Chủ hụi lừa đảo, hụi viên lao đao

Cập nhật, 05:09, Thứ Tư, 13/11/2019 (GMT+7)

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ vỡ hụi gây thiệt hại tài sản hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng. Bị cáo trong các vụ án này đa số là phụ nữ ở các vùng nông thôn, thời gian đầu làm ăn uy tín, giao tiền đúng hẹn nên được hụi viên tin tưởng. 

Lợi dụng điều này, chủ hụi bắt đầu thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để chi xài vào mục đích cá nhân. Đến khi sự việc bại lộ, nhiều hụi viên mới vỡ lẽ vì lâu nay đã tin tưởng “chọn mặt gửi tiền” không đúng người.

Bị cáo Lê Thị Kim Ngọc tại phiên tòa phúc thẩm của TAND tỉnh.
Bị cáo Lê Thị Kim Ngọc tại phiên tòa phúc thẩm của TAND tỉnh.

TAND tỉnh vừa bác đơn kháng cáo và y án sơ thẩm 5 năm tù đối với bị cáo Lê Thị Kim Ngọc (SN 1969, ngụ xã Thanh Đức- Long Hồ) tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngọc bắt đầu làm chủ hụi từ tháng 7/2009 qua việc mở các dây hụi tháng, hụi mùa cho nhiều người dân tham gia. Mỗi dây hụi có trị giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Ngoài việc được hưởng hoa hồng nhờ vai trò chủ hụi, Ngọc còn tham gia vào các dây hụi với vai trò hụi viên.

Thời gian đầu, Ngọc giữ uy tín, giao tiền cho hụi viên hốt đúng hẹn, tạo được lòng tin nên mỗi lần khui hụi một số hụi viên không trực tiếp đến chứng kiến mà “ủy quyền” cho Ngọc bỏ thăm dùm. Lợi dụng lòng tin này, Ngọc đã lập các dây hụi khống nhằm chiếm đoạt tiền tiêu xài cá nhân, bằng cách âm thầm thêm tên giả hoặc tự ý mượn tên của các hụi viên vắng mặt để hốt hụi.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn Ngọc bị mất cân đối trong việc chi trả tiền hụi và cần tiền tiêu xài cá nhân, chi phí sinh hoạt gia đình nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của hụi viên. Theo đó, từ giữa năm 2010- 2014, Ngọc thực hiện hành vi lừa đảo với 36 lần kê khống tên của những hụi viên để kêu hốt hụi, chiếm đoạt trên 399 triệu đồng.

Đến khi không còn khả năng thanh toán và bị phát hiện, Ngọc tuyên bố “vỡ hụi” khiến các hụi viên điêu đứng và làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.

Sau đó, Ngọc bị TAND huyện Long Hồ kết án 5 năm tù nhưng bị cáo đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long vừa qua, HĐXX đã bác đơn kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm vì bị cáo không cung cấp được chứng cứ nào mới.

Vừa qua, vào ngày 6/11/2019, TAND tỉnh Vĩnh Long cũng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Tố Hương (SN 1969, ngụ xã Lộc Hòa- Long Hồ) vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Phiên tòa dự kiến xét xử trong 3 ngày nhưng do phát sinh một số tình tiết mới nên đến ngày thứ 2 HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.

Kết quả điều tra cho thấy, Hương bắt đầu làm chủ hụi từ năm 2008 với nhiều dây hụi mệnh giá thấp, hụi viên hầu hết là người dân địa phương.

Tuy vậy, số tiền kiếm được từ vai trò chủ hụi không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu xài cá nhân và trả các khoản nợ vay bên ngoài nên từ năm 2013, Hương bắt đầu thực hiện hành vi gian dối bằng cách kê khống tên các hụi viên vào các dây hụi để chiếm đoạt tài sản.

Đến thời điểm tháng 4/2017, khi Hương tuyên bố vỡ hụi thì đối tượng này đang quản lý 85 dây hụi với 1.000 phần hụi và có hơn 870 lượt hụi viên.

Cơ quan điều tra xác định số tiền mà Hương có được nhờ thực hiện hành vi gian dối là hơn 5,8 tỷ đồng. Từ nguồn tiền này, Hương đã chi cho một số mục đích cá nhân như: trả nợ vay ngân hàng khoảng 360 triệu đồng, bù vào khoản chăn nuôi heo thua lỗ khoảng 3 tỷ đồng,…

Qua các vụ án cho thấy, hầu hết các hụi viên bị lừa đảo đều đặt sự tin tưởng rất lớn vào các chủ hụi nên những lần khui hụi không trực tiếp tham gia mà “ủy quyền” cho chủ hụi bỏ thăm giúp. Điều này đã vô tình tạo cơ hội cho những kẻ làm ăn không chân chính thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Do đó, nếu muốn đầu tư vào hụi, người dân cần nâng cao cảnh giác, theo dõi sát sao tình hình hoạt động của các dây hụi để tránh lâm vào hoàn cảnh “tiền mất, tức mang”.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG