Những người lưu giữ nghề chằm nón lá

Cập nhật, 06:46, Thứ Tư, 19/02/2020 (GMT+7)

Xóm chằm nón lá thuộc Khóm 6 (thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ) đã tồn tại hàng chục năm, được nhiều gia đình xem là nghề chính để nuôi sống gia đình. Nhưng hiện chỉ còn lại những người lớn tuổi giữ nghề. Họ được mệnh danh là người “giữ hồn” cho nghề truyền thống của quê hương.

Du khách thích thú khi được hướng dẫn chằm nón.
Du khách thích thú khi được hướng dẫn chằm nón.

Đã qua thời hoàng kim của nón lá

Chúng tôi tìm về xóm nhỏ thuộc Khóm 6 để gặp những phụ nữ khéo tay, đảm đang vẫn đang miệt mài, thầm lặng làm nên những chiếc nón lá vang danh khắp miền Tây sông nước một thời.

Được người dân địa phương chỉ dẫn, chúng tôi len vào những con đường nhỏ tìm đến làng nghề yên bình, lặng lẽ khuất sau những rặng dừa, rặng trúc xòe tán rợp cả con đường. Từ xa, hình ảnh những phụ nữ tóc đã pha sương ngồi cặm cụi chằm nón hiện lên như một bức tranh chân quê mộc mạc.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan (63 tuổi) nhưng đã có 45 năm gắn bó với nghề chằm nón lá chia sẻ: năm 18 tuổi, bà có chồng về vùng đất này sinh sống, được cha mẹ chồng truyền lại nghề. Và cứ thế, ngày qua ngày công việc cứ tiếp diễn cho đến nay.

Người dân ở xóm này không ai biết cái nghề này có từ khi nào. Chỉ biết rằng nghề chằm nón theo chân một người đàn ông gốc Huế, được mọi người gọi tên là Dố đến nơi đây lập nghiệp rồi truyền nghề cho bà con làm kế sinh nhai. Từ đó, cứ đời trước truyền cho đời sau, nghề chằm nón duy trì cho đến tận ngày nay.

Lúc đầu, nghề làm nón lá này chỉ được xem như nghề phụ để kiếm thêm thu nhập cho các chị em phụ nữ những lúc nông nhàn. Nhưng về sau, những khi mất mùa, chiếc nón lá đã lo cho người dân có “cơm no, áo mặc” nên dần trở thành nghề chính của xóm nhỏ. Dần dà, những thanh niên, đàn ông, trẻ em cũng tham gia chằm nón để kiếm thêm thu nhập.

Theo bà Loan, thời hoàng kim của nghề chằm nón lá ở huyện Long Hồ là khoảng thập kỷ 70- 80 của thế kỷ XX, với hơn 300 hộ gia đình sinh sống bằng nghề này. Nhưng hiện nay do nhu cầu sử dụng chiếc nón lá không còn nhiều như trước nên giá nón giảm, thu nhập không nhiều. Đa phần người trẻ không còn tha thiết với nghề, chỉ còn những phụ nữ tuổi đã cao vẫn âm thầm “giữ nghề”.

Theo ông Nguyễn Minh Kỳ- Bí thư kiêm Trưởng Khóm 6- cho biết, ở đây còn khoảng 60 hộ làm nghề này, “đa phần là những người lớn tuổi làm, vì những người trẻ đi làm ở công ty hết, thu nhập cao hơn”- ông nói.

Gia đình bà Loan chủ yếu làm vườn để sống, thời gian rảnh mới chằm nón. Một ngày làm xuyên suốt được tầm 3- 4 chiếc, cũng kiếm được đồng ra đồng vào.

“Ở đây chỉ còn người lớn tuổi, người mất sức lao động mới làm nghề này, còn lớp trẻ đi làm ở các khu công nghiệp, thu nhập hơn rất nhiều. Già rồi, thay vì ngồi không, nội trợ thì người ta chằm nón để kiếm thêm chút đỉnh mua nhu yếu phẩm hàng ngày, cũng như lưu giữ nghề”- bà Loan nói.

Chằm nón lá cũng lắm công phu

Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan (57 tuổi) người có hơn 40 mùa xuân gắn bó với nghề chằm nón lá chia sẻ: Để làm ra một chiếc nón là cả một quá trình dài với nhiều khâu khác nhau với khoảng 15 công đoạn, từ làm khung, chuốt vành đến xếp lá, đan lá, chằm… Tất cả đều cần sự khéo léo và tỉ mỉ. 

Nguyên liệu chính để làm nón là loại lá mật cật và cây trúc. Đây là loại cây có lá xòe rộng như lá cọ, mọc nhiều ở tỉnh Tây Ninh... Thân cây nhỏ và thấp, mọc thành từng đám hoặc bụi, hai bên cọng của tàu lá đầy gai nhọn. Mỗi cây mật cật chỉ có 1 lá non và được người ta chọn để làm nón.

Công đoạn đầu tiên được xem quan trọng nhất là lá mật cật đem về phải đem đi luộc nước sôi. Xong, vớt ra đem phơi nắng cho thật khô, rồi tiếp tục đem phơi sương để lá nở ra. Sau đó, gom lá lại thành bó rồi bật lửa hơ, vuốt cho lá thẳng để khi chằm không bị co dúm lại. Khi vuốt phải canh độ lửa vừa phải, lửa yếu lá sẽ nhăn, lửa lớn lá bị khét. Công đoạn này phải làm từ lúc mặt trời chưa tỏ mặt người vì khi nắng lên cọng lá cứng rất khó vuốt.

Những người đàn ông sẽ phụ trách vót nan trúc để lên khuôn làm sườn nón. Kiềng vành lên khuôn nón trước rồi kế đến là kết lá. Bước kế tiếp là xoay lá trên khuôn. Công đoạn này rất quan trọng, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới xoay lá đều, đẹp.

Sau khi xoay đầu nón xong, người thợ sẽ dùng một cái vành, chụp lên bên ngoài khuôn nón để giữ cho lá nằm cố định, giúp người thợ chằm được dễ dàng. Tiếp đến là thao tác chằm nón, từng mũi kim phải đều, khoảng cách giữa các mũi kim vừa phải. Cuối cùng là “nức” vành và thoa dầu bóng để nón bền, đẹp.

Theo bà Lan, có 2 loại nón lá: nón đi ruộng và nón đi chợ. Nón đi ruộng được chằm chỉ thưa, chắc chắn hơn, vành rộng hơn. Còn nón đi chợ thì cọng lá được lựa chọn tỉ mỉ, đẹp, trau chuốt hơn rất nhiều. Giá nón lá đẹp dao động từ 50.000- 60.000 đ/cái. Riêng nón thả (nón không tha dầu, không “nức” vành...) được bán với giá khoảng 20.000 đ/cái.

 Những phụ nữ “nặng nợ” với nghề chằm nón.
Những phụ nữ “nặng nợ” với nghề chằm nón.

Dù đã ở cái tuổi xế chiều nhưng những người phụ nữ ở “làng nghề” vẫn luôn miệt mài bên chiếc nón hình chóp này. “Đối với cô chú, làm nón không còn quan trọng chuyện thu nhập, mà hơn hết là sống được ngày nào thì vẫn cố để giữ gìn cái nghề của ông bà, cha mẹ truyền lại”- bà Lan nói.

Hiện làng nghề cũng là địa điểm du lịch thu hút những du khách trong nước và ngoài nước đến tham quan. Khách đến đây thích thú khi quan sát những đôi tay của người làng nghề vừa tỉ mỉ, vừa thoăn thoắt chằm nón. Họ còn được những người thợ hướng dẫn và trực tiếp tham gia một số công đoạn làm nón nữa.

Hy vọng làng chằm nón không chỉ tồn tại với “sứ mệnh” giữ hồn cho làng nghề trăm năm mà còn là điểm đến thú vị của du khách muôn nơi. Đó là một làng nghề truyền thống trù phú, văn minh.

Bài, ảnh: HỒNG NAM