Chuyện về nữ cựu tù Côn Đảo

Cập nhật, 04:54, Thứ Sáu, 27/07/2018 (GMT+7)

Trước hiên nhà rợp mát bóng nhãn ở Phường 8 (TP Vĩnh Long), câu chuyện của cô Thiều Thị Bảy cứ ngắt quãng giữa chừng vì cơn mưa tháng 7, vì giọt nước mắt lăn dài cô len lén lau đi.

Câu chuyện về bao năm tháng ngục tù bền gan, vững chí, về những ngày cơ cực vượt qua nghèo khó của người phụ nữ đã qua tuổi thất tuần là bài học để chúng ta hiểu hơn giá trị của hòa bình và nhìn thấy đích đến từ mọi nỗ lực cố gắng của đời người.

Trải qua bao thăng trầm, đoàn tụ cùng gia đình là hạnh phúc lớn nhất của cô Bảy.
Trải qua bao thăng trầm, đoàn tụ cùng gia đình là hạnh phúc lớn nhất của cô Bảy.

7 năm thử thách lòng dũng cảm

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, 19 tuổi, cô Thiều Thị Bảy cũng nối gót ông nội và 3 người anh chị họ tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Năm 1968, khi công tác ở Tiểu ban Quân báo Tỉnh đội Vĩnh Long, lọt vào ổ phục kích ngay trên sông, cô Bảy không biết bơi nên bị giặc bắt.

Nửa thế kỷ là đoạn đường dài của một đời người, nhưng ký ức người lính là những khoảnh khắc khó phai, là sự chất chứa những nỗi đau cùng niềm tự hào của một thuở kiêu hùng.

Vậy nên, chỉ “một cú chạm nhẹ”, những dòng hồi ức tuôn trào không dứt về môt thời tuổi trẻ khó quên của cô Bảy: “Bộ đồ té xuống sông ướt sũng rồi nó tự khô luôn. Tui bị nhốt trong xà lim vừa khít một người nằm. Chúng tra tấn bằng chày vồ, tra điện khiến tui té xỉu dưới đất, bọn chúng lấy băng ca khiêng đến Khám lớn Vĩnh Long”.

Và từ đó là triền miên những chuyến chuyển đi hết nhà tù này đến khám nọ, mấy năm dài ăn cơm tù và nếm đủ mùi vị đau đớn, đắng cay của những cuộc tra tấn dã man của giặc. Một tháng sau khi bị bắt, bị đánh bầm tím hết cả người nhưng cô Bảy vẫn kiên định “nuốt nước mắt vào trong, không khai vì sẽ liên lụy đến đồng đội, đến gia đình, đến anh em”.

Năm 1969, cô Bảy bị đày qua Cần Thơ với mức án 5 năm tù, năm 1970 bị đưa đến khám ở Thủ Đức. Lần chuyển ngục cuối cùng năm 1972, chúng đàn áp bằng vôi bột, lôi cô đi Côn Đảo, sống trong phòng biệt giam ở Trại 4.

“Cái gì cũng thiếu thốn nhưng tui không ngại. Chỉ có một bộ đồ để bận thì tranh thủ giặt, đắp lên người cho khô rồi sáng mặc tiếp để lên tòa. Thiếu nước thì tui canh xin phần người ta sử dụng rồi để giặt đồ”- cô kể về những khó khăn, bỗng tặc lưỡi tiếc nuối: “Tiếc nhứt lúc đó là phải cắt ngắn mái tóc dài tới lưng quần thôi!” sự tiếc nuối rất… con gái, dù trong tù đày vẫn nghĩ về vẻ đẹp, làm duyên.

“Phụ nữ cũng bày nhiều trò chứ không ngồi im chờ chết đâu nghen”- cô Bảy cười, cho biết: “Lúc ngồi tàu ra Côn Đảo, mấy chị lấy kẹp xỉa mở được khóa còng, chúng phát hiện nên bơm nước vô tàu ướt loi ngoi lóp ngóp. Lúc ra Côn Đảo, đằng nào cũng không biết ngày về nên đấu tranh đến cùng để giành quyền lợi.

Chị em đòi ăn cơm, kiên quyết đòi có rau, đòi riết, đòi riết đến khi chúng guộn bó rau muống thảy vào mới thôi”. Cô Bảy ngập ngừng, mắt rưng rưng: “Mấy chục chị em nương tựa vào nhau mà sống, cách một thời gian lại có chị bệnh mà chết. Tụi tui buồn nhưng không cho phép mình sợ hãi”.

Trong khu vườn thoang thoảng hương nhãn ngày hôm ấy, cơn mưa tháng 7 rả rích không dứt, như khóc cùng câu chuyện về những đớn đau, mất mát của thế hệ cha anh.

Nếu hỏi chúng tôi giá trị của hòa bình, ước gì ai cũng có thể thấy giọt nước mắt nhắc đến ngày trở về của những cựu tù như cô Bảy sau 7 năm ròng rã trong các nhà lao, khám lớn, sau nỗi đau mất nước, nhớ nhà, nỗi đau bị giày vò về thể xác. Như lời cô kể, những ngày lịch sử năm 1975, hàng trăm, hàng triệu người Việt cũng hạnh phúc mà khóc cùng như thế.

Vượt khó vươn lên

Năm 1976, cô Bảy trở về, là thương binh hạng 3/4. Ở trường Thiếu Sinh Quân Vĩnh Long, cô gặp người bạn đời cũng từng bôn ba kháng chiến từ thời trẻ.

Tài sản lập nghiệp của vợ chồng cô là 1 công đất được người bạn vừa bán vừa cho với giá 200.000đ. Cô Bảy kể: “Anh em, bạn bè vận động xin cây, xin tôn để vợ chồng cất nhà. Thời ấy, nuôi heo rồi đổi lúa.

Chục giạ lúa thì đổi được… 1 bao xi măng. Nuôi 2 con nhỏ, cả nhà khó khăn đến mức nhà thì dột, ngủ cái mùng chi chít lỗ vá, cán bộ ở xã ai cũng quen mặt vì cứ đầu năm học tui lại đến để xin giảm học phí, xin học bổng cho con”.

Niềm vui tuổi về già của cô Bảy là chăm sóc vườn nhãn chục năm tuổi- tâm huyết của vợ chồng cô.
Niềm vui tuổi về già của cô Bảy là chăm sóc vườn nhãn chục năm tuổi- tâm huyết của vợ chồng cô.

Năm 1985, cô Bảy vay vốn ngân hàng mua được hơn 7 công đất, lên liếp trồng chuối, chanh rồi chuyển sang trồng nhãn Ido đến bây giờ. Nhìn dãy nhà trọ trước nhà, xung quanh là vườn nhãn xum xuê, bông trĩu cành, cô Bảy xúc động: “Từ 10 phòng trọ ban đầu, bây giờ tui xây được 40 căn.

Hễ có lớp tập huấn nông nghiệp là vợ chồng tui tham gia. Từ 50 gốc nhãn Ido, mài mò chiết cành ra 300 gốc, trồng xen với dừa trên 10 công đất. Tổng thu nhập hàng năm khoảng 200- 300 triệu”.

Cô nhìn lại chặng đường đã qua: “Gian khổ gì cũng ráng vượt qua để sống tốt, những ngày ngục tù đã trui rèn ý chí kiên định và không ngại khổ. Khó khăn là động lực để cố gắng hơn, kiên trì lấy ngắn nuôi dài rồi chuyện gì cũng qua”.

Mong muốn lớn nhất của vợ chồng cô là truyền lại tinh thần ấy, nghị lực ấy để giáo dục các con thành người. Con trai lớn hiện làm công an, con trai út là kỹ sư điện tử và 4 đứa cháu nội đã lớn lên với câu chuyện kháng chiến gian khổ của ông bà, từ ý chí cách mạng truyền thống của gia đình.

43 năm trở về từ “địa ngục trần gian”, cô Bảy đã 3 lần ra thăm Côn Đảo. Ký ức vẫn còn sống động như ngày cô bị giam ở Trại 4. Nhà ngục đó, cái giếng nước phủ đầy rong rêu vẫn ở đấy nhưng thời gian đi qua, giọt nước mắt vì mất nhà, mất người thân, giọt nước mắt kìm nén khi bị tra tấn giày vò lại thay bằng giọt nước mắt hạnh phúc của ngày hòa bình, được sống ấm no.

Cô Thiều Thị Bảy hiện là Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến Phường 8 ở nhiệm kỳ thứ 4, tiếp tục là sợi dây kết nối tình đồng chí, đồng đội; động viên, chia sẻ những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống của hội viên là người tù yêu nước. Cô nhận Huân chương Kháng chiến hạng nhì, nhiều giấy khen của Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân… Cô là phụ nữ duy nhất trong 6 đại biểu của Vĩnh Long vừa được biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc tại TP Vũng Tàu.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY