khăn này. Trong thành phố hội tụ dân tứ xứ này, vẫn còn những người lao động chưa thể về nhà với bao lo toan cuộc sống, cần nhiều sẻ chia từ đồng hương cật ruột…

Không giấu được niềm vui khi nhận những phần quà cứu trợ, chị Thạch Thị Sà Riêng (quê Trà Ôn-Vĩnh Long) chia sẻ mình sắp sinh em bé. Nhưng giờ “ai ở đâu thì ở yên đó” nên có thể gặp nhiều khó khăn trước mắt, dù vậy chị cùng chồng vẫn vững tin mọi thứ sẽ tốt hơn. Bởi bên cạnh chị vẫn còn tình đồng hương tương trợ.

Thành phố đang trải qua những ngày đầy âu lo nhưng chan chứa tình người, chung lòng tiếp sức cùng nhau vượt qua đại dịch. Dù ở vị trí nào, ra tuyến đầu chống dịch hay ở yên trong nhà với tinh thần tích cực, có những người xa quê vẫn chọn cách ở lại với nơi này trong niềm tin bình yên cuộc sống rồi sẽ trở về trong thành phố
nghĩa tình.

Bài, ảnh: DOÃN ĐAN