Mong ngóng tin nhà

Cập nhật, 21:22, Chủ Nhật, 18/07/2021 (GMT+7)
Những bữa ăn cùng những lời thăm hỏi gửi cho nhau trong những ngày phòng chống dịch.
Những bữa ăn cùng những lời thăm hỏi gửi cho nhau trong những ngày phòng chống dịch.

Mong ngóng tin nhà là tâm trạng chung của nhiều người giữa đại dịch COVID- 19, nhất là khi dịch len lỏi đến nơi sinh sống, làm việc của những người thân quen.

Là thủy thủ, từ tháng 2/2021 đến nay, do dịch bệnh nên anh V. A. (Long Hồ) không thể về nhà. Anh cho biết, những ngày lênh đênh trên biển nhớ nhà da diết đã đành. Tuy nhiên, có những ngày tàu đã về neo đậu ở đất liền, chỉ còn cách nhà chừng vài chục cây số- vài chục phút di chuyển nhưng lại không thể về. Mới đây, hay tin dịch bệnh đã đến quê nhà thì anh càng lo lắng.

Bởi lẽ, dịch bùng phát ở Khu công nghiệp Hòa Phú, một số người bà con của anh trở thành F1, F2; xã nhà còn có khu phong tỏa. “Tôi hồi hộp đọc các bảng thông báo, tin tức về khu phong tỏa ở quê mình, xã mình coi có ngay nơi ở của người thân mình trong đó hay không. Rồi liên tục cập nhật thông tin dịch bệnh, liên lạc thăm hỏi sức khỏe những người thân, nhất là cậu con trai nhỏ mới hơn 1 tuổi”- anh A. nói.

Làm cách nhà 40km, trước đây anh Đ. K. (TX Bình Minh) vẫn chạy đi chạy về hàng ngày nhưng hơn 1 tháng nay, anh K. ở lại chỗ làm. Hiện con trai 3 tuổi của anh đã được gửi về quê ngoại ở Trà Vinh, vợ anh vẫn ở tại nhà để tiếp tục công việc. “Nhà tôi giờ ở 3 nơi, mọi người tạo nhóm Zalo gia đình để gửi hình ảnh, cập nhật thông tin dịch bệnh và chia sẻ với nhau các cách phòng chống dịch”- anh K. cho biết.

Là bác sĩ làm việc ở TP Cần Thơ, T. A. cho biết, từ tháng 6 đến nay đã gửi con gái hơn 4 tuổi về nhà ngoại ở TP Vĩnh Long chăm sóc và không dám về gặp con, chỉ gặp qua điện thoại. “Những ngày TP Vĩnh Long có các ca nhiễm cộng đồng rồi giãn cách, lòng cồn cào thương ba mẹ và con gái nhỏ nhưng tôi tránh nói những lo lắng với người thân, chỉ chia sẻ nhiều hơn hỏi thăm tình hình sức khỏe, lưu ý các cách phòng chống dịch”- A. tâm sự.

Còn chị G. H. (TP Vĩnh Long) cho biết, những ngày này, mấy chị em liên tục cập nhật hình ảnh bữa ăn, hoạt động hàng ngày tại gia đình nhỏ của mình lên nhóm Zalo chung. Nhờ vậy, chị biết rõ những ngày Sài Gòn giãn cách theo Chỉ thị 16, gia đình chị Tư ăn uống đơn giản hơn vì đi mua hàng hóa khó khăn, bữa ăn cố gắng đảm bảo có canh rau và trứng luộc. Chị Hai thì cho biết, công ty chị làm có F0, chị không có tiếp xúc F0 đó nhưng đang làm test nhanh.

Cả nhà hồi hộp ngóng kết quả, cầu bình an cho chị. Chị H. cho biết thêm, các gia đình nhỏ bảo nhau tăng cường phòng chống dịch bằng cách ăn uống đủ chất, giảm đi chợ, tăng mua hàng giao tận nơi, giữ nhà cửa thông thoáng, thường xuyên sát trùng, khử khuẩn…

Anh A. H. (Bình Tân) cho biết, chợ nơi anh ở đã nghỉ bán, tạp hóa cũng đóng cửa. Nhà anh tận dụng cá dưới ao, rau trong vườn, trái cây tươi trên cây vừa hái cho bữa ăn hàng ngày. Thời gian trong ngày, anh liên lạc hỏi thăm những người thân quen, nhất là người thân trong nhóm gia đình.

Để thông tin về dịch bệnh được chính xác, anh thường xem thông tin từ các kênh chính thống trên báo đài và gửi “link” cho cả nhà cùng xem, tránh những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang không đáng từ bên ngoài.

Thiết nghĩ, quan tâm thăm hỏi, mong ngóng tin tức để biết tình hình của nhau đã trở thành chuyện không thể thiếu trong những ngày phòng chống dịch. Các nhóm Zalo, Facebook gia đình, bạn bè… vì vậy trở nên nóng hơn bao giờ hết. Bên cạnh cập nhật tình hình dịch bệnh, người người còn lưu ý nhau cách phòng chống dịch, động viên nhau bình tĩnh, cẩn trọng, vững tin để cùng nhau vượt qua đại dịch.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU