Dắt nhau ra tòa vì tranh chấp chỗ... phơi đồ

Cập nhật, 05:44, Thứ Tư, 05/05/2021 (GMT+7)

(VLO) Chỗ phơi đồ và sàn nước nằm trên ranh đất giữa 2 nhà nên bên nào cũng cho đó là tài sản của mình dẫn đến tranh chấp phải dắt nhau ra tòa.

Trong đơn khởi kiện gửi TAND TP Vĩnh Long, ông H.T. (ở Phường 2- TP Vĩnh Long) đại diện nguyên đơn trình bày: Anh trai ông T. đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) thửa 82, diện tích 776,7m2, giáp ranh phía trước là nhà ông L.V.H.

Quá trình sử dụng, ông L.V.H. lấn ranh qua đất của gia đình ông T. để làm sàn nước và chỗ phơi đồ.

Phía ông T. nhiều lần yêu cầu ông L.V.H. trả lại đất lấn chiếm nhưng không được nên đã khởi kiện ra tòa yêu cầu ông L.V.H. tháo dỡ nền xi măng và mái tôn che chắn.

Bị đơn là ông L.V.H. cho rằng: Phần ranh đất giáp với đất gia đình ông T. là rạch thoát nước công cộng đã có trên 50 năm, được sử dụng chung cho 10 hộ gia đình.

Khi anh ông T. mua thêm thửa đất của hộ liền kề đã hợp thức hóa luôn con rạch thành đất của mình nên xảy ra tranh chấp với các hộ sử dụng con rạch này.

Do đây là rạch công cộng, gia đình ông L.V.H. không lấn đất của anh ông T. nên không đồng ý tháo dỡ chỗ phơi đồ và sàn nước.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông L.V.H. trả lại đất lấn chiếm và tháo dỡ nền láng xi măng, mái tôn.

Ông L.V.H. không đồng ý với phán quyết trên nên đã gửi đơn kháng cáo yêu cầu được sử dụng hợp pháp phần đất tranh chấp và sẽ bồi hoàn giá trị đất lại cho gia đình ông T.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có được, HĐXX tòa phúc thẩm nhận định: Anh trai ông T. là chủ sử dụng phần đất diện tích 776,7m2 thuộc thửa 82 do UBND TP Vĩnh Long cấp ngày 31/12/2014.

Giáp ranh với thửa 82 là phần đất của hộ ông L.V.H. có diện tích 77,4m2 do UBND TP Vĩnh Long cấp ngày 15/9/2014.

Theo trích đo bản bản đồ địa chính khu đất ngày 5/2/2021 của Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Vĩnh Long thì phần đất tranh chấp có diện tích 3,3m2 thuộc thửa số 82 do anh ông T. đứng tên nên không có căn cứ xác định phần đất tranh chấp thuộc QSDĐ của ông L.V.H.

Tuy nhiên, xét về nhu cầu sử dụng thì phần đất tranh chấp gắn liền với căn nhà chính có kết cấu chịu lực bằng sắt của ông L.V.H., nếu tháo dỡ trả lại 3,3m2 đất lấn chiếm sẽ làm ảnh hưởng đến các tài sản khác của hộ ông L.V.H.

Do đó, HĐXX thống nhất sửa một phần án sơ thẩm, tuyên chấp nhận cho hộ ông L.V.H. được tiếp tục sử dụng phần đất 3,3m2 và buộc ông L.V.H. phải trả giá trị đất cho gia đình ông T. tương đương 14,8 triệu đồng.

Vậy là hộ ông L.V.H. được quyền sử dụng phần đất bấy lâu dùng làm chỗ phơi đồ và sàn nước. Đây là nhu cầu thiết yếu nên được HĐXX phán xét trên cơ sở cả lý lẫn tình.

Nếu như trước đây, ông L.V.H. nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực và có nghĩ đến quyền lợi của gia đình ông T. như cách tòa phân xử thì đôi bên đã không xảy ra tranh chấp phải kiện nhau ra tòa.

DIỄM PHƯỢNG