Thiêng liêng miền biên cương Tổ quốc

Cập nhật, 05:48, Chủ Nhật, 15/07/2018 (GMT+7)

Trong chuyến “Tuổi trẻ hành trình về biên giới” của Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh tại tỉnh Đăk Lăk, chúng tôi thật sự khâm phục sự quả cảm chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột và dù còn nhiều khó khăn, gian khó nhưng những chiến sĩ Đồn biên phòng Sê Rê Pôk vẫn chắc tay súng giữ vững biên cương Tổ quốc.

Các đoàn viên tham quan và tìm hiểu về Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Các đoàn viên tham quan và tìm hiểu về Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Nhà đày Buôn Ma Thuột: Nơi đến dễ khó về

Điểm đến đầu tiên của đoàn là Nhà đày Buôn Ma Thuột- nơi giam giữ những người yêu nước, những đảng viên Đảng cộng sản bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ.

Lịch sử đã ghi nhận Nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi tàn ác của thực dân Pháp ở Đông Dương. Trong suốt 15 năm, từ năm 1929- 1945 có 3.855 người yêu nước, những đảng viên cộng sản đã bị giam cầm hành hạ một cách dã man cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong đó có nhiều đồng chí về sau đảm nhận những vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước và quân đội như các đồng chí: Võ Chí Công, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu,...

Theo thông tin từ Ban quản lý Nhà đày Buôn Ma Thuột, vào những năm 30 của thế kỷ trước, đây là chốn rừng thiêng nước độc, những ai bị đi đày ở đây thì khó có ngày trở về. 

Nhà đày Buôn Ma Thuột có diện tích gần 2ha được bao quanh bởi 4 bức tường cao 4m, dày 40cm, phía trên có hàng rào dây thép gai, 4 góc đều có vọng gác, phía trong có 6 dãy lao tập thể giam giữ tù nhân.

Bên cạnh đó còn có các dãy xà liêm kiên cố dùng để giam giữ tù chính trị mà chúng cho là nguy hiểm nhất. Cánh cổng duy nhất được mở ra hướng Nam.

Giọng kể của ông Nguyễn Đình Phước- chuyên viên Ban quản lý Nhà đày Buôn Ma Thuột- lúc trầm lúc bổng kể về những trận hành hạ của quản ngục bằng roi mây có đính những cây đinh nhọn, đánh đến khi cây roi ngắn lại theo mức quy định.

Thực dân Pháp còn sử dụng biện pháp 15 ngày ăn mặn gồm cơm, cá và canh tẩm ướp rất mặn và 15 ngày ăn nhạt gồm cơm và nước lã. Với chế độ ăn uống như vậy, tù nhân kiệt sức rất nhanh, tiểu ra máu và mắc rất nhiều căn bệnh hiểm nghèo.

Khi tù nhân chết thì các quản ngục không chôn cất mà ném xác ra ngoài bức tường nhà đài cho hổ dữ ăn thịt.

Trong hoàn cảnh như vậy, các chiến sĩ cộng sản vẫn kiên trung không hề khuất phục, cùng đoàn kết đấu tranh đòi bọn thống trị phải thực hiện các yêu cầu của họ trong khuôn khổ tù chính trị, giữ vững khí tiết và giành lấy sự sống.

Cũng chính ở nơi này vào năm 1940, đã thành lập chi bộ đầu tiên của tỉnh Đăk Lăk, là tiền đề để các dân tộc ở Đăk Lăk đứng lên giành chính quyền vào ngày 24/8/1945.

Sau khi nghe thuyết minh và xem các hình ảnh về Nhà đày Buôn Ma Thuột, bạn Nguyễn Thị Bích Hằng- đoàn viên Đoàn ủy Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long- xúc động: “Từng được nghe những câu chuyện tù đày của các chiến sĩ cách mạng qua lời kể của các cựu chiến binh trong các phim tài liệu và các bộ phim lịch sử.

Nhưng khi đến nhà đày này, đặt chân lên chính nơi các chiến sĩ bị giam giữ, nghe kể chuyện các chiến sĩ cách mạng đã đoàn kết, che chở cho nhau; cùng nhau học tập, tổ chức đấu tranh trong nhà tù;

và học tiếng dân tộc rồi tuyên truyền tư tưởng chính trị thuyết phục các cai ngục đứng về phía các tù nhân, càng thấm thía và nể phục tinh thần kiên trung các chiến sĩ cách mạng và thêm tự hào khi được đến nơi đây”.

Mong ước đến biên cương Tổ quốc dù chỉ một lần

Chào tạm biệt các cán bộ Ban quản lý Nhà đày Buôn Ma Thuột, đoàn chúng tôi lại tiếp tục đi đến Đồn biên phòng Sê Rê Pôk, cách TP Buôn Ma Thuột hơn 100km.

Mất khoảng 5 giờ ngồi trên xe xuyên qua cánh rừng trùng điệp với đồi dốc quanh co gập ghềnh khó đi, cuối cùng Đồn biên phòng Sê Rê Pôk dần dần hiện ra trong tiếng reo vui của các thành viên trong đoàn vì đã đến biên cương Tổ quốc- nơi mà họ ao ước được đến, dù chỉ một lần.

Đến đồn biên phòng, ấn tượng đầu tiên của tôi là một con đường đan với những hàng xoài thẳng tắp, xen lẫn những cây hoa được các chiến sĩ chăm sóc tốt tươi, tiếng chim kêu ríu rít nhưng chào đón những vị khách phương xa vừa mới đến.

Đoàn viên cùng các chiến sĩ đồn biên phòng giao lưu văn nghệ.
Đoàn viên cùng các chiến sĩ đồn biên phòng giao lưu văn nghệ.

Đại úy Phan Văn Lâm- Chính trị viên, phó đồn- chào đón và dẫn chúng tôi đi tham quan các nơi trong đồn.

Anh giới thiệu: Những ngày đầu mới thành lập còn nhiều khó khăn, gian khổ, chưa kịp ổn định thì cán bộ, chiến sĩ đơn vị nói riêng, các đồn biên phòng của tỉnh nói chung lại phải bước vào cuộc chiến đấu mới với bọn phản động Pol Pot- Ieng Sary.

Ngày 25/2/1976, chúng ngang nhiên tập kích, thực hiện hàng trăm cuộc tấn công các đồn, Trạm Biên phòng Đăk Lăk, trong đó có Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk với nhiều thủ đoạn khác nhau.

Nhưng với tinh thần dũng cảm, kiên cường, “một tấc không di, một ly không rời”, trong 3 năm đấu tranh chống bọn phản động Pol Pot- Iêng Sary, nhân dân cùng lực lượng vũ trang Đăk Lăk nói chung và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk nói riêng đã đánh trả nhiều trận lớn nhỏ,

tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên, lập nên những chiến công xuất sắc chung của bộ đội biên phòng tỉnh và cũng đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ bỏ lại một phần xương máu, hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đến lúc này trời cũng đã gần tối, các chiến sĩ và đoàn viên cùng nhau nấu bữa cơm thân tình và giao lưu văn hóa, văn nghệ để hiểu hơn về những khó khăn trong cuộc sống cũng như trong việc bảo vệ Tổ quốc.

Đến sáng hôm sau, đoàn chúng tôi tiếp tục đến thăm Khu vực vượt sông Sê Rê Pôk thuộc đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh.

Tại đây ghi nhận từ mùa khô năm 1973 đến tháng 5/1975, Trung đoàn 4 (Sư đoàn 470 Công binh, Bộ Tư lệnh Trường Sơn) đã thi công cầu đường từ Đường 19 vào Nam Tây Nguyên đảm bảo đường ngang hướng đi Buôn Ma Thuột, làm ngầm cho xe tăng, cầu nối cho ô tô, pháo binh hạng nặng bộ binh vượt sông Sê Rê Pôk, góp phần vào chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đăk Lăk, thần tốc tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Nơi đây cũng là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân, pháo binh của chính quyền Sài Gòn. Đã có 57 chiến sĩ Sư đoàn 470 công binh hy sinh và nhiều đồng đội bị thương.

Đây là di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào năm 2013. Cách Khu vực vượt sông Sê Rê Pôk chừng trăm mét theo hướng chim bay là cột mốc biên giới 45 đôi xây trên nền đá hoa cương vào năm 2007, là cột mốc biên giới giữa Việt Nam và nước bạn Campuchia.

Các thành viên trong đoàn đến thăm và chào các chiến sĩ đã hy sinh tại nơi cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.
Các thành viên trong đoàn đến thăm và chào các chiến sĩ đã hy sinh tại nơi cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.

Anh Nguyễn Thành Thượng- Bí thư Đoàn Trường Trung cấp Y tế Vĩnh Long- đứng bên cột mốc tự hào nói: “Tôi có sở thích là đi đến các cột mốc biên giới của Tổ quốc mình vì đến đó tôi có thể ngắm cảnh núi rừng xinh đẹp không thua gì biển đảo, tự hào đây là đường biên giới Việt Nam và sự bảo vệ chủ quyền của các chiến sĩ vùng đó cũng như đời sống, sinh hoạt nơi đây.

Tôi đến đây mới thấy được ý chí tự lực tự cường của các anh rất cao, lương thực, thực phẩm được các anh tự cung tự cấp. Dù xa gia đình nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc. Từ đó mới nhìn lại công việc hàng ngày của mình cố gắng làm sao cho xứng đáng”.

Có cảm nhận tương tự với anh Thành Thượng, anh Lưu Phước Lộc- đoàn viên Chi đoàn Các cơ quan khối Đảng- cho rằng, khi tận mắt thấy được sự hy sinh thầm lặng của các anh chiến sĩ đồn biên phòng như xa gia đình, điều kiện sinh hoạt khó khăn, đời sống văn hóa tinh thần còn nhiều thiếu thốn, căn bệnh sốt rét luôn chực chờ họ,… nhưng các anh vẫn nỗ lực hết mình cho bảo vệ biên cương Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

Đi để khám phá, đến để hiểu và yêu biên cương Tổ quốc ta- nơi không chỉ có nắng và gió mà còn có những cảnh rừng, núi non xinh đẹp và hùng vĩ đẹp đến nao lòng.

Cũng qua chuyến đi, mỗi người chúng ta thêm trân trọng và tự hào trước những gì mà các chiến sĩ cách mạnh ngày xưa đã anh dũng chiến đấu cũng như những chiến sĩ đồn biên phòng ngày nay chắc tay súng bảo vệ từng tất đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk (còn gọi Đồn Biên phòng 743) là 1 trong 3 đồn biên phòng được thành lập đầu tiên của tỉnh Đăk Lăk (6/11/1975). Hiện nay đồn biên phòng Sê Rê Pôk đang quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 13,3km, đã được phân giới trên 12km và cắm được 2 mốc quốc giới đó là (M44 đơn và M45 đôi), tiếp giáp với tỉnh bạn Mulđulkiri, Campuchia). Nằm trên địa bàn xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk) với số dân hơn 1.429 hộ/5.442 nhân khẩu, có 13 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn.

Bài, ảnh: TẤN TÂN